Cần cơ chế tài chính bảo đảm y tế cơ sở hoạt động thường xuyên
31/05/2023 09:03 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục phiên họp toàn thể, chiều 29/5, các ĐBQH đề nghị cần đổi mới cơ chế, chính sách tuyển dụng, đãi ngộ đối với nhân viên y tế cơ sở, nhằm thu hút nguồn nhân lực cũng như người dân đến KCB…
Tăng định mức phân bổ kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu
Khẳng định y tế cơ sở là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh, tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở đã được khẳng định, trở thành mắt xích then chốt để ngăn chặn dịch. Y tế dự phòng là chiến lược trước mắt cũng như lâu dài, đỡ tốn kém song mang lại hiệu quả bền vững nhất. Do đó, để hoàn thành mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể hơn về các chính sách, cơ chế, sự đáp ứng về nguồn lực đối với hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng thời gian qua. Đặc biệt, cần tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư khóa 9 về việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình)
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung chính sách, ngân sách của Nhà nước cho y tế dự phòng và y tế cơ sở, tăng định mức phân bổ kinh phí và tăng tỷ trọng chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu từ nguồn NSNN cho y tế tuyến huyện, xã và đầu tư đầu tư cho y tế dự phòng. Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở theo hướng dựa trên kết quả đầu ra. Đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế cho y tế cơ sở theo hướng phối hợp các phương thức chi trả để khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh đó, có cơ chế giá dịch vụ y tế và cơ chế đồng chi trả phù hợp, nhằm khuyến khích người dân KCB ở y tế cơ sở; mở rộng hình thức Nhà nước đặt hàng và kết hợp công tư trong cung cấp dịch vụ y tế công lập.
“Các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế cần mạnh mẽ, đồng bộ, khuyến khích nhân lực có trình độ chuyên môn làm việc, gắn bó lâu dài với y tế cơ sở. Các chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng cần được xét lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh. Về chính sách thuộc chế độ phụ cấp y tế cơ sở tại các y tế cơ sở công lập theo Nghị định 05, đại biểu đề nghị cho hưởng phụ cấp ưu đãi 100% đối với tất cả CBVC đang làm tại tuyến y cơ sở”- ĐB Thu đề nghị.
Đồng quan điểm, song ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho biết, Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội xác định một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ KCB BHYT tại trạm y tế xã giảm từ 19,8% (năm 2017) xuống còn 14,6% (năm 2022) là do hạn chế về năng lực của trạm y tế xã trong thực hiện các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật. Tuy nhiên, ĐB Nhị Hà cũng cho rằng, thực tế còn nhiều nguyên nhân khác nữa như: Một số quy định về phê duyệt danh mục kỹ thuật theo chuyên khoa, phụ thuộc vào chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khiến phạm vi hoạt động chuyên môn tại trạm y tế xã chưa đáp ứng được nhu cầu KCB ban đầu của người dân… Đơn cử, Thông tư 20 năm 2022 đã mở rộng danh mục thuốc cho trạm y tế xã, nhưng do quy định về tổng mức thanh toán BHYT, nên mức chi trả cho một đơn thuốc điều trị cùng một loại bệnh tại trạm y tế rất thấp so với tuyến thành phố, tuyến Trung ương và đó cũng là lý do người bệnh luôn muốn được chuyển lên các tuyến trên.
ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội)
Cũng theo ĐB Trần Thị Nhị Hà, Báo cáo của Đoàn giám sát đánh giá: “Cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho tuyến y tế cơ sở đã từng bước phát huy tính chủ động của các đơn vị”. Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 60 năm 2021 quy định chung về tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong khi y tế là một lĩnh vực đặc thù, việc áp dụng Nghị định 60 cho ngành Y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập...
“Y tế cơ sở phải thực hiện nhiều nhiệm vụ y tế cộng đồng, phòng chống dịch bệnh, nhưng hiện nay thường chỉ bảo đảm được phần nhỏ chi thường xuyên. Phần kinh phí chưa tự chủ được đều do ngân sách cấp bổ sung. Trên thực tế, một đơn vị bảo đảm 20% chi thường xuyên hay đơn vị bảo đảm 80% chi thường xuyên đều được NSNN cấp bù, cơ chế là giống nhau. Bảo đảm được 80% không có lợi thế gì hơn so với bảo đảm tài chính 20%, dẫn đến chưa thúc đẩy được các đơn vị chủ động nâng mức tự chủ”- ĐB Hà phân tích.
Thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở
ĐB Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cho rằng, cần quan tâm đến chính sách thu hút nguồn nhân lực làm việc tại y tế cơ sở, bởi hiện nay chính sách này chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để giữ chân và tạo sức hút để đội ngũ bác sĩ trẻ có trình độ và năng lực làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Mặc dù có những địa phương đã ban hành chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại y tế cơ sở, nhưng nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế, dẫn đến tình trạng đội ngũ y bác sĩ chuyển vùng cũng diễn ra phổ biến.
Bên cạnh đó, chính sách đào tạo nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị định số 141/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chế độ cử tuyển đối với HSSV là người DTTS chưa tạo điều kiện cho đối tượng này được cử tuyển vào ngành y. Theo Nghị định này, người DTTS được cử tuyển phải có hộ khẩu 5 năm liên tục tại các xã đặc biệt khó khăn. Như vậy, các đối tượng thuộc các xã đạt chuẩn nông thôn mới lại không thuộc đối tượng này. Mặc dù nông thôn mới, nhưng đời sống của nhân dân vẫn rất nghèo, trong khi điều kiện tiêu chuẩn đầu vào của ngành y rất cao. Có những địa phương hàng năm không có học sinh nào được cử tuyển, dẫn đến việc người địa phương được đào tạo để quay về công tác lâu dài tại địa phương là khó thực hiện.
ĐB Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai)
Nêu thực tế trên, ĐB Nguyễn Thị Lan Anh mong muốn, Chính phủ cần quan tâm đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, điều chỉnh tiêu chuẩn, tiêu chí của chính sách đào tạo cử tuyển cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, kể cả các xã về đích nông thôn mới, để người học thuộc các địa bàn khó khăn, vùng cao, vùng DTTS có điều kiện tiếp cận với môi trường học tập, nhất là ngành y. Cùng với đó, Chính phủ cần nâng phụ cấp trực cho nhân viên y tế được quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ; nâng phụ cấp của nhân viên y tế thôn, bản từ 0,5 mức lương cơ sở lên 1,0% mức lương cơ sở/người/tháng. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ y tế cơ sở có thời gian công tác quá 5 năm tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn mà chưa được chuyển vùng hoặc không có nguyện vọng chuyển vùng để họ yên tâm công tác lâu dài tại địa phương.
ĐB Trần Thị Nhị Hà cũng khẳng định, mấu chốt để giải quyết triệt để bài toán của y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo hướng NSNN cấp đủ kinh phí nhằm bảo đảm duy trì hoạt động thường xuyên cho đơn vị. Chênh lệch giữa thu dịch vụ và chi phí trực tiếp thực hiện dịch vụ được phép giữ lại để sử dụng theo quy định nhằm nâng cao chất lượng KCB.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính năm ...
BHXH Việt Nam tổng kết công tác Chuyển đổi số, ...
BHXH tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm “về đích” các chỉ tiêu, nhiệm ...
BHXH tỉnh Yên Bái: Hoàn thành 95% chỉ tiêu bao phủ BHYT năm ...
Bản tin Audio số 43 - Tuần 4 tháng 12/2024
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?