Quy trình mới về công nhận người có công với cách mạng

15/05/2023 09:11 AM


Thông tư 14/2023/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 5/6/2023, áp dụng cho đối tượng sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ) đang công tác hoặc đã chuyển ra ngoài CAND (nghỉ hưu, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành).

Tại Thông tư, hướng dẫn các quy trình công nhận người có công với các mạng, bao gồm: Quy trình công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Quy trình công nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Quy trình lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ: Quy trình thực hiện chế độ ưu đãi với anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đang công tác trong CAND; Quy trình công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh hoặc giải quyết trợ cấp thương tật một lần; Quy trình khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với thương binh đang công tác trong CAND có vết thương đặc biệt tái phát và điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp; Quy trình khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với người bị thương đang công tác trong CAND còn sót vết thương, còn sót mảnh kim khí hoặc có tỷ lệ tổn thương cơ thể tạm thời hoặc khám giám định bổ sung vết thương và điều chỉnh chế độ; Quy trình công nhận bệnh binh; Quy trình cấp giấy xác nhận thời gian tù và nơi bị tù trong thời gian hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; Quy trình xác minh, kết luận đối với người mất tích trong chiến tranh; Quy trình tiếp nhận hồ sơ, đề nghị công nhận liệt sĩ với cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh; Quy trình tiếp nhận hồ sơ, đề nghị công nhận thương binh với người bị thương trong chiến tranh đang công tác trong CAND; Quy trình tiếp nhận hồ sơ, đề nghị công nhận thương binh với cán bộ, chiến sĩ Công an bị thương trong chiến tranh đã chuyển ngành, xuất ngũ, thôi việc, nghỉ hưu.

Thông tư 14/2023/TT-BCA  có hiệu lực từ ngày 5/6/2023. Ảnh: LĐ

Thông tư 14/2023/TT-BCA cũng quy định quy trình thực hiện các chế độ ưu đãi khác đối với người có công và thân nhân người có công, cụ thể: Quy trình thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với các trường hợp đang quản lý thuộc CAND; Quy trình thực hiện chế độ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng đối với các trường hợp đang quản lý thuộc CAND; Quy trình xác nhận để hỗ trợ người có công và thân nhân theo học đến trình độ Đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Riêng về Quy trình thực hiện chế độ trợ cấp một lần khi người có công đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi trong CAND từ trần, đại diện thân nhân của người có công từ trần lập bản khai (Mẫu số 12 Phụ lục I Nghị định số 131/2021/NĐ-CP) có xác nhận của UBND cấp xã nơi thường trú kèm bản sao được chứng thực từ giấy báo tử hoặc trích lục khai tử gửi đến Công an đơn vị, địa phương nơi quản lý hồ sơ người có công trước khi người có công từ trần; Công an đơn vị, địa phương nơi quản lý hồ sơ người có công trong thời gian 5 ngày có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ người có công, có văn bản báo cáo kèm hồ sơ gửi đến Cục Tổ chức cán bộ để giải quyết; Cục Tổ chức cán bộ trong thời gian 10 ngày chuyển hồ sơ và các quyết định về Công an đơn vị, địa phương nơi quản lý hồ sơ người có công để thực hiện chế độ ưu đãi; Công an đơn vị, địa phương nơi quản lý hồ sơ người có công trong thời gian 5 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định chấm dứt chế độ ưu đãi đối với người có công và quyết định trợ cấp khi người có công từ trần, có trách nhiệm thực hiện chế độ và di chuyển hồ sơ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đại diện thân nhân người có công thường trú để quản lý và thực hiện thủ tục trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng (nếu có).

PV