Thủ tướng: Quyết tâm, nỗ lực lớn, để kết quả năm 2023 cao hơn năm 2022
27/01/2023 09:40 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 27/1 (mùng 6 Tết), tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính họp đánh giá tình hình Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết.
(Ảnh: TRẦN HẢI)
Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo và tăng cường
Theo Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát, nắm tình hình, xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hỗ trợ, tổ chức thăm hỏi kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ; tổ chức chuyển quà của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các đối tượng theo quy định; bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết. Cụ thể:
Thực hiện Chương trình số 79-CTr/TW ngày 10/12/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, mặt trận, đoàn thể đã tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người nghèo, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại nhiều địa phương trong cả nước. Tổng kinh phí quà tặng cho các đối tượng người có công với cách mạng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương bố trí ngân sách, vận động nguồn lực xã hội là hơn 2.000 tỷ đồng với trên 3 triệu suất quà Tết.
Công tác hỗ trợ gạo cứu đói và giáp hạt đầu năm 2023: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 6 Quyết định hỗ trợ hơn 18 nghìn tấn gạo cứu đói cho gần 200 nghìn hộ với trên 1,2 triệu nhân khẩu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023 cho 17 tỉnh. Các địa phương được cấp gạo đã chủ động xây dựng kế hoạch phân bổ và tiến hành cấp phát gạo cho người dân; đồng thời, chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ hơn 1.500 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.
Công tác hỗ trợ, chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được các địa phương quan tâm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đã hỗ trợ, tặng quà tết cho 3,6 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và chúc thọ, mừng thọ trên 1 triệu người cao tuổi. Mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương phổ biến là từ 300.000-500.000 đồng/người. Một số địa phương có điều kiện ngân sách như Hà Nội, Cần Thơ… có mức hỗ trợ cao hơn.
Công tác chăm lo Tết cho người lao động: đã hỗ trợ cho khoảng 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người (bằng tiền mặt) từ nguồn tài chính công đoàn. Gần 20.000 lượt đoàn viên, người lao động được nhận quà, thăm hỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tổng số tiền thăm, tặng quà đoàn viên, người lao động các cấp là gần 23,7 tỷ đồng. Đã chỉ đạo tổ chức 22 Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” với khoảng 300.000 lượt người lao động tham gia; trong dịp Tết, đã có 6,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn với tổng nguồn kinh phí là hơn 4.581 tỷ đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trích từ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và chủ trì vận động đi thăm, tặng quà Tết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với 5,37 triệu suất quà trị giá khoảng 2.389 tỷ đồng.
Tổng hợp chung tình hình chăm lo, tặng quà Tết cho các đối tượng chính sách xã hội đến ngày mùng 5 Tết, ước tính kinh phí trợ giúp Tết của 63 địa phương khoảng 9.500 tỷ đồng hỗ trợ trên 25 triệu lượt đối tượng.
Về tình hình lương, thưởng Tết của người lao động và chăm lo hỗ trợ người lao động: Tiền lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp năm 2022 là 8,25 triệu đồng/tháng, tăng 6% so với năm 2021. Ngoài tiền lương, tiền thưởng dịp tết, tùy theo điều kiện, các doanh nghiệp còn có các hình thức khác hỗ trợ, chăm lo cho người lao động nhân dịp Tết.
Hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao, hình thức, mẫu mã đa dạng, phong phú, được nhiều người lựa chọn
Về tình hình thị trường, cung-cầu và giá cả hàng hóa: công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đã được các địa phương và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai tích cực từ sớm. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, giá không có biến động lớn; không để xảy ra thiếu hàng sốt giá. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nguồn hàng được chuẩn bị tăng lên 20%-30% so với ngày thường, trong đó hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao, hình thức, mẫu mã đa dạng, phong phú, được nhiều người lựa chọn. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tăng từ 8%-10% so với tháng thường và tăng tương đương Tết năm 2022. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những ngày Tết không có diễn biến phức tạp.
Trong dịp Tết, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải được nâng cao, bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt. Tình hình an ninh trật tự tại các bến xe được bảo đảm. Hành khách đi lại qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không trong 7 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình giao thông trên toàn quốc trong dịp Tết được bảo đảm ổn định. Tuy nhiên, trên địa bàn một số thành phố lớn, cửa ngõ đã xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ phương tiện giao thông vào các ngày cao điểm là thời điểm người dân về quê ăn Tết và quay trở lại thành phố sinh sống làm việc.
Trong 7 ngày nghỉ Tết, công an các địa phương đã phát hiện và xử lý 21.990 trường hợp vi phạm, trong đó xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 17 trường hợp dương tính ma túy, 2.211 trường hợp vi phạm tốc độ; phạt tiền 50 tỷ 428 triệu đồng, tạm giữ 639 ô-tô, 9.910 xe máy và 50 phương tiện khác; tước 4.950 Giấy phép lái xe các loại. Tình hình tai nạn giao thông: sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, toàn quốc xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 89 người và 111 người bị thương. So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giảm 12 vụ (-7,3%), giảm 3 người chết (-3,3%) và tăng 8 người bị thương (+8%).
Tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống
Các địa phương chủ động tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống với nhiều hình thức phong phú, chất lượng nghệ thuật cao, tạo nên sắc màu văn hóa đa dạng, hấp dẫn. Các di tích đã được các cơ quan, địa phương chủ động chỉnh trang cảnh quan, tổ chức các hoạt động vui xuân phục vụ du khách.
Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, đơn vị ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 phải khẩn trương, tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế-xã hội, nhất là những công việc tồn đọng do nghỉ Tết; không tổ chức các hoạt động du xuân, chúc Tết làm ảnh hưởng đến công việc, thời giờ làm việc. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1 của Chính phủ; tạo khí thế phấn khởi, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ đầu năm để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023...
Phát huy mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm, hạn chế tối đa khó khăn, thách thức, bắt tay tháo gỡ hành lang pháp lý
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, đánh giá tình hình Tết Nguyên đán vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đạt được mục tiêu Ban Bí thư, Chính phủ đã đề ra: bảo đảm Tết an viên, sum vầy, vui tươi, lành mạnh, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, mọi người mọi nhà đều có Tết; bảo đảm an ninh, an toàn, an dân; thực hiện chính sách an sinh xã hội đúng, đủ, kịp thời, không có tình trạng thương tích trẻ em; các lễ hội được tiến hành một cách lành mạnh; công tác đón Xuân ở các địa phương đúng quy định…; tình hình trật tự an toàn giao thông được bảo đảm; kiểm soát tình trạng uống bia rượu nhờ đó tai nạn giao thông, vụ việc đánh nhau giảm; hình ảnh các chiến sĩ công an chăm lo cho nhân dân gây ấn tượng mạnh; Bộ Công an đã bảo đảm trật tự an toàn xã hội, kiểm soát việc đốt pháo, an toàn phòng, chống cháy nổ… từ đó tạo năng lượng mới, khí thế mới vui vẻ, phấn khởi cho cả dân tộc.
Ảnh Trần Hải
Thủ tướng khẳng định, công tác kiểm soát dịch bệnh được làm tốt, không để xảy ra ca tử vong vì Covid-19; số ca tử vong, thương tật vì bia rượu ngày Tết giảm; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm, không có vụ việc trên diện rộng; công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt trên cả nước; các địa phương đã chi khoảng 9.500 tỷ đồng hỗ trợ 25 triệu lượt người trên cả nước; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tích cực đi chúc Tết, thăm hỏi người lao động, các đối tượng chính sách trên các địa phương; cả nước đã hỗ trợ, chăm lo, tặng quà cho 3,6 triệu đối tượng bảo trợ xã hội; mức hỗ trợ của các địa phương đối với túi quà Tết là 300 nghìn đến 500 nghìn đồng/người; làm tốt công tác hỗ trợ người lao động từ nguồn tài chính của Công đoàn…
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh điều quan trọng là chúng ta đã kiểm soát tình trạng uống bia rượu; thị trường, giá cả cơ bản ổn định; tình hình cung ứng điện, xăng dầu cơ bản tốt, ổn định; tình hình giao thông trên toàn quốc, nhất là ở 2 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất vẫn bảo đảm lưu thông bình thường, an toàn, trật tự; các tuyến đường được phân luồng… từ đó chúng ta có thêm kinh nghiệm điều hành giao thông. Đến nay, sản xuất, kinh doanh, thu ngân sách nhà nước vẫn được bảo đảm, nhất là ngân sách từ các tập đoàn nước ngoài ở Việt Nam. Nhân dịp này, cùng với tăng cường triển khai dữ liệu về dân cư, Thủ tướng đề nghị phải tăng cường ứng dụng công nghệ để quản lý chặt chẽ thu thuế lĩnh vực kinh doanh ăn uống; công tác tuyên truyền về bảo đảm Tết được tăng cường. Nhiều địa phương tích cực triển khai Tết trồng cây. Các lực lượng vũ trang ứng trực tốt; ngành ngân hàng bảo đảm phục vụ nhu cầu nhân dân thông suốt.
Về những nhiệm vụ trọng tâm sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng đề nghị nhấn mạnh một số việc lớn về giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai Trung tâm dữ liệu quốc gia mà Bộ Công an đang rất tích cực; rà soát lại việc tăng thu ngân sách nhà nước, nhưng cần điều chỉnh lại để giải quyết vấn đề tiền lương, dự trữ, cần tập trung tăng cho an ninh quốc phòng, đầu tư hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa.
Một số bộ, ngành cần tháo gỡ các nguồn lực, tăng cường 1 Luật sửa nhiều Luật, hoàn thành Nghị định về xăng dầu theo hướng Bộ Công thương chủ trì, vấn đề giá xăng dầu cho Bộ Tài chính thẩm định trên tinh thần phát huy kinh nghiệm đã đạt được với mục tiêu giảm bớt khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính.
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng đề xuất khen thưởng các lực lượng ứng trực, phục vụ Tết cho nhân dân để động viên bằng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Thư khen của Thủ tướng cho các lực lượng bộ đội, công an, phòng cháy chữa cháy… Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng phát huy mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo bộ, ngành mình bắt tay ngay từ ngày đầu, tháng đầu, hạn chế tối đa khó khăn, thách thức, bắt tay tháo gỡ hành lang pháp lý của các ngành, các cấp, giải phóng nguồn lực, hạn chế tác động từ bên ngoài.
Thủ tướng tin tưởng với quyết tâm, nỗ lực lớn, chúng ta sẽ đạt kết quả năm 2023 cao hơn năm 2022.
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
BHXH các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung quyết tâm hoàn ...
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025
BHXH TP Hà Nội đẩy mạnh 5 nhóm tiện ích trong cải cách thủ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?