Áp dụng kinh nghiệm điều trị Covid-19 để hạn chế ca sốt xuất huyết tử vong

21/09/2022 09:17 AM


Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã quyết định áp dụng kinh nghiệm phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 vào hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) hiện nay, nhằm hạn chế tối đa số ca tử vong.

Theo đó, các phòng khám tư nhân, phòng khám thuộc TTYT, TYT được xếp vào tầng 1. Đây là tầng điều trị SXH thấp nhất. Các bác sỹ, điều dưỡng, NVYT thuộc tầng 1 được tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH để đảm bảo không bỏ sót các trường hợp nghi ngờ nào tại các phòng khám. Sở Y tế lưu ý chuyên môn rất rõ: Tầng 1 tuyệt đối không được lạm dụng chỉ định truyền dịch, mà phát hiện dấu hiệu chuyển nặng hoặc không cải thiện phải lập tức bệnh nhân SXH đến tầng 2, tầng 3 với ca rất nặng.

Tầng 2 điều trị SXH gồm các BV tuyến huyện, BVĐK khu vực, BVĐK tuyến thành phố và các BVĐK tư nhân có điều trị bệnh lý nhiễm. Các bác sĩ, điều dưỡng, NVYT tầng 2 chịu trách nhiệm phát hiện sớm các trường hợp tự đến khám có dấu hiệu SXH, điều trị tích cực bệnh nhân được chuyển từ tầng 1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngay khi phát hiện bệnh nhân SXH không đáp ứng điều trị, phải lập tức chuyển đến tầng 3.

Số ca mắc SXH hiện đang cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Ảnh: Internet

Tầng 3 gồm các BV chuyên khoa nhiễm thuộc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM; các BVĐK được Sở Y tế giao trọng trách BV tuyến cuối điều trị SXH người lớn (BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định, BV Trưng Vương, BV Nguyễn Tri Phương, BV Chợ Rẫy, BV Quân y 175; các BV tuyến cuối điều trị SXH trẻ em (BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng Thành phố. Là nơi “chốt chặn” cuối cùng tình trạng tử vong, tầng 3 được Sở Y tế yêu cầu thành lập khẩn các đơn vị- khoa hồi sức SXH, để tiếp nhận và điều trị ca nặng do tầng 1 và tầng 2 chuyển đến.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, số ca mắc SXH trên địa bàn hiện đang cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Dự báo trong những ngày tới, số ca mắc SXH vẫn tiếp tục tăng cao. Vì vậy, động thái áp dụng kinh nghiệm phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 vào điều trị SXH hiện nay là cần thiết, nhằm hạn chế tối đa số ca tử vong.

Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho thấy, từ đầu năm đến nay toàn địa bàn có 64.461 ca mắc SXH (tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ). Đáng chú ý, số ca nặng là 1.423 ca, chiếm 2,2% tổng số ca mắc, tăng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ. Còn số ca tử vong do SXH được ghi nhận là 26 ca, tăng đến 21 ca so với cùng kỳ. Theo HCDC phân tích, khoảng 75% ca SXH tử vong là người lớn, với nguyên nhân nhập viện muộn chiếm đa số.

PV