Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an toàn, an dân, an sinh xã hội

04/08/2022 09:05 AM


Ngày 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 được kết nối trực tuyến tới các địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, kết nối trực tuyến tới các địa phương - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận các nội dung về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tình hình phòng chống dịch COVID-19…

Quyết liệt thực hiện các giải pháp linh hoạt, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng cùng với tăng cường xử lý những vấn đề tồn đọng, kéo dài

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định trong tháng 7 và 7 tháng vừa qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, xung đột Nga - Ukraine vẫn kéo dài, khó đoán định.

Chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất tiếp tục đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu, đầu vào và giá nông sản quan trọng có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn biến động, lạm phát ở nhiều nước tăng cao kỷ lục kể từ 3-4 thập kỷ gần đây. An ninh năng lượng, an ninh lương thực đang ở mức đáng báo động; an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của nước ta thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa. Rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công và nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục xu hướng gia tăng. Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022.

Với Việt Nam, nền kinh tế độ mở lớn, tới thời điểm này, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 432 tỷ USD, quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. 

Trong bối cảnh đó, trên đà phục hồi và tăng trưởng của 6 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, với sự đồng hành và giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, đặc biệt những biến động trong và ngoài nước, đề ra và quyết liệt thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng cùng với tăng cường xử lý những vấn đề tồn đọng, kéo dài.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục ổn định và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, 5 cân đối lớn được bảo đảm (thu - chi, xuất - nhập khẩu, lương thực- thực phẩm, năng lượng, lao động). Quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hội nhập và đối ngoại được mở rộng và đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn đối diện áp lực và nguy cơ lạm phát, vấn đề giải ngân đầu tư công, triển khai một số nhiệm vụ trọng chương trình phục hồi và phát triển còn hạn chế….

Thủ tướng yêu cầu '4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không' - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nhận định khách quan về kết quả, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, phân tích kỹ lưỡng, mổ xẻ đầy đủ, sát thực để làm rõ những khó khăn, thách thức; bài học kinh nghiệm; đánh giá, dự báo, phân tích tình hình thời gian tới trên cơ sở xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi.

Thủ tướng nhấn mạnh tập trung vào một số nội dung thảo luận, gồm 4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không.

Theo đó, 4 ổn định gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường và giá cả; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ba nội dung tăng cường gồm: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính.

Hai nội dung đẩy mạnh gồm: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân; đẩy mạnh quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công

Một tiết giảm là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.

Một kiên quyết không là kiên quyết không điều hành giật cục, mà khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, chắc chắn.

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo các Nghị quyết số 68/NQ-CP, số 116/NQ-CP, số 126/NQ-CP, từ năm 2021 đến nay, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí gần 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 728.500 lượt người sử dụng lao động và trên 49,7 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt, thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà tại các khu vực công nghiệp, khu chế xuất, đến nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 3,14 triệu người lao động để nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. UBND cấp tỉnh, cấp huyện tại 51/63 địa phương đã phê duyệt hồ sơ của 17.356 doanh nghiệp với gần 1,2 triệu người lao động (chiếm 67% số lao động đã nộp đề nghị hỗ trợ), kinh phí hỗ trợ trên 760 tỷ đồng. Có 31 địa phương đã giải ngân hỗ trợ 356 tỷ đồng cho trên 620 nghìn lao động (mới chỉ được 5,4% so với dự kiến nhu cầu hỗ trợ).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 diễn ra vào ngày 3/8/2022

Một số địa phương đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ nhiều người lao động hiện nay là TP.Hồ Chí Minh (112,4 tỷ đồng); Đồng Nai (72,3 tỷ đồng); Bình Dương (74 tỷ đồng); Bắc Giang (55 tỷ đồng); Hà Nội (45,3 tỷ đồng); Long An (31,4 tỷ đồng),... Hiện nay, có 29 địa phương chưa thực hiện giải ngân kinh phí hỗ trợ. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân kinh phí thấp so với tổng kinh phí dự kiến ban đầu như: Ninh Bình (0,28%); Nghệ An (0,21%); Quảng Nam (0,06%); Quảng Ngãi (0,03%); Bình Định (0,13%); An Giang (0,07%),… Đặc biệt một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng lớn nhưng kinh phí giải ngân đến nay vẫn rất thấp như Quảng Ninh; Hải Phòng, Bắc Ninh; Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang,…

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lý do việc hỗ trợ chậm là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mực, còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo tham mưu và còn lúng túng trong việc bố trí, sử dụng kinh phí để hỗ trợ; người sử dụng lao động, chủ cơ sở cho thuê, cho trọ sợ trách nhiệm, không dám xác nhận, lập hồ sơ đề nghị cho người lao động; bản thân người lao động chưa nắm hết thông tin để chủ động làm thủ tục đề nghị hỗ trợ. Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc triển khai bảo đảm nguyên tắc kịp thời, đúng ý nghĩa của chính sách này...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và tình hình triển khai ba Chương trình mục tiêu Quốc gia (gồm các chương trình: xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết định tại các Nghị quyết của Quốc hội là 542.105,895 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 304.105,895 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022 là 16.000 tỷ đồng.

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, công điện, văn bản chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc, thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đề kiểm tra, đôn đốc công tác thực hiện và giải ngân.

Đến ngày 28/6, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã giao chi tiết 485.924,036 tỷ đồng (không bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia), đạt 93,8% số vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm; 16 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022 với tổng số vốn 7.751,496 tỷ đồng (trong đó vốn trong nước là 7.327,094 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 424,402 tỷ đồng); 8 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương với tổng số vốn là 24.430,363 tỷ đồng…

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 31/7 là 186.848,16 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so cùng kỳ năm trước. Trong đó, một cơ quan Trung ương và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%;  41/51 bộ, cơ quan Trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (34,47%), trong đó có 17 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao…

Về tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong 7 tháng năm 2022, Chính phủ, Trung ương đã ban hành 69 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, 28/52 địa phương đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt dự toán chi tiết, phê duyệt dự án đầu tư để tổ chức thực hiện từng nội dung, hoạt động thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên chưa có kết quả giải ngân vốn từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Hiện 9/52 địa phương đã có Nghị quyết của HĐND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn và đang thực hiện rà soát để giao kế hoạch cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc; 4/52 địa phương đang trình HĐND cấp tỉnh phê duyệt phương án phân bổ; 11 địa phương còn lại đang trong quá trình xây dựng nghị quyết trình HĐND cấp tỉnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến hết ngày 27/7, có 28/63 địa phương báo cáo đã cân đối, bố trí khoảng 6.279 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương thực hiện các chương trình quốc gia, chủ yếu để thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, với số vốn chiếm tới 96,2%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương phát biểu, nêu một số kinh nghiệm để việc giải ngân vốn đầu tư công đạt cao như: lãnh đạo các ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu quan tâm, chỉ đạo sát sao việc giải ngân vốn đầu tư công; xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể, thường xuyên giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện; không đầu tư dàn trải mà tập trung cho các dự án trọng điểm có tính chất tạo động lực cho phát triển...

Các đại biểu thảo luận, phân tích những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; xác định khoảng 21 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có phân thành 03 nhóm chính liên quan đến thể chế, chính sách; liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; và những khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.

Phiên họp phân tích trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương; đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy vốn đầu tư công và ba chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Đẩy mạnh triển khai các chính sách an sinh xã hội

Kết luận phiên họp, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực và kết quả của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua. An sinh xã hội được bảo đảm. Các hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, khó khăn, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả ở tất cả các địa phương. Đặc biệt các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được chú trọng, đẩy mạnh triển khai.

Về lao động việc làm, thời gian qua các cấp, các ngành đã theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, chế xuất, kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động. Tăng cường các hoạt động kết nối cung – cầu lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, các phiên giao dịch việc làm, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ. Thu nhập bình quân tháng của người lao động 7 tháng đàu năm 2022 là 6,5 triệu đồng, tăng 5,3% (tương ứng 326 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Thông tin truyền thông được tăng cường; kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ, phản bác nhiều thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm, chống phá Đảng, Nhà nước… Nhiều vấn đề tồn đọng, kéo dài được chỉ đạo giải quyết…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng biểu dương những bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư tốt, cao hơn mức trung bình cả nước; đồng thời nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân đầu tư công đạt thấp.

Thủ tướng cho rằng, việc giải ngân đầu tư công là việc khó, vướng mắc nhiều năm. Vì vậy, Chính phủ luôn ưu tiên giải quyết công việc này. Nhìn lại từ năm 20216 đến nay, vốn đầu tư công năm 2022 (540 nghìn tỷ đồng) cao gấp đôi 2016, do đó công việc làm gấp đôi của 2016; so với năm 2021, năm nay nhiều hơn 110 nghìn tỷ đồng. “Tình hình thay đổi, biện pháp phải thay đổi”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng đánh giá, trong 5 năm qua, tỷ lệ giải ngân trong 7 tháng thường dao động từ 35 - 40%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và 2021 tương đối cao so những năm gần đây. Nhưng năm nay, ngoài vốn đầu tư trung hạn, còn vốn chương trình phục hồi, phát triển kinh tế  -xã hội. Do đó đòi hỏi chúng ta có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề cao vai trò, trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh danh mục, công tác chuẩn bị đầu tư, kịp thời phát hiện những vấn đề chưa hợp lý, vướng mắc để chỉnh sửa, đồng thời chỉ đạo, phân công để bảo đảm tuân thủ luật pháp, tránh tham nhũng, tiêu cực.

Các bộ, ngành ở Trung ương rà soát lại các quy định thuộc phạm vi quản lý của ngành mình, xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc, phát sinh thuộc thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thành lập các tổ công tác để chỉ đạo, rà soát, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất điều chỉnh vốn từ địa phương giải ngân kém sang địa phương giải ngân tốt và cần thiết. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, điều chỉnh vốn đầu tư công trong nội bộ bộ, ngành, địa phương, đảm bảo phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu, ngay sau phiên họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ, đánh giá khách quan, định hướng các chỉ đạo lớn, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn, trong phiên họp tháng tới liên quan đến nội dung giải ngân vốn đầu tư công sẽ có nhiều điểm sáng được ghi nhận.

Thủ tướng cho biết, sau phiên họp này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về thúc đẩy vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

PV (t/h)