“Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”
06/06/2022 09:13 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là chủ đề Phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức chiều 5/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Phát biểu khai mạc Phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao của Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thực tiễn nêu trên cho thấy, để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Trong hai năm qua, nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với hàng loạt những khó khăn chưa có tiền lệ do đại dịch COVID-19 gây nên. Tăng trưởng kinh tế dưới 3%, thấp nhất trong 30 năm trở lại đây; hàng triệu người lao động bị mất việc làm; hàng ngàn doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất để chống dịch; ngành du lịch, vận tải, nhà hàng khách sạn và nhiều ngành khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng; thị trường vốn và thị trường bất động sản có những biến động bất thường; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có nguy cơ tăng trở lại.
Đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình và ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã chuyển sang chuyển trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Kết quả cho thấy, Việt Nam đã kiểm soát tốt được dịch bệnh, phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, tác động của đại dịch vừa qua cùng với sự xuất hiện nhiều biến cố mới thuộc về bối cảnh quốc tế, điển hình là xung đột Nga - Ukraine đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực chất và hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Tại Phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao của Diễn đàn, các đại biểu thảo luận, trao đổi, chia sẻ quan điểm để làm rõ các nội hàm về kinh tế độc lập, tự chủ của nước ta trong bối cảnh và điều kiện mới. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay - cơ hội và thách thức; Đào tạo nhân lực công nghệ số để tạo mũi đột phá về khoa học và công nghệ; Quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới.
Các đại biểu đối thoại, làm rõ thực trạng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua; kinh nghiệm của một số nước về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam; kiến nghị về chính sách để củng cố và phát huy sức mạnh nội lực của nền kinh tế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài; giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Diễn đàn đã thống nhất cao và khẳng định chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt và hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta là kiên định đường lối đổi mới, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Trong hơn 35 năm Đổi mới, chính việc thực hiện hiệu quả chủ trương này đã góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Gần đây, qua hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, tuy có những lúc bị động, lúng túng, song đến nay chúng ta đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, kinh tế-xã hội đang phục hồi nhanh.
“Điều này vừa cho thấy việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là đòi hỏi khách quan, đồng thời là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, dân tộc ta”, Thủ tướng khẳng định.
Về sự cần thiết của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ: Định hướng “độc lập, tự chủ gắn với hội nhập” xuất phát từ tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh từ khi thành lập nước đến nay. Trong đó, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là hết sức cần thiết, là tất yếu khách quan. Qua đó nâng cao vị thế đất nước; nâng cao sức mạnh nội lực; xử lý hiệu quả các vấn đề nội tại và các thách thức nổi lên.
Đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và được xác định rõ trong Cương lĩnh, Hiến pháp, Nghi quyết của Đảng. Với mục tiêu như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo Thủ tướng, để thực hiện mục tiêu trên, chúng ta phải lấy lợi ích quốc gia dân tộc là mục tiêu cao nhất gắn với kết nối hoà bình, hợp tác, phát triển trong khu vực, thế giới; thể hiện rõ vai trò là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và dựa trên cơ sở 3 trụ cột là: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. “Việt Nam không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong đó xác định rõ, con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực của sự phát triển. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các yếu tố nền tảng là con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hoá. Phát huy giá trị văn hóa và tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tài năng và phẩm chất của con người Việt Nam để thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng cho rằng phải khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định và ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển hóa ngoại lực thành nội lực. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung hoàn thiện thể chế phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực, của doanh nghiệp và của sản phẩm.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, trước hết phải tạo môi trường hoà bình, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định môi trường pháp lý, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với điều kiện Việt Nam và các cam kết quốc tế. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong và ngoài nước; tạo môi trường và điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh. Phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại, với nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao hệ thống quản trị quốc gia, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phòng chống tham nhũng, tiêu cực...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong tình hình mới.
“Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán: Không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tạo môi trường pháp lý phù hợp, ổn định và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” và tuân thủ pháp luật; Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức khu vực, toàn cầu, có tính toàn dân vì một thế giới hòa bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng rằng, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, mạng lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, mang lại lợi ích chính đáng cho các nhà đầu tư.
PV (Theo TTXVN)
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển ...
BHXH tỉnh Tiền Giang: Triển khai nhiệm vụ BHXH, BHYT năm ...
Bản tin Audio số 46 - Tuần 2 tháng 1/2025
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?