Gia Lai: Gần 1.000 người lao động được nhận hỗ trợ từ Quỹ BH thất nghiệp

15/10/2021 10:12 AM


Sau 11 ngày triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ Quỹ BH thất nghiệp, với quyết tâm cao khẩn trương đưa chính sách hỗ trợ kịp thời đến với người lao động, đã có nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh sớm được nhận tiền hỗ trợ này.

Là một trong những đơn vị đầu tiên được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BH thất nghiệp, ông Nguyễn Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Trường Xuân chia sẻ: “Tôi nghĩ đây là sự quan tâm chia sẻ của Chính phủ đến với người lao động và người sử dụng lao động. Đặc biệt việc giảm đóng BH thất nghiệp từ 1 xuống 0% đã tạo điều kiện giúp doanh nghiệp có thêm khoản tiền lo cho đời sống công nhân. Công ty chúng tôi đã có 37 người lao động được nhận tiền hỗ trợ này, còn một số đối tượng đang hoàn chỉnh hồ sơ để đề nghị BHXH tỉnh giải quyết tiếp. Công ty có một số đối tượng là người học việc, bộ đội xuất ngũ, công nhân hợp đồng thời vụ chưa kịp tham gia đóng bảo hiểm nên chưa được nhận hỗ trợ này, chúng tôi sẽ lấy khoản tiền hỗ trợ của ông bà chủ, của Hội đồng quản trị để bù đắp cho những người lao động này”.   

Chị Phạm Thị Kim Cúc, (Công ty cổ phần Trường Xuân, Tp. Pleiku) vui mừng nói: “Khi nhận được thông báo của BHXH tỉnh chúng tôi được hỗ trợ từ tiền BH thất nghiệp, công ty đã nhanh chóng làm danh sách nộp lên, tôi nghĩ số tiền đó phải lâu mới nhận được nhưng thật là may là chỉ sau 3 ngày đã có tiền vào tài khoản của từng công nhân, một số tiền không nhỏ, người thấp nhất cũng được 2,1 triệu và cao nhất được 3,3 triệu đồng. Trong lúc khó khăn mà có khoản tiền này thì người lao động rất vui mừng”.

BHXH tỉnh Gia Lai nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Chị Dương Thị Thắm (Đường Lê Thánh Tôn, TP.Pleiku) cho biết, chị tham gia BH thất nghiệp được 17 năm, có 12 năm đóng BH thất nghiệp, hiện đang tham gia BHXH tự nguyện, chị rất vui mừng khi mình được hỗ trợ theo chính sách này, mặt khác lại được cán bộ BHXH tỉnh tư vấn, hỗ trợ đề nghị hưởng hỗ trợ trực tiếp trên ứng dụng VssID thành công, giờ chỉ cần đợi cơ quan BHXH tỉnh giải quyết và chuyển tiền vào tài khoản cho mình, thủ tục nhanh gọn đến bất ngờ.

Phấn khởi khi tiền hỗ trợ được nhận về tài khoản một cách nhanh chóng, chị Nguyễn Thị Sương (Thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho biết, số tiền này đã bù đắp 1 phần khó khăn của gia đình do giảm thu nhập vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh Trần Văn Lực “Để triển khai Nghị quyết, với tinh thần vào cuộc quyết liệt chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo để triển khai Nghị quyết 116 và Quyết định 28 của trên địa bàn tỉnh Gia Lai và đồng thời báo cáo UBND tỉnh và tham mưu văn bản chỉ đạo các sở ngành, UBND các huyện chủ động tuyên truyền và phối hợp triển khai nghị quyết này nhanh và kịp thời nhất. Chúng tôi đã thành lập các đường dây nóng là trưởng các phòng liên quan để tất các đơn vị và người lao động nếu vướng về hồ sơ thủ tục thì liên hệ đường dây nóng này để được hỗ trợ kịp thời”. Ông cũng cho biết thêm, BHXH tỉnh Gia Lai đã triển khai việc tiếp nhận hồ sơ kể cả ngày nghỉ (thứ 7 và Chủ nhật) để người lao động sớm được nhận tiền hỗ trợ, nhằm khẩn trương hoàn thành chính sách an sinh này.

Nhằm đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt, BHXH tỉnh cũng phối hợp với các Ngân hàng lập bàn hỗ trợ ngay tại nơi tiếp nhận hồ sơ nhằm hỗ trợ mở tài khoản cho người lao động chưa có tài khoản để kịp thời được nhận tiền hỗ trợ này qua tài khoản cá nhân.

Tính đến 18h00 ngày 11/10, tỉnh Gia Lai có gần 1.000 người được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BH thất nghiệp với số tiền trên gần 2,3 tỷ đồng. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ cho trên 55.000 người lao động với khoảng trên 131,2 tỷ đồng; giảm mức đóng từ 1% xuống còn 0% cho gần 2.000 đơn vị với số tiền trên 20,2 tỷ đồng.

Mục tiêu của BHXH tỉnh Gia Lai là sớm hoàn thành chính sách hỗ trợ này một cách nhanh chóng, thuận lợi và chính xác nhất, góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống; giúp người sử dụng lao động có thêm chi phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và chuỗi cung ứng lao động, cung cấp việc làm và tạo thu nhập cho người lao động.

Thu Hà