Nghiêm cấm các hành vi đưa, phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội
02/08/2021 08:36 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tin giả không chỉ gây hoang mang cho người dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống dịch của cơ quan nhà nước
Hình minh hoạ (nguồn: Internet)
Khi nền tảng mạng xã hội phát triển và du nhập vào Việt Nam, người dân có thêm kênh để tiếp nhận thông tin đa dạng hơn. Tuy nhiên, kèm với đó là thông tin không có nguồn gốc, không được kiểm chứng ngày càng nhiều hơn.
Mỗi chủ tài khoản Facebook, YouTube, Zalo, Twitter… là một "nhà báo kiêm tổng biên tập", tự viết tin, bài rồi tự xuất bản mà không có một cơ chế kiểm soát. Chính vì kiểu "nhà nhà làm báo" nên thông tin xuất hiện tràn lan, thật giả lẫn lộn.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, đặc biệt là trong đợt bùng phát dịch thứ 4, trên mạng xã hội - nhất là Facebook, YouTube - xuất hiện rất nhiều tin giả. Tìm hiểu sẽ thấy những thông tin này được người theo dõi mạng xã hội rất quan tâm; một số người không kiểm chứng đã vô tư chia sẻ, bình luận. Tác hại từ những thông tin này hết sức nguy hiểm, gây hoang mang trong xã hội, dao động lòng dân.
Đối với một số tài khoản mạng xã hội của những người "nổi tiếng", thu hút nhiều lượt người theo dõi thì hậu quả còn nặng nề hơn. Một số người lợi dụng các thông tin này, xuyên tạc chủ trương, chính sách của nhà nước về công tác phòng chống dịch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Trường hợp một MC đăng trên Facebook cá nhân thông tin không chính xác về đội ngũ tình nguyện viên ở Hải Dương vào hỗ trợ TP HCM chống dịch, vừa mới bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM xử phạt 7,5 triệu đồng là một ví dụ điển hình.
Mới nhất, chiều 29/7, một tài khoản Facebook có tên "Thùy Linh" đăng thông tin "Giờ giới nghiêm của Hà Nội sẽ tính từ 18h tối nay…". Thông tin này, ngay lập tức bị Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) xác định là tin giả và thông báo để mọi người cảnh giác.
Lướt qua mạng xã hội, còn rất nhiều thông tin giả dạng này. Hết lấy hình ảnh xác chết ở đâu đó trên thế giới để gán ghép là xác chết do bị Covid-19 ở Việt Nam, rồi hình ảnh một người đàn ông chạy xe máy trên đường vắng đêm khuya chở quan tài và lấp lửng thông tin.
Việc người dùng mạng xã hội đưa, chia sẻ thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội không chỉ gây hoang mang trong xã hội, mà cần phải xác định hành vi này cố tình phá hoại các chính sách của nhà nước, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.
Hiện nay, trên website của VAFC có hướng dẫn người dân về cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả. Thông tin này là rất cần thiết đối với người dân, nên được phổ biến, lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội để người dân biết cách nhận biết và phòng tránh.
Về pháp luật, hành vi đưa, phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội đã bị nghiêm cấm. Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, tại khoản 1 điều 5 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: "Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân".
Về quy định xử phạt, nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử phạt theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ. Tùy vào hành vi mà mức xử phạt hành chính có các khung: từ 5-10 triệu đồng; từ 10-20 triệu đồng; từ 20-30 triệu đồng; từ 30-50 triệu đồng; từ 50-70 triệu đồng được quy định tại các điều 99, 100, 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Thực tế, trong thời gian qua, những người cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thường bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt 7,5 triệu đồng, có trường hợp bị xử phạt 12,5 triệu đồng. Mức phạt này là tương đối nhẹ so với khung quy định. Trong tình hình dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay, cần xử lý nghiêm khắc hơn đối với người lan truyền tin giả. Tùy vào từng hành vi, cơ quan có thẩm quyền cần mức áp dụng cao nhất của từng khung xử phạt.
Đối với những người đã bị xử phạt hành chính mà còn tiếp tục đăng tải thông tin giả hoặc những thông tin bị xác định là giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách, chủ trương của nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết của dân tộc thì cần xử lý hình sự. Tùy vào hành vi và nội dung vi phạm, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý người thực hiện hành vi vi phạm về một trong các tội được quy định tại Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như: "Tội làm nhục người khác" (điều 155), "Tội vu khống" (điều 156), "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" (điều 331)…
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?