UBTV Quốc hội xem xét dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)

11/08/2020 03:27 PM


Sáng 11/8/2020, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 47 để xem xét dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Nguồn ảnh: TTXVN

Tiếp tục thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng

Thừa Ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 29 tháng 8 năm 1994. Từ đó đến nay, đã 6 lần sửa đổi qua các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi là Pháp lệnh).

Việc sửa đổi Pháp lệnh lần này xuất phát từ các yêu cầu sau: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng được nêu tại các văn bản của Đảng qua các thời kỳ; giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vấn đề vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng; nghiên cứu, bổ sung một số trường hợp người có công với cách mạng chưa được hưởng chế độ, chính sách; bổ sung chính sách ưu đãi đối với thân nhân người có công với cách mạng; một số quy định về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân quá thấp, bất hợp lý; chưa bảo đảm cân đối, hài hòa về mức độ cống hiến giữa các diện đối tượng là người có công với cách mạng. Việc sửa đổi Pháp lệnh cần được rà soát, sửa đổi để xác lập các chế độ ưu đãi phù hợp với công lao cống hiến của từng diện đối tượng và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình. Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Mục đích sửa đổi Pháp lệnh nhằm thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn công tác này: Phấn đấu đến hết năm 2020, giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng; Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội tham gia tích cực hơn nữa cùng với nhà nước để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; Khuyến khích, động viên người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về quan điểm chỉ đạo sửa đổi Pháp lệnh, Bộ trưởng cho biết, cần rà soát, sửa đổi và chuẩn hóa các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo tôn vinh danh hiệu người có công với cách mạng đảm bảo đúng đối tượng, mức độ cống hiến và chấn chỉnh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi. Xác lập các mức trợ cấp, phụ cấp và ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo tương quan bình đẳng công lao đóng góp, sự hy sinh giữa các diện đối tượng. Đồng thời bảo đảm tính khả thi của chính sách và tính công khai, minh bạch trong quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ, giấy tờ để phù hợp với điều kiện, bối cảnh đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, từng thời kỳ kháng chiến, đặc điểm lịch sử địa lý của từng vùng miền trong kháng chiến. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực người có công. Tăng mức đầu tư ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác chăm lo người có công với cách mạng.

Dự thảo Pháp lệnh cơ bản giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Pháp lệnh hiện hành và quy định 3 đối tượng áp dụng: Người có công với cách mạng; Thân nhân người có công với cách mạng; Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.  

Dự thảo kế thừa 12 đối tượng người có công với cách mạng của Pháp lệnh hiện hành. Theo đó, dự thảo đã làm rõ hơn điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đối với: Công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, có công với cách mạng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong xây dựng đất nước); người Việt Nam có công với cách mạng đang thường trú hoặc tạm trú nước ngoài; bổ sung vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá đủ điều kiện và đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nghị định hiện hành. Trên cơ sở những nội dung Tờ trình về dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh, bổ sung, nâng mức trợ cấp ưu đãi, hỗ trợ phù hợp từng đối tượng chính sách người có công với cách mạng.

Ưu tiên hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội về ưu đãi người có công

Tán thành với việc sửa đổi Pháp lệnh xuất phát từ những yêu cầu như Chính phủ đã nêu trong Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng nhằm thể chế hóa quan điểm “thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”, “không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công” cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội.

Theo bà Thuý Anh, Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cũng như tên gọi của dự án Pháp lệnh như dự thảo Chính phủ trình: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Dự thảo gồm 6 chương, 57 điều, trong đó có 2 chương mới là Chương III về Công trình ghi công liệt sỹ và Chương IV về Nguồn lực thực hiện, bỏ 1 chương (Chương IV. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm), 11 điều mới, 44 điều sửa đổi, bổ sung; bỏ 2 điều. Các điều được sửa đổi liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi đối với đối tượng và chế độ ưu đãi đối với thân nhân và người có liên quan của một số nhóm đối tượng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hôi Nguyễn Thúy Anh  cho biết: 

Ủy ban nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như dự thảo Chính phủ trình. Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Pháp lệnh có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, có tác động đến tình cảm, tâm lý trách nhiệm của nhân dân với người có công với đất nước. Đây là nội dung quan trọng được Chính phủ quan tâm trong những năm qua, đặc biệt là trong năm nay.

Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ về Pháp lệnh này. Đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động cũng như hiệu quả của Pháp lệnh trong xã hội. Qua lần chỉnh sửa Pháp lệnh này, nhiều nội dung đã được tiếp thu, hoàn thiện như: Nhà ở cho người có công, chính sách quy tập mộ liệt sĩ, chính sách cho thanh niên xung phong... đã được các cấp, các ngành và địa phương triển khai rất bài bản, có tác động sâu sắc, tri ân các gia đình chính sách.  

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần xem xét chính sách cụ thể với đối tượng là người có công là người nước ngoài và người Việt Nam đang sống ở nước ngoài có công với cách mạng cần được xem xét ghi nhận trong Pháp lệnh; cần có sự thống nhất trong Luật Thi đua khen thưởng./.

PV