Thông qua Nghị quyết về Giải quyết tranh chấp đầu tư theo hiệp định EVIPA và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

18/06/2020 04:20 PM


Sáng nay,18/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Giải quyết tranh chấp đầu tư theo hiệp định EVIPA và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV. ( Ảnh: Quochoi.vn).

Thông qua Nghị quyết về Giải quyết tranh chấp đầu tư theo hiệp định EVIPA

Theo đó, Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam (EVFTA) là một thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hai Hiệp định có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Việc chính thức ký 2 Hiệp định quan trọng là Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định EVIPA đã mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.

Nghị quyết quyết nghị các nội dung cụ thể như sau: Về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, Nghị quyết quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành (Phán quyết) theo quy định tại Mục B Chương 3 của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu được ký ngày 30 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội, Việt Nam (Hiệp định).

Về công nhận và cho thi hành Phán quyết tại Điều 2, Phán quyết được ban hành trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 của Hiệp định đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được coi như phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phù hợp với Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, làm tại New York, ngày 10 tháng 6 năm 1958 để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận Phán quyết đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về tổ chức thực hiện tại Điều 3, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết này. Bộ Ngoại giao thông báo kịp thời cho Tòa án nhân dân tối cao thời điểm kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này. Về hiệu lực thi hành tại Điều 4, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Ngày 15/6/2020, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, dự thảo cũng đã được gửi xin ý kiến Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để thi hành Điều 3.57 của Hiệp định, cần xác định về nguyên tắc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc áp dụng pháp luật để cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc quy định thẩm quyền của Tòa án thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Hơn nữa, thực tiễn xem xét công nhận bản án quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài trong thời gian qua cho thấy, việc giao cho Tòa án cấp tỉnh nơi người phải thi hành án có tài sản là phù hợp và không có vướng mắc gì. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ quy định như dự thảo Nghị quyết.

Về hiệu lực thi hành tại Điều 4, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Ban hành văn bản pháp luật

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 157 điều, được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 12) quy định: Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền.

Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành. Văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo, niêm yết theo quy định.

Về việc đăng tải và đưa tin văn bản quy phạm pháp luật (Điều 157) quy định: Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng tải toàn văn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản của cơ quan Nhà nước ở trung ương; chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nguyên nhân chủ yếu của tình trạng còn xảy ra một số mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định giữa các luật là do ngay từ giai đoạn tổng kết, đánh giá, xây dựng dự thảo văn bản mới, các cơ quan liên quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các nội dung có quy định khác nhau trong các văn bản luật ban hành trước.

Do đó, để hạn chế và khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng văn bản, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào dự thảo Luật quy định hồ sơ dự án gửi thẩm định, thẩm tra, trình Quốc hội phải có báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án, dự thảo; đồng thời bổ sung vào khoản 2 Điều 12 quy định “trường hợp văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành có quy định khác với văn bản mới nhưng cần tiếp tục được áp dụng phải được chỉ rõ trong văn bản mới đó.”

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đối với văn bản liên tịch, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm làm đầu mối, chủ trì soạn thảo và thực hiện các thủ tục cần thiết bao gồm cả việc đăng tải dự thảo trên cổng thông tin điện tử của cơ quan để xin ý kiến.

Việc quy định như vậy nhằm bảo đảm đơn giản về thủ tục, thuận tiện trong tổ chức công việc, tránh một việc do nhiều cơ quan thực hiện, đồng thời rõ ràng về trách nhiệm. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện nội dung này như Luật hiện hành./.

PV