Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả nước: Chuyển biến tích cực

22/04/2020 07:36 PM


Sáng nay, 22/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019 và phương án triển khai trong năm 2020 của Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019. (Ảnh: Quochoi.vn)

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực.

Theo đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả nước có những chuyển biến tích cực, được triển khai, thực hiện mạnh mẽ hơn, có tác động cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, xét xử nghiêm minh; Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.

Thực hiện hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí đã đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo thêm và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra nhiều hạn chế như: tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc ở một số bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, như chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019; chậm báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổng kết đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sơ sài, không có thông tin, số liệu cụ thể về kết quả tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước.

Nguyên nhân chủ yếu do ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, người dân chưa cao và có việc chưa thực hiện nghiêm túc việc quy trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác quản lý hoạt động thanh tra có lúc có nơi còn buông lỏng, ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, kiểm soát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Vì thế, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhất trí với những tồn tại, hạn chế trong Báo cáo của Chính phủ, qua thảo luận,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh thêm một số tồn tại như: Công tác triển khai đầu tư công chưa tốt, triển khai đầu tư công chậm, giải ngân chậm, kỷ luật tài chính tuy tiến bộ nhưng vẫn chưa nghiêm, vi phạm về kinh tế còn lớn; quản lý tài sản công thì chưa thật chặt chẽ, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ rừng chưa tốt…

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách quyết liệt hơn, phải tập trung để giải quyết tốt các tồn tại, yếu kém đã diễn ra trong năm 2019, để không còn mắc lại trong năm 2020. Bước sang năm 2020, cần tính tới tình trạng dịch Covid-19, quan hệ xã hội, kinh doanh, sản xuất, điều hành cần có những thay đổi, đặc biệt chú ý đến công tác xử lý những hỗ trợ của nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả, kịp thời đến tay người dân và xử lý trong tình hình mới./.

Quyết Thắng