Xây dựng Chính phủ điện tử: Các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện

05/12/2019 02:58 PM


Ngày 29/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có Báo cáo số 104/BC-BTTTT về tình hình triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

Bộ TTTT phối hợp với Bộ Tư pháp và BHXH Việt Nam tổ chức Lễ khai trương CSDL chuyên ngành BHXH và kết nối với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch qua Hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương.

Tích cực xây dựng CSDL tạo nền tảng Chính phủ điện tử

Theo báo cáo của Bộ TT-TT, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai nhiệm vụ được giao và đạt một số kết quả.

Trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ TTTT đang hoàn thiện Nghị định về về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 8/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; Bộ TTTT cũng đang hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử để gửi Bộ Tư pháp thẩm định….

Bộ TTTT đang trình Chính phủ phê duyệt Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Về xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia: Bộ TTTT đã khảo sát tài liệu kỹ thuật, tham vấn các chuyên gia, doanh nghiệp để đề xuất phương án hoàn thiện dự thảo Đề án về giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2019.

Công tác xây dựng các CSDL và kết nối chia sẻ dữ liệu tiếp tục được quan tâm thúc đẩy.

Về CSDL về Bảo hiểm: Ngày 21/11/2019, Bộ TTTT phối hợp với Bộ Tư pháp và BHXH Việt Nam đã tổ chức Lễ khai trương CSDL chuyên ngành BHXH và kết nối với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch qua Hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương. Sau một tháng thực hiện thí điểm liên thông dữ liệu tại 13 tỉnh, thành phố, đã có hơn 15.000 trường hợp trẻ em được liên thông cấp giấy khai sinh và thẻ BHYT. Theo dự kiến, đến hết năm 2019, sẽ liên thông dịch vụ đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên phạm vi cả nước.

Về CSDL Đất đai quốc gia: Bộ trưởng Bộ TTTT đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để tìm cách tháo gỡ khó khăn triển khai CSDL Đất đai quốc gia. Dự kiến đầu năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố 4 và hướng dẫn các địa phương Phần mềm quản lý đất đai dùng chung để các địa phương chủ động triển khai CSDL đất đai của từng địa phương, kết nối, tích hợp dữ liệu với CSDL Đất đai quốc gia. Ngày 22/11/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn về ứng dụng CNTT trong quản lý đất đai do Bộ trưởng làm Chủ tịch Hội đồng.

Về CSDL quốc gia về Dân cư: Bộ Công an đã thu thập được hơn 75 triệu phiếu dữ liệu tại 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch và CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Tính đến hết ngày 18/11/2019, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã dần được hình thành và đồng bộ tại 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 6.615.118 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 2.971.620 trẻ em là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi (tính đến thời điểm cập nhật dữ liệu vào phần mềm) đăng ký khai sinh mới có ngày đăng ký từ 01/01/2016 được cấp Số định danh cá nhân; 1.496.428 hồ sơ được đăng ký kết hôn; 980.993 trường hợp được đăng ký khai tử và 2.345.320 các sự kiện đăng ký hộ tịch khác và 23.390.921 công dân đã được thu thập, thiết lập thông tin cơ bản về nhân thân, mối quan hệ công dân trên toàn Hệ thống. Dự kiến trong Quý IV/2019, Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử sẽ tiếp tục được mở rộng triển khai chính thức tại tỉnh Thái Nguyên, nâng tổng số địa phương chính thức tham gia triển khai áp dụng lên 60/63 địa phương trên toàn quốc, 03 địa phương còn lại chưa triển khai gồm Quảng Ngãi, Lâm Đồng và Bạc Liêu.

CSDL ngành Giáo dục và Đào tạo: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện, cập nhật CSDL giáo dục gồm 53.000 trường học.

BHXH Việt Nam tích cực trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử

Về việc nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và mở rộng kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước (Mạng TSLCD): Hiện nay, Mạng TSLCD đã kết nối đến 100% các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 93,4% quận, huyện, thị xã; 100% tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Để tăng cường triển khai hiệu quả Mạng TSLCD trong giai đoạn mới, ngày 05/11/2019, Bộ trưởng Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 12/2019/TTBTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT ngày 20/10/2017 của Bộ trưởng Bộ TTTT quy định quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin trên Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các hệ thống thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, đổi mới lề lối, phương thức làm việc.

Sau một năm triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, đã có hơn 230.000 văn bản điện tử gửi, hơn 627.000 văn bản điện tử nhận từ các cơ quan thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia; các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Bộ TTTT khai trương Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử. Các Hệ thống thông tin phục vụ người dân, DN tiếp tục phát triển, trong đó một số bộ như GTVT, GD-ĐT... đã xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng tiếp tục được chú trọng. Số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã giảm 50,09% so với tháng 11/2018; Bộ TTTT khai trương Hệ thống giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử...

Bên cạnh những thành tích trên, Bộ TTTT cũng nhận định, việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng tạo hành lang pháp lý cho Chính phủ điện tử vẫn chậm so với tiến độ, nhất là các văn bản cấp Nghị định; kinh phí đầu tư cho phát triển Chính phủ điện tử chưa đáp ứng nhu cầu và chưa có giải pháp tháo gỡ...

Nhằm đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các hệ thống nền tảng toàn quốc, gồm: Cổng Dịch vụ công quốc gia; Hệ thống xác thực điện tử quốc gia; CSDL quốc gia về dân cư; CSDL đất đai quốc gia; CSDL quốc gia về đăng ký DN; CSDL quốc gia về bảo hiểm; CSDL quốc gia về tài chính; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước và Hệ thống giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.

Ngoài ra, các hệ thống thông tin ưu tiên triển khai tại cấp bộ, cấp tỉnh cũng tiếp tục được tăng cường, gồm: Cổng Dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Đi kèm với đó là xây dựng thể chế, văn bản hướng dẫn. Tập trung hoàn thành 4 Nghị định, bao gồm: Nghị định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; Nghị định về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức; Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư./.

Hồng Anh