Tìm kiếm các giải pháp nâng cao nhận thức của truyền thông về giới

22/10/2018 08:45 AM


Ngày 21/10, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm về giới và nhận thức của giới truyền thông. Đây là một hoạt động bên lề Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 3, sẽ được tổ chức vào cuối tuần này.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Tọa đàm diễn ra nhằm thực hiện các mục tiêu của Ủy ban Phụ nữ ASEAN về tăng cường hiểu biết và nhận thức của những người làm truyền thông về bình đẳng giới. Thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ giới hạn ở những cơ quan công tác về các vấn đề của phụ nữ. Ủy ban phụ nữ ASEAN tiếp tục cam kết lồng ghép bình đẳng giới trong các cơ quan khác của ASEAN, đặc biệt là các cơ quan công tác về truyền thông, thông tin, văn hóa và nghệ thuật.

Thông tin từ Ban Tổ chức cho hay, thiên vị giới và định kiến giới đã tràn ngập dưới mọi hình thức truyền thông ở ASEAN. Đáng quan tâm là bạo lực đối với phụ nữ đã trở nên bình thường trên truyền hình và các phương tiện truyền thông khác. Truyền thông có ảnh hưởng lớn tới nhận thức xã hội, khiến các em trai và em gái tiếp nhận định kiến giới một cách vô thức. Việc tiếp xúc liên tục với các định kiến về giới làm giảm sự nhạy cảm của công chúng và kiến họ vô cảm với hiện tượng bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử về giới. Các báo cáo cũng cho thấy, hiện, 74% dân số ASEAN được tiếp cận với mạng Internet thông qua điện thoại di động.

Các đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận các biện pháp để việc nâng cao nhận thức của truyền thông về giới có thể đóng góp cho việc chống lại những định kiến giới có tác động tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái và làm thay đổi quan hệ giới trong bối cảnh của khu vực ASEAN.

Theo Phó Tổng Thư ký Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN Kung Phoak, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc giải quyết bất bình đẳng giới. Ông Kung Phoak chia sẻ thêm: “Quan trọng là phụ nữ được khắc họa một cách tích cực trên truyền thông và các em gái có thể nhìn thấy bản thân mình là những tác nhân mạnh mẽ của sự thay đổi, thay vì đứng ngoài một cách thụ động. Đặc biệt, các em trai có thể coi phụ nữ là một đối tác bình đẳng, có khả năng lãnh đạo”.

Đại diện Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH Phạm Ngọc Tiến nhấn mạnh “việc coi đàn ông và trẻ em trai là những tác nhân tạo ra sự thay đổi trong việc giải quyết những định kiến về giới vẫn là một yếu tố quan trong trong cuộc chiến giành bình đẳng giới”./.

PV (theo ĐBND)