Khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

22/10/2018 08:31 AM


Sáng 22/10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV khai mạc tại Hà Nội và dự kiến diễn ra trong 24 ngày, bế mạc vào 21/11. Quốc hội dự kiến dành 9,5 ngày xây dựng pháp luật. Thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày; xem xét quyết định nhân sự là 1,5 ngày. Thời gian dành cho giám sát chuyên đề và các vấn đề khác là 10 ngày.

Đây là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu quốc hội đã đặt vòng hoa, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: quochoi.vn

Trước khi khai mạc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu quốc hội đã đặt vòng hoa, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay trong ngày khai mạc, Quốc hội khởi động quy trình bầu Chủ tịch nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội nhân sự để bầu Chủ tịch nước.

Việc bầu và công bố kết quả kiểm phiếu diễn ra trong ngày 23/10. Tân Chủ tịch nước dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào chiều 23/10. Việc bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp sẽ giúp thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân sự duy nhất được Ban chấp hành Trung ương Đảng thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Hiện, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ chức quyền Chủ tịch nước, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Cũng về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét miễn nhiệm Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn và xem xét, phê chuẩn Bộ trưởng mới. Quy trình diễn ra trong ngày 23-24/10.

Người giữ chức quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông hiện là ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Tại kỳ họp, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Từ chiều 24/10, Quốc hội sẽ tiến hành các bước để lấy phiếu tín nhiệm 48 người.

Các lãnh đạo đảm nhiệm chức danh được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Phó chủ tịch nước; Chủ tịch, 4 phó chủ tịch Quốc hội; 12 chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, 5 phó thủ tướng, 20 bộ trưởng; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.

So với lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây nhất (năm 2014), kỳ họp này có 2 chức danh không lấy phiếu tín nhiệm gồm Chủ tịch nước và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông; do tính đến thời điểm lấy phiếu hai người giữ chức danh này chưa công tác đủ 9 tháng theo quy định.

Trong danh sách 48 người lấy phiếu tín nhiệm lần này có 14 vị đã từng được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vào lần đầu tiên (2013) và 15 vị vào lần thứ hai (2014).

Trước kỳ họp Quốc hội khoảng một tháng, 48 người trong danh sách đều đã gửi báo cáo đánh giá hoạt động của mình tới Quốc hội. Mỗi báo cáo được giới hạn trong 5 trang giấy.

Ảnh: VGP

Theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Nếu thông qua, Việt Nam là nước thứ 5 trong số 11 nước thông qua hiệp định này. CPTPP có hiệu lực khi có ít nhất 6/11 nước thông qua.

CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại.

Với Việt Nam, CPTPP sẽ tác động rất lớn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề mới một cách phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...

Do là kỳ họp cuối năm, cũng là giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ và thảo luận về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Báo cáo giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020.

Quốc hội cũng nghe báo cáo và cho ý kiến việc thực hiện nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; báo cáo giữa kỳ thực hiện Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020...

Tại phiên họp trước thềm kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Chính phủ, các bộ, ngành về những rủi ro của tác động kinh tế thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, cũng cần chú ý những rủi ro về lạm phát, tỷ giá, các rào cản về thủ tục hành chính…

Về công tác lập pháp, Quốc hội dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Dự kiến dự án luật quan trọng là Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua.

Ngoài dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Quốc hội dự kiến thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Tại kỳ họp này, Quốc hội không chất vấn số lượng thành viên Chính phủ cụ thể. Theo đó, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và những người đã được chất vấn việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.

Quốc hội cũng xem xét báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018; nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5…

PV