Không tăng tuổi hưu sẽ phải "nhập khẩu" lao động

09/10/2018 03:44 PM


Hiện nay, tuổi thọ trung bình là 73,4 tuổi, nhưng tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên. Các chuyên gia cho rằng nếu không nâng tuổi nghỉ hưu thì sẽ phải đối mặt với vấn đề phải “nhập khẩu” lao động như các nước.

Bộ LĐ-TB&XH đang được Chính phủ giao soạn thảo Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi để trình Quốc hội xem xét vào năm tới. Theo đó, đối với những ngành nghề đặc biệt, NLĐ được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung. Dự kiến, từ 01/01/2021, cứ mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, tăng 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Tăng tuổi nghỉ hưu không có gì cản trở đối với lớp trẻ.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tuổi nghỉ hưu như quy định hiện hành đã có từ cách đây 30-40 năm. Lúc đó, tuổi thọ bình quân của Việt Nam mới là 50 tuổi. Hiện nay, tuổi thọ trung bình là 73,4 tuổi, nhưng tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên. Do đó, nếu chúng ta không nâng tuổi nghỉ hưu thì sẽ phải đối mặt với vấn đề phải "nhập khẩu" lao động như các nước.

Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, nếu nâng tuổi nghỉ hưu lên ngay thì NLĐ chưa đáp ứng được và chúng ta cũng chưa cải thiện được điều kiện lao động. Từ đó, việc nâng tuổi nghỉ hưu dẫn đến kéo dài cường độ làm việc và có thể gây ra tai nạn lao động.

"Bài toán đặt ra là tăng tuổi nghỉ hưu nhưng cần theo lộ trình, theo ngành nghề, lĩnh vực. Phải tính toán ngành nghề đó đã đáp ứng được an toàn trong quá trình làm việc để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ hay chưa. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp có thể tăng nhưng cũng chưa nên tăng ngay lúc này", ông Lợi nói.

Nói về phương án tăng tuổi nghỉ hưu như Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, ông Lợi đánh giá, đây là phương án đã có xem xét đến nhóm lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, lao động ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. NLĐ sẽ phải được giảm thời gian làm việc nếu suy giảm sức lao động từ 61-81% trở lên.

Bên cạnh đó, kể cả đã tăng lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ nhưng với những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có năng lực lãnh đạo, điều kiện và sức khỏe thì vẫn có thể kéo dài thời gian làm việc nhưng tối đa không quá 5 năm. Điều này có nghĩa là cơ chế rất thoáng và mở để không ép buộc NLĐ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo nên những sức ép về vấn đề việc làm cho lao động trẻ, ông Lợi cho rằng, hiện nay, cơ chế thị trường là tự nguyện thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động. Còn đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp thì những chức vụ lãnh đạo là phải thi tuyển theo vị trí việc làm, ai có năng lực thì vào.

Do đó, câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu phải khẳng định là không có gì cản trở đối với lớp trẻ./.

Theo Báo Lao động