Tọa đàm Thích ứng với Già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Con đường phía trước
04/10/2018 04:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam (UBQG về NCT) phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng Cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế HelpAge đã tổ chức buổi tọa đàm “Thích ứng với Già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Con đường phía trước”.
Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Buổi tọa đàm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngảy Quốc tế Người cao tuổi 1/10, nhằm kêu gọi xã hội có một cách nhìn nhận tích cực hơn về người cao tuổi ở Việt Nam, biến thách thức của già hóa dân số thành cơ hội, điều này thể hiện rõ ở chủ đề của ngày Quốc tế Người cao tuổi năm 2018: Tôn vinh gương sáng người cao tuổi trong đấu tranh bảo vệ quyền con người.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng, Ủy viên thường trực UBQG về NCT Việt Nam cho biết, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Chẳng hạn như: Thụy Điển phải mất tới 85 năm, Nhật Bản là 26 năm, và Thái Lan là 22 năm, trong khi dự đoán ở Việt Nam chỉ khoảng 17 đến 20 năm. Do vậy, Việt Nam cần có các chính sách và chiến lược chuẩn bị cho già hóa một cách phù hợp trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến NCT nhằm chăm sóc và phát huy vai trò của NCT, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT qua từng giai đoạn phát triển đất nước, kể cả những lúc khó khăn nhất. Nhiều chính sách, chương trình dành cho NCT được cụ thể hoá qua Luật, Nghị định, Quyết định, Thông tư…; Chương trình hành động quốc gia về NCT, Tháng hành động vì NCT… Bên cạnh sự cam kết của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, sự tích cực tham gia của chính bản thân NCT, gia đình và cộng đồng là rất quan trọng.
“Tuổi thọ cao là một thành quả của sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia chứ không phải là gánh nặng của xã hội hay nền kinh tế. Nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi, chúng ta hãy cam kết đảm bảo cho cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi, tạo điều kiện cho sự tham gia có ý nghĩa của họ trong xã hội để tận dụng những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của người cao tuổi”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Tổ chức UNFPA tại Việt Nam khẳng định, già hóa là tất yếu của sự phát triển, và phải chuyển hướng trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ và hạnh phúc. Với thông điệp “Không ai bị bỏ lại phía sau”, cần phải tạo cơ hội cho những đóng góp của người cao tuổi; cần thúc đẩy hơn nữa quyền của người cao tuổi và đảm bảo người cao tuổi được tham gia một cách đầy đủ để có thể xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người ở các lứa tuổi khác nhau.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Tổ chức UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.
Tại Tọa đàm, hai thế hệ cao tuổi và trẻ tuổi đã có những trao đổi, thảo luận về một số bài học, khuyến nghị chính sách cho Việt Nam. Các khuyến nghị được đưa ra tại Tọa đàm bao gồm: Thích ứng với già hóa dân số cần được coi là vấn đề ưu tiên, đòi hỏi các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa. Vấn đề người cao tuổi liên quan chặt chẽ tới 15/17 mục tiêu phát triển bền vững, do đó cần lồng ghép vấn đề này trong các chính sách, chỉ tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam. Chính phủ cần ban hành, định hướng chiến lược tổng thể thích ứng với già hóa dân số, xây dựng chương trình hành động về già hóa dân số cho giai đoạn 2021-2030.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện, rà soát và điều chỉnh nếu thấy cần thiết các pháp luật, chính sách liên quan đến người cao tuổi như: Luật Người cao tuổi, Luật BHXH; Luật Bình đẳng giới; Pháp lệnh dân số để đảm bảo giải quyết tốt hơn các vấn đề về người cao tuổi cũng như có quy mô dân số hợp lý, hạn chế sự gia tăng tốc độ già hóa dân số.
Cần xóa bỏ các rào cản về tuổi tác trong các chính sách, lưu ý tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường xã hội để đảm bảo người cao tuổi tại cộng đồng, các mô hình câu lạc bộ người cao tuổi, đặc biệt là mô hình câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau theo Quyết định 1533/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, trung tâm chăm sóc ban ngày, ngắn ngày tại cộng đồng.
Cần tăng cường công tác truyền thông, thay đổi nhận thức, tạo môi trường phù hợp với xã hội có nhiều người cao tuổi, thường xuyên tuyên truyền giáo dục giới trẻ xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực đối với người cao tuổi. Cần có các nghiên cứu đánh giá, tăng cường thu thập số liệu, thông tin về người cao tuổi và tác động của già hóa dân số để phục vụ xây dựng, hoạch định chính sách, chương trình; Đẩy mạnh sự tham gia, phối hợp, tăng cường vai trò của các Bộ, ngành, đoàn thể, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội và các bên liên quan khác trong bảo vệ quyền lợi của người cao tuổi; Tiếp tục ủng hộ việc ban hành Công ước quốc tế về quyền của người cao tuổi nhằm có thêm công cụ pháp lý để bảo vệ quyền của người cao tuổi…/.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?