CMCN 4.0: Mở ra nhiều cơ hội mới cho NLĐ

25/09/2018 04:27 PM


Chiều 24/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự Diễn đàn đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với đại biểu Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII xoay quanh chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. (Nguồn ảnh: Báo LĐ)

Tại Diễn đàn, trả lời câu hỏi của đại biểu Cao Thị Thắm, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam về các định hướng của Chính phủ với các chính sách và ứng dụng công nghệ như thế nào để giúp NLĐ thích ứng với nền kinh tế có sức cạnh tranh cao và tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, vấn đề giúp NLĐ thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không của riêng ai mà đây là mối quan tâm của toàn xã hội. Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN được tổ chức tại Việt Nam cũng có chủ đề về cuộc CMCN 4.0, vấn đề liên quan đến tổ chức sản xuất, năng suất lao động, việc làm… cũng là những nội dung rất quan trọng đã được các đại biểu chia sẻ, thảo luận tại Diễn đàn này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, có ý kiến cho rằng, cuộc CMCN 4.0 là đoàn tàu, không ai được để lỡ đoàn tàu đó. Cũng có ý kiến cho rằng, cuộc cách mạng này là cơn lốc cuốn chúng ta đi, nếu ai chủ động thì sẽ thành công, còn nếu thụ động thì sẽ bị bỏ lại phía sau. Nhưng tựu chung lại, CMCN 4.0 giống như bao cuộc cách mạng khác - bước đầu đều có những khó khăn, thử thách với những bỡ ngỡ nhất định, nhưng cuối cùng, nếu quyết tâm thực hiện vẫn vượt qua và đi lên.

“Với cuộc CMCN 4.0 lần này, một vấn đề lớn đặt ra ở đây là nếu chúng ta không thận trọng và chủ động thì máy móc hay trí tuệ nhân tạo sẽ chi phối con người. Đây là những cảnh báo đã được các nhà khoa học đưa ra. Song, tôi cho rằng, suy cho cùng - những thành tựu trong cuộc CMCN 4.0 đều do con người tạo ra. Bởi vậy, nếu chúng ta chủ động tiếp cận, nắm bắt và làm chủ công nghệ trong “cuộc chơi” của cuộc cách mạng số lần này thì chắc chắn sẽ thành công”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.

Trở lại vấn đề tác động cuộc CMCN 4.0 với NLĐ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, CMCN 4.0 sẽ đem đến những thay đổi to lớn, tạo điều kiện cho NLĐ được học tập, đào tạo để nâng cao kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp và tự tạo ra việc làm mới cho mình.

Để tận dụng được những cơ hội từ CMCN 4.0 nhằm tăng năng suất lao động, theo Phó Thủ tướng, quan trọng nhất là phải chuyển dịch cơ cấu lao động. Hiện nay, 38% lực lượng lao động của Việt Nam vẫn ở trong khu vực nông nghiệp, trong khi tại các nước phát triển con số này chỉ rơi vào khoảng một vài phần trăm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, để chuyển dịch lao động nông nghiệp, chúng ta phải cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút thêm các nhà đầu tư, xây thêm nhiều nhà máy, mở rộng thị trường… và chỉ làm được điều này nếu giữ được môi trường ổn định, hoà bình. Tiếp đến cần đầu tư cho khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, đổi mới cơ chế tiền lương, chế độ bảo hiểm và xây dựng văn hoá doanh nghiệp.

Nói thêm về những thách thức của CMCN 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn lại nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, theo đó, Việt Nam hiện nằm trong nhóm thứ tư gồm 58 nước chưa sẵn sàng “bước lên chuyến tàu 4.0”. Đáng chú ý, nhiều chỉ tiêu về tính sẵn sàng chuyển đổi của nền kinh tế như thương mại quốc tế, thể chế, nguồn lực cho phát triển bền vững, thị trường… Việt Nam đứng ở khoảng giữa, trong đó chỉ tiêu về đào tạo nhân lực chất lượng cao, công nghệ lại đang ở nhóm cuối.

Để thay đổi được thực trạng này, Phó Thủ tướng ũ Đức Đam cho rằng, đầu tiên cần phải có quyết tâm rất lớn của Chính phủ với vai trò định hướng thông qua xây dựng thể chế luật pháp để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, khuyến khích DN đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu; quy định, thúc đẩy DN sử dụng công nghệ cao trong sản xuất. Về phía DN, cần chủ động mở rộng quy mô, phạm vi đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu của mình mà còn góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế.

“Quan trọng nhất là chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ có cơ hội học tập liên tục, trau dồi, nâng cao năng lực, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng với những sự thay đổi, yêu cầu mới, thậm chí tự tạo cơ hội việc làm cho mình. Trong rất nhiều nhà máy, xí nghiệp do điều kiện sống và lao động nên nhiều người chưa có điều kiện học tập thì tới đây bằng lợi thế của công nghệ thông tin chúng ta phải làm cuộc cách mạng về vấn đề học tập, nghiên cứu. Giáo dục lúc ấy sẽ không chỉ được cung cấp trong nhà trường mà còn phát triển và được cung cấp ngay từ ngoài xã hội”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Bày tỏ ấn tượng sâu sắc với Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII vì tất cả tài liệu của Đại hội đều không sử dụng tài liệu giấy mà sử dụng tài liệu mềm, được gửi tới đại biểu thông qua máy tính bảng, hoặc điện thoại thông minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, điều này chứng tỏ, Đại hội Công đoàn Việt Nam có rất nhiều đổi mới, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức Đại hội. Đây cũng là minh chứng cho việc chúng ta đã chủ động tiếp cận “sân chơi” của cuộc CMCN 4.0./.

TH