Phát huy sức mạnh của các lực lượng y tế vì sức khỏe cộng đồng

15/09/2018 10:23 AM


Thực hiện Dự án quân dân y (QDY) kết hợp, từ năm 2016 đến nay, mô hình góp phần tạo điều kiện cho người dân sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo, vùng trọng điểm quốc phòng, an ninh (QPAN) được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày càng cao...

Một chủ trương đúng, hiệu quả  

Đề cập về ý nghĩa và kết quả triển khai Dự án QDY kết hợp thuộc Chương trình mục tiêu y tế-dân số giai đoạn 2016-2020, PGS, TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: "Dự án QDY kết hợp với mục tiêu tổng quát là “...Tăng cường công tác kết hợp QDY trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng biên giới, biển đảo và vùng trọng điểm QPAN…”, đã đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng và thể hiện sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế đối với công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, bộ đội, trong thời kỳ mới". Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, trong ba năm qua, mặc dù kinh phí chưa đáp ứng nhiệm vụ, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân tăng cao, yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng lớn, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm và với những kinh nghiệm của lực lượng QDY trên toàn quốc đã bảo đảm cho dự án được thực hiện hiệu quả, đạt nhiều thành tích rất đáng khích lệ. Việc thực hiện dự án góp phần nâng cao năng lực y tế cơ sở tuyến biển đảo, biên giới và thực hiện chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người nghèo... kết hợp làm tốt công tác dân vận ở những khu vực trọng điểm QPAN.

 

Các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 7 (Quân khu 3) khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho người dân xã Vô Tranh (Phú Lương, Thái Nguyên).

Trao đổi tại hội nghị sơ kết thực hiện dự án QDY kết hợp giữa kỳ tổ chức ngày 13-9 tại Hà Nội, Đại tá Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, khẳng định: Thời gian qua, cục đã thường xuyên phối hợp chỉ đạo lực lượng quân y toàn quân phối hợp với y tế các địa phương khắc phục hậu quả trong các đợt lũ lụt, sạt lở đất giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Hằng năm, Cục Quân y báo cáo Bộ Quốc phòng điều động từ 5 đến 7 chuyến máy bay và hàng chục chuyến tàu quân sự cấp cứu người dân sinh sống và làm ăn trên biển về đất liền. Ban QDY các cấp luôn duy trì và thường xuyên chỉ đạo công tác phối hợp. Công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên ngành y tế đáp ứng yêu cầu khi có chiến tranh xảy ra.

Khi nói về tinh thần khắc phục khó khăn do thiếu điện, nước ngọt, vật tư, phương tiện đi lại, khí hậu khắc nghiệt ở Trung tâm Y tế QDY huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng), Giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng Phạm Thu Xanh cho biết: “Trung tâm Y tế QDY huyện đảo Bạch Long Vĩ được thành lập trên cơ sở kết hợp toàn diện giữa Bệnh xá Tiểu đoàn phòng thủ đảo và Bệnh viện đa khoa huyện đảo. Sau hai năm thành lập, Trung tâm y tế QDY đã khám cho khoảng 11.700 lượt người, điều trị nội trú cho gần 1.500 người, ngoại trú gần 10.300 người; trong đó cấp cứu 21 ca, tiểu phẫu 416 ca. Đặc biệt, trung tâm đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng và khó, như: Chửa ngoài tử cung; vỡ, thủng dạ dày; vết thương thấu tạng; đa vết thương; viêm ruột thừa cấp; đứt rời cẳng chân, cánh tay…”.

Với phương thức đào tạo “cầm tay chỉ việc”, từ năm 2013 đến nay, Bệnh viện Quân y 105 đã đào tạo, huấn luyện chuyển giao các kỹ thuật, như: Phẫu thuật kết xương nẹp vít xương đùi, cấp cứu và xử lý bệnh ngoại chung, phẫu thuật nội soi ổ bụng, các bệnh về răng hàm mặt… cho hơn 10 kíp cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Uyên (Cao Bằng). Cùng với sự đầu tư kinh phí của trên để xây dựng hạ tầng, mua sắm trang thiết bị và sự giúp đỡ về khoa học kỹ thuật của Bệnh viện Quân y 105, năm 2017, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Uyên đã được công nhận là bệnh viện khu vực hạng 2, góp phần nâng cao năng lực khám, điều trị cho nhân dân trên địa bàn.

Trong ba năm qua, lực lượng quân y toàn quân đã phối hợp chặt chẽ với y tế nhân dân tham gia khám bệnh, cấp cứu, vận chuyển và điều trị cho hàng triệu lượt người, góp phần giảm tải cho tuyến bệnh viện Trung ương, từng bước thực hiện sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Khi thực hiện dự án, lực lượng quân y đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu, vận chuyển nạn nhân khi xảy ra thiên tai, thảm họa.

Phát huy sức mạnh tổng hợp quân dân

Bên cạnh những kết quả đạt được, Dự án QDY kết hợp vẫn gặp một số khó khăn, bất cập cần được các cấp, các ngành tháo gỡ trong thời gian tới. Đó là khả năng đáp ứng của ngành y tế với khu vực biên giới, hải đảo còn hạn chế; nhiều cơ sở y tế xuống cấp; trang thiết bị cũ, lạc hậu, không đồng bộ. Việc đầu tư chuyên sâu của ngành y tế về nhân lực, trang bị cho nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa còn khó khăn, thiếu tính chuyên nghiệp; kinh phí đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vấn đề triển khai thực hiện BHYT đối với quân nhân còn một số vướng mắc, như: Các cơ sở quân y tuyến cơ sở chức danh trong biên chế không đủ khả năng để cấp giấy phép hoạt động thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh diện bảo hiểm. Hoặc, việc thực hiện chuyển tuyến điều trị giữa bệnh viện quân y với bệnh viện dân y; tiêu chuẩn bảo đảm vật chất quân y cho bộ đội khi chuyển đổi sang thực hiện BHYT còn nhiều nội dung chưa thống nhất… Những vấn đề trên cần được các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế nghiên cứu tham mưu với lãnh đạo bộ và Chính phủ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện về cơ chế, chính sách, bảo đảm cho hoạt động QDY ngày càng hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, cho rằng: Kết quả của dự án là rất đáng ghi nhận, do đó các cơ quan, cơ sở y tế cần tiếp tục phối hợp với Cục Quân y và các đơn vị quân y tập trung thống nhất giải quyết những khó khăn, bất cập; đồng thời, phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của cả quân y và dân y trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, góp phần xây dựng tiềm lực y tế - quốc phòng, sẵn sàng đáp ứng khi có các tình huống cần thiết trong thời bình cũng như thời chiến.  

Theo Báo QĐND