Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động: Tạo khung pháp lý thông thoáng và linh hoạt hơn

01/08/2018 09:39 AM


Theo chương trình, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định, đây là bộ luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ lao động có tính kinh tế - xã hội sâu rộng, tác động đến tất cả các thành phần kinh tế và người lao động. Việc sửa đổi Bộ luật Lao động hiện hành nhằm tạo khung pháp lý thông thoáng hơn, linh hoạt hơn để thích ứng với bối cảnh mới - cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chưa theo kịp sự phát triển của thị trường lao động

Trong hệ thống pháp luật lao động của nước ta, Bộ luật Lao động giữ vị trí rất quan trọng, điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ lao động có tính KT - XH sâu rộng. Theo nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, Bộ luật Lao động tác động đến tất cả các thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và người lao động. Bộ luật đã tạo lập các chuẩn mực pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường lao động, đưa ra các quy tắc ứng xử cho các chủ thể trong tuyển dụng và sử dụng lao động, thiết lập các hành lang pháp lý quan trọng cho việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

Quyền làm việc, tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của người lao động phải được bảo đảm.

Bộ luật cũng đề cập toàn bộ các nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng lao động và làm việc của người lao động, điều chỉnh quan hệ lao động và các quan hệ xã hội khác có liên quan mật thiết đến quan hệ lao động như hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, tranh chấp lao động và cơ chế giải quyết tranh chấp lao động, đình công. Đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra lao động, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong lĩnh vực lao động; trách nhiệm của tổ chức công đoàn và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm UB Bùi Sỹ Lợi cũng thẳng thắn chỉ rõ, một số điều của Bộ luật Lao động chưa theo kịp sự phát triển rất nhanh chóng của thị trường lao động và thế giới việc làm, nhất là dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tại nhiều diễn đàn doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đều đề nghị Bộ luật Lao động hiện hành cần sớm được sửa đổi để không chỉ khắc phục những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn mà còn bổ sung những quy định mới nhằm tạo khung pháp lý thông thoáng hơn, linh hoạt hơn, nhằm thích ứng với bối cảnh mới.

Bảo đảm quyền của người lao động

Phân tích sâu hơn về sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, Phó Chủ nhiệm UB Bùi Sỹ Lợi cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế cũng là một nguyên do thiết yếu. Yêu cầu của hội nhập quốc tế đặt ra vấn đề bảo đảm quyền của người lao động theo tiêu chuẩn lao động quốc tế. Vì rằng, người lao động không những trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, mà cũng được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả của quá trình này.

Song, theo đánh giá của các chuyên gia, Bộ luật Lao động năm 2012 vẫn chưa tương thích với một số tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, chủ yếu mới chỉ tập trung vào một số nội dung về quyền tự do hiệp hội và thừa nhận một cách có hiệu quả quyền thương lượng tập thể tại Công ước số 87 về tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức năm 1948 và Công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể năm 1949.

Đáng lưu ý hơn, tính ở thời điểm năm 2012 khi Bộ luật Lao động được ban hành, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và các quốc gia khác chưa được ký kết nhiều, dẫn đến nhiều quy định về vấn đề lao động trong các hiệp định này chưa được nội luật hóa trong pháp luật của nước ta, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là CPTPP. Vì vậy, trước yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, đồng thời với tư cách thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từ năm 1992, thì Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các tiêu chuẩn lao động được đề cập trong các Công ước đó.

Hiện Việt Nam đã phê chuẩn 5/8 Công ước cơ bản của ILO (bao gồm các Công ước số 29, 100, 111, 138 và 182) và đang chuẩn bị trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn đối với 3 Công ước cơ bản còn lại (các Công ước số 87, 98 và 105).

Rõ ràng, thực tiễn đòi hỏi Bộ luật Lao động cần được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; lao động và quản lý lao động trong tình hình mới. Đặc biệt là bảo đảm sự tương thích với các Công ước của ILO, pháp luật lao động của các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam (ASEAN) và thông lệ quốc tế về lao động, quan hệ lao động, đáp ứng sự phát triển rất nhanh chóng của thị trường lao động và thế giới việc làm dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.

*** Theo Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Chang - Hee Lee, khi Bộ luật Lao động được sửa đổi vào năm 2012, lúc đó chưa có các tài xế Uber hoặc Grab. Sau này, tài xế Uber hoặc Grab - sản phẩm của cuộc cách mạng 4.0, đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Câu hỏi đặt ra là họ có phải là lao động, là người làm thuê và có nằm trong diện bảo vệ của Bộ luật Lao động không? Đó là những câu hỏi cần được giải đáp trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động sắp tới của Việt Nam.

Theo ĐBND