Đàm phán thương mại dịch vụ trong ASEAN về y tế: Cơ hội và thách thức

11/06/2018 01:58 PM


Trong khuôn khổ Dự án khu vực “Hỗ trợ sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) trong Khuôn khổ Một thị trường chung ASEAN”, sáng 8/6, Bộ Công thương phối hợp Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức “Hội thảo tập huấn nâng cao năng lực đàm phán thương mại dịch vụ trong ASEAN về lĩnh vực y tế” nhằm nâng cao kiến thức và các kỹ năng đàm phán thương mại dịch vụ trong lĩnh vực y tế cho các cán bộ y tế.

Mở cửa thị trường y tế

Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) được các nước ASEAN ký kết vào ngày 15/12/1995 tại Bangkok, Thái Lan với mục tiêu: Tăng cường hợp tác các dịch vụ giữa các nước thành viên nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đa dạng hoá năng lực sản xuất, cung cấp và phân phối dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài ASEAN; Loại bỏ các rào cản trong dịch vụ giưã các quốc gia thành viên; Tự do hoá thương mại dịch vụ thông qua tự do hoá theo chiều sâu và mở rộng phạm vi tự do hoá vượt qua các cam kết của các nước thành viên trong GATS với mục tiêu xây dựng một khu vực thương mại tự do trong các dịch vụ.

Tại hội thảo, ông Dương Huy Hoàng – Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong lĩnh vực y tế, MRA về Điều dưỡng đã ký ngày 8/12/2006 tại Cebu, Philippines. MRA về Hành nghề y và MRA về Hành nghề nha khoa được ký ngày 26/2/2009 tại Cha-am, Thái Lan. Đặc điểm chung của cả 3 MRA này là không hướng tới thiết lập một cơ chế đăng ký hành nghề chung ASEAN mà chủ yếu tập trung vào trao đổi thông tin và tăng cường hợp tác về công nhận lẫn nhau trong các lĩnh vực ngành nghề này, thúc đẩy áp dụng các thực tiễn tốt nhất về các tiêu chuẩn và trình độ, cung cấp cơ hội xây dựng năng lực và đào tạo…

Vì vậy, các cá nhân của một nước ASEAN hoạt động trong 3 lĩnh vực này khi muốn hành nghề tại một nước ASEAN khác thì vẫn phải thực hiện hoàn toàn theo các quy định pháp luật và quy trình thủ tục liên quan của nước ASEAN khác đó.

Mục tiêu gồm: Di chuyển người người hành nghề y trong ASEAN; Trao đổi thông tin và tăng cường hợp tác công nhận lẫn nhau về hành nghề; Thúc đẩy thông qua công nhận thực tiễn tốt về tiêu chuẩn và trình độ và cung cấp các cơ hội nâng cao năng lực và đào tạo hành nghề y khoa; Nhân tố chính là công nhận và điều kiện người hành nghề y là người nước ngoài

MRA trong lĩnh vực y tế là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, chính sách; cải thiện quy trình quản lý cấp phép hành nghề; chuẩn hoá hệ thống đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, tạo động lực cạnh tranh cải thiện năng lực, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh chuyên nghiệp và chất lượng. Người dân được hưởng nguồn lợi từ nguồn “chất lượng tốt từ các nước trong khối”. Người lao động nước ngoài có thể được hưởng chăm sóc của người “cùng quê bản xứ” trên đất Việt. Cán bộ y tế Việt Nam có cơ hội làm việc ở các bệnh viện chất lượng và có thu nhập tốt ở trong khu vực.

Xây dựng đàm phán thương mại y tế

Tuy nhiên, theo ông Đào Huy Giám - Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại WTO -Geneva, hiện tại ở Việt Nam, việc đào tạo y tế hầu như chưa đạt so với chuẩn mực quốc tế. Tình trạng bán thuốc không cần kê đơn, biệt được giá “trên trời” vẫn rất phổ biến. Cho thuê bằng cấp mà không trực tiếp quản lý, phạm vi chịu trách nhiện hẹp, an toàn tiêu dùng thấp.… đang là những thách thức của Việt Nam trong việc đàm phán hiệp định khung.

Do đó, để đạt được hiệu quả, tầm nhìn đàm phán thương mại là vài chục năm. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả dịch vụ y tế cần sớm xây dựng các quy chuẩn chứng chỉ nghề, vị trí nghề, đào tạo; áp dụng quản lý an toàn tiêu dùng trên cơ sở rủi ro. Cần tránh tính “cạnh tranh sơ khai” giữa các cơ sở dịch vụ y tế thông qua đánh giá nhu cầu kinh tế (một cơ sở tạo được thị trường, nhiều cơ sở mở ngay bên cạnh để trục lợi). Chấn chỉnh ngay từ đạo đức, văn hoá, quy tắc nghề giữa nhà chuyên môn với nhà cung cấp (bác sĩ chỉ định cửa hàng bán thuốc);…

Toàn cầu hoá đã làm tăng nhu cầu ngoại giao y tế, các loại liên minh y tế mới và sự gia tăng hợp tác giữa các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Hiện đang có thêm nhiều quá trình đàm phán dài hạn giữa các quốc gia, các tổ chức mang tính bắt buộc hoặc chưa bắt buộc trong lĩnh vực sức khỏe, ví dụ như kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, phòng chống hút thuốc lá, thiết lập các mục tiêu sức khỏe toàn cầu…

Các cuộc đàm phán y tế đang diễn ra ở các khắp nơi với quy mô, phạm vi và mức độ phức tạp khác nhau và là hoạt động lồng ghép giữa chính sách đối nội và đối ngoại của các quốc gia. Và để thực hiện tốt chức năng này, hơn bao giờ hết, các quốc gia cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngoại giao y tế, có đủ năng lực và kỹ năng đàm phán.

Tại hội thảo, một số vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc thực hiện và sự tham gia của các chủ thể vào quá trình hội nhập lĩnh vực y tế được các đại biểu nêu lên nhằm tạo ra một diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm, nhìn nhận cơ hội, khó khăn, thách thức trong quá trình Việt Nam triển khai MRAs; hỗ trợ các cơ sở y tế, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về con đường hội nhập, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược hoạt động phù hợp và hiệu quả nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua những khó khăn, thách thức…

Theo Báo SK&ĐS