Cơ cấu thị trường lao động đang có dấu hiệu chuyển dịch theo đúng xu hướng của các nước phát triển

06/06/2018 05:03 PM


Chiều 5/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến mô hình, cơ cấu thị trường lao động Việt Nam trong phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội đối với nhóm vấn đề thứ ba của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Phó Thủ tướng nhận định, mô hình cơ cấu thị trường lao động của Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển dịch dần sang mô hình quả trứng- theo đúng xu hướng của các nước phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu tại phiên chất vấn ngày 5/6. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, báo cáo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng như các ý kiến chất vấn tại hội trường tại phiên chất vấn đã nêu rất nhiều số liệu đầy đủ về mức độ đào tạo, tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, số liệu chưa có việc làm trong từng phân khúc. Tuy nhiên, theo nhận xét chung của các bộ ngành và các tổ chức quốc tế thì công tác thống kê của Ngành LĐ-TB&XH chưa thực sự hiệu quả. Bởi, qua thống kê cho thấy số lượng thống kê về bằng đại học, cao đẳng, trung cấp tương đối tốt, nhưng thống kê về đào tạo khác (không có chứng) chỉ còn chưa tốt.

Ngoài ra, công tác thống kê về lao động của Việt Nam có điểm khác so với quốc tế. Quốc tế không phân biệt riêng giữa trình độ đại học và cao đẳng. Đơn cử, UNESCO phân loại lao động theo 5 tầng: Tầng thứ nhất là những người nghiên cứu và phát minh ra kiến thức. Tầng thứ hai là những người phổ biến kiến thức. Tầng thứ ba là những người quản lý kỹ thuật. Tầng thứ tư là những người khai thác kỹ thuật, công nghệ. Tầng thứ năm là những người trực tiếp vận hành. Tổ chức Lao động thế giới phân loại lao động thành 9 loại. Còn Việt Nam phân loại lao động theo các trình độ đào tạo như: Đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp.

Làm rõ hơn về nội dung này, Phó Thủ tướng cho rằng, tính theo số liệu cơ cấu về đào tạo theo bằng cấp thì mô hình của Việt Nam không giống nước nào. Đởn cử, tỷ lệ đại học là 10, thì tỷ lệ cao đẳng là 3-4, và tỷ lệ trung cấp, sơ cấp là 1. Một số liệu khảo sát khác cho thấy, năm 2017, tại Việt Nam, cứ 100 học sinh tốt nghiệp THPT sẽ có 46 em học đại học, cao đẳng; khoảng 8 em trượt đại học, xác định ở nhà ôn thi, và thi vào năm sau; gần 22 em đi học trung cấp nghề; còn lại hơn 10 em sẽ tham gia ngay vào thị trường lao động. Nhưng cơ cấu lao động theo thị trường lao động Việt Nam thì hoàn toàn đúng theo mô hình các nước đang phát triển là hình chóp (số lao động giản đơn bên dưới lớn và càng lên cao số lao động có kỹ thuật, được đào tạo lại càng ít). Đây không phải mô hình tối ưu, mô hình tối ưu của các nước phát triển là mô hình quả trứng.

Phó Thủ tướng nhận định, mô hình cơ cấu thị trường lao động của Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển dịch dần sang mô hình quả trứng. Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng, tại thời điểm này, chúng ta cần phải cải cách toàn bộ hệ thống giáo dục bao gồm cả giáo dục phổ thông, dạy nghề, đại học và trên đại học để dần đưa mô hình đào tạo lao động theo trình độ bước đúng theo xu hướng của các nước phát triển.

Đồng thời, cần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo bởi hiện nay, cứ trong 100 lao động thì chỉ có hơn 50 lao động đã qua đào tạo (trong đó, mới có 22 người là có bằng cấp, còn lại gần 30 người vẫn chưa có bằng cấp, chứng chỉ). “Như vậy, một mặt chúng ta dần đưa mô hình đào tạo giữa đại học, cao đẳng, trung cấp theo đúng xu hướng, mặt khác, Ngành LĐ-TB&XH cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho 32 triệu lao động còn lại chưa được đào tạo, chưa có bằng cấp. Làm được những điều này, mô hình thị trường lao động của nước ta sẽ tiến lên theo đúng xu thế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

PV