Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Tỉnh táo, thận trọng nhưng kiên quyết

12/04/2018 04:53 PM


Vẫn còn những nghi ngại, những ý kiến trái chiều khi cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng qua. Nhưng phương châm khi xây dựng dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là không đổi. Phòng ngừa là chính, chống là rất quan trọng. Nhiều thành viên UBTVQH cho rằng, phải tỉnh táo, thận trọng nhưng cũng rất kiên quyết khi xử lý tham nhũng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp.

Muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được

Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý còn lại 11 chương, 125 điều. Phải nhấn mạnh lại, đây là dự án luật rất quan trọng, nhưng khá phức tạp và nhạy cảm nên được Quốc hội (QH) quyết định xem xét, thông qua tại 3 Kỳ họp. Trong lần trình dự án Luật tại Phiên họp của UBTVQH sáng qua, vẫn còn những quy định có ý kiến khác nhau.

Đơn cử, quy định về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Kết luận 10-KL/TW là “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”; đồng thời bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ; yêu cầu tại Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Quan điểm này là hoàn toàn đúng đắn, nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình, cần hết sức thận trọng và làm rõ thế nào là “từng bước mở rộng” phạm vi ra ngoài cơ quan nhà nước. Có phải một bước là mở rộng ngay trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, hay còn những bước về sau và hiện nay vẫn chưa tính được?

Còn với Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, thì mở rộng phải có bước đi, vì “phòng, chống tham nhũng ở khối Nhà nước chúng ta làm chưa tốt, còn đang dò dẫm, vừa làm, vừa sửa, chưa ổn định được, nay lại mở rộng thêm khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước” (?). Trong khi nguồn lực và con người có hạn, nên làm từng bước một, chưa thể vội vàng, “mở rộng hết cỡ” phạm vi điều chỉnh như dự thảo. Đáng lưu ý, Ban soạn thảo có đưa ra khái niệm về các vị trí nguy cơ tham nhũng cao, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn, chỗ nào có nguy cơ tham nhũng cao, chỗ nào có nguy cơ không tham nhũng, tham nhũng ít, tham nhũng vừa? Rất khó. Quan điểm dứt khoát là phải làm sao để ai muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được.

Giải trình về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, phạm vi điều chỉnh mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước theo từng bước. Dự kiến sẽ mở rộng với 3 đối tượng là, tổ chức xã hội, công ty đại chúng và tổ chức tín dụng.

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, không phải tất cả quy định trong dự thảo luật đều áp dụng đối với khu vực ngoài Nhà nước. Ví dụ, quy định về đối tượng kê khai tài sản... Mở rộng phạm vi điều chỉnh để công tác phòng, chống tham nhũng toàn diện hơn.

Phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội, kinh tế

Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm. Nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thế nào là không giải trình được một cách hợp lý?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định dẫn chứng, khi giải trình về tài sản, có cán bộ khai, tài sản của tôi do bố để lại. Khi hỏi người bố, người bố lại khai do cụ để lại. Chúng ta cũng cần nhìn lại đặc điểm lịch sử của Việt Nam là phát triển chậm, thời các cụ chưa có ngân hàng, chưa có thanh toán, chưa có tài khoản cá nhân và không có ai làm chứng. Vì thế không có cơ sở để kết luận thế nào là giải trình hợp lý. Rõ ràng, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần được quy định phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội, kinh tế của đất nước. Nhiều nước phát triển trên thế giới, người dân đã có tài khoản cá nhân từ lâu, giao dịch thông qua ngân hàng, họ thậm chí không dùng tiền mặt, hôn nhân, thừa kế cũng có hợp đồng, công chứng. Tức là có bằng chứng rõ ràng, minh bạch. Nhưng ở nước ta, tiền bạc, thừa kế nhiều khi được để lại không có công chứng, chỉ nói bằng miệng. Làm sao có thể biết là giải trình hợp lý, hay không hợp lý? Vì thế, Chủ nhiệm UB Nguyễn Khắc Định kỳ vọng, những quy định trong dự án Luật phải hết sức chặt chẽ và có tính khả thi cao, có minh chứng. Nếu quy định mà không thực hiện được dễ làm mất lòng tin của nhân dân.

Liên quan đến phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, dự thảo Luật đưa ra hai phương án. Phương án 1, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Phương án 2, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần nghiên cứu thêm về các phương án này. Bởi lẽ, “không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng suy đoán có tội”. Mặt khác, nếu coi đó là tài sản của Nhà nước để tiến hành xác lập quyền sở hữu nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu, thì vừa không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về các căn cứ xác lập quyền sở hữu, vừa khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện.

Hơn nữa, đây là lần đầu tiên đặt vấn đề về xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị, tính thận trọng phải đặt lên hàng đầu. Thực hiện được quy định này cần có một cơ chế quản lý thu nhập thật tốt, có một cơ chế, kiểm soát được thu nhập. Hiểu đúng là cần có một bộ tiêu chí để chứng minh thu nhập hợp pháp, từ đó loại trừ được tài sản có thể có từ tham nhũng mà ra.

Có rất nhiều từ khó được nhắc lại khi thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Như quy định tại Điều 59 cũng là một nội dung mới và khó. Nhưng càng khó càng phải vượt qua. Quy định phải dễ hiểu, rõ ràng thì triển khai thực hiện mới khả thi. Trên cơ sở ý kiến của các UBTVQH, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo phải đưa ra lập luận, lý lẽ thuyết phục các cơ quan và ĐBQH. Phương châm khi xây dựng dự án Luật này thì phòng ngừa là chính, chống là rất quan trọng. Dự án Luật phải thể hiện được tư tưởng, quan điểm đó, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Như cách nói của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, phải tỉnh táo, thận trọng nhưng cũng phải rất kiên quyết trong xử lý tham nhũng./.

Theo ĐBND