Thủ tướng đối thoại với sinh viên Đại học Waikato
14/03/2018 10:02 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng nay, 14/3, trong chuyến thăm chính thức New Zealand, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Đại học Waikato và có cuộc đối thoại với sinh viên ở đây, qua đó, có thể hiểu rõ hơn vì sao nền giáo dục New Zealand được xếp hạng nhất thế giới.
Thủ tướng và Phu nhân tới thăm Đại học Waikato. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đại học Waikato là một trong 8 trường Đại học công lập nằm tại Hamilton – thành phố lớn thứ 4 của New Zealand. Được mệnh danh là trường đại học thân thiện, mỗi năm ĐH Waikato tiếp nhận hơn 2.500 sinh viên quốc tế từ hơn 80 quốc gia trên thế giới.
Thăm ĐH Waikato để hiểu rõ hơn nền giáo dục New Zealand
Phát biểu trước các giảng viên, sinh viên của trường, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn sự đón tiếp theo phong tục của người Maori khi đến đây.
Thủ tướng đánh giá, trường đã thành công trong việc đào tạo ra những công dân ưu tú không chỉ cho New Zealand mà cho các quốc gia trên thế giới. Đại học Waikato là một trong những ngôi trường hàng đầu của New Zealand và được xếp hạng cao trên thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo của New Zealand như Thủ tướng Jacinda Andern, cựu Toàn quyền, Trung tướng Jerry Mateparae cũng từng học ở trường này. Waikato cũng là trường có tỷ lệ người Maori theo học cao nhất trong các trường đại học ở New Zealand.
Cho biết hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1975, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2009, Thủ tướng nhấn mạnh, hợp tác giáo dục là một trụ cột quan trọng. Theo thống kê có trên 3.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại New Zealand, đứng thứ 9 trong số các quốc gia có sinh viên Việt Nam. Cùng với cộng đồng người Việt Nam tại đây, tạo nên cầu nối quan trọng, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện, giao lưu với sinh viên Đại học Waikato. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng cho biết, từ một nước nghèo và kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển và từ 2010 Việt Nam đã thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình. Năm 2017, GDP Việt Nam tăng 6,81%, thu nhập bình quân của 93 triệu dân đạt gần 2.400 USD tạo nên một thị trường sôi động với sức mua ngày càng tăng. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về các mặt hàng nông thủy sản. “Rất có thể cốc cà phê các bạn đang uống hằng ngày có nguồn gốc từ những hạt cà phê trồng trên vùng cao nguyên đất đỏ của Việt Nam; nhiều quả xoài, thanh long, chôm chôm, vải mà các bạn nhìn thấy trên kệ bán hàng của siêu thị tại đây là những đặc sản nhiệt đới của Việt Nam”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược để Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại trong tương lai. Chính vì vậy, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác phát triển lĩnh vực giáo dục để có cơ hội giao lưu, học hỏi các mô hình đào tạo mang tính nghiên cứu ứng dụng cao giống như Đại học Waikato để từ đó giải quyết các vấn đề thực tiễn. Thực tế cho thấy việc hợp tác đào tạo đại học và sau đại học giữa Đại học Waikato với Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang phát huy hiệu quả tích cực. Nhiều cán bộ Việt Nam đã và đang tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ, được tiếp cận với phương pháp mới, tư duy mới giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Là một đất nước có hơn 40% dân số trong độ tuổi thanh thiếu niên với nhiều ước mơ, hoài bão, ý chí, sáng tạo khởi nghiệp vươn lên mạnh mẽ, chúng tôi xác định rằng đây là lực lượng tiên phong trong các nỗ lực đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng bày tỏ, sinh viên ở đây là những người trẻ, tràn đầy nhiệt huyết, giàu tình yêu cuộc sống. “Các bạn không chỉ mong muốn cống hiến sức trẻ cho đất nước New Zealand tươi đẹp mà chắc chắn đang ấp ủ những mơ ước, hoài bão, được tham gia tiếng nói, đóng góp sức lực cùng với các bạn trẻ trên toàn thế giới trong việc giải quyết những vấn đề khu vực và toàn cầu. Để thực hiện trọn vẹn ước mơ, hoài bão đó, điều quan trọng đầu tiên là các bạn phải học tập tốt, không những chỉ học trên giảng đường mà cần nghiên cứu, quan sát bồi dưỡng nhận thức, thế giới quan về những xu hướng, những thách thức và diễn biến trên khắp thế giới, đặc biệt là châu Á”.
“Nhân buổi giao lưu hôm nay, tôi xin có lời mời các bạn hãy đến với Việt Nam, một quốc gia giàu bản sắc văn hóa, có truyền thống lịch sử hàng nghìn năm, đến với Thủ đô Hà Nội, các bạn hãy thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam đươc xây dựng cách đây gần 10 thế kỷ, nơi các bạn sẽ cảm nhận được nét đẹp riêng của một quốc gia có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo trong suốt chiều dài lịch sử”.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng chia sẻ, khi đến Đại học Waikato, ông có thể hiểu rõ hơn vì sao nền giáo dục New Zealand được xếp hạng nhất thế giới về chỉ số chuẩn bị cho tương lai. Đó là vì “các bạn đã tạo ra sự đồng thuận trong toàn xã hội với sứ mệnh lớn lao này. Các bạn đặt giáo dục ở vị trí trung tâm trong mọi nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội và thông qua giáo dục các bạn phát huy tối đa tiềm năng cá nhân của mỗi học sinh, sinh viên”. “Tôi có thể nhìn thấy điều đó ngay tại đây những ánh mắt đầy tự tin, tự hào của các bạn sinh viên. Tôi tin rằng với nhiệt huyết và sự sáng tạo trên nền tảng kiến thức được đào tạo bài bản, chắc chắn các bạn sẽ góp phần quan trọng nâng tầm quan hệ hai nước, mang lại sự phồn vinh và tương lai tươi sáng cho mọi người dân chúng ta”, Thủ tướng nói.
Đối thoại với sinh viên
Sau bài phát biểu, Thủ tướng đã có cuộc đối thoại với các sinh viên của Đại học Waikato, giải đáp một số vấn đề mà sinh viên quan tâm.
Trả lời câu hỏi của sinh viên Trần Thị Minh Ngọc, nghiên cứu sinh ngành kinh tế học, về đánh giá của Thủ tướng đối với triển vọng hợp tác giáo dục giữa hai nước cũng như là chính sách thu hút nhân tài đối với du học sinh sau khi họ trở về nước, Thủ tướng nói: “Hợp tác giáo dục đào tạo giữa Việt Nam và New Zealand như chúng tôi nêu là ưu tiên hàng đầu. Hiện có trên 3000 sinh viên Việt Nam đang học ở New Zealand. Và chất lượng đào tạo của các trường đại học New Zealand tốt. Trong hội đàm vừa rồi giữa tôi và Bà Thủ tướng Ardern đã nêu rằng trong hợp tác sắp tới ưu tiên đầu tiên là giáo dục và đào tạo. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều sinh viên Việt Nam đến New Zealand để học tập. Đặc biệt là Đại học Waikato ở đây. Các sinh viên Việt Nam khi về nước học giỏi sẽ có chính sách bố trí ưu tiên. Chúng tôi đã ban hành một Nghị định về vấn đề này trong việc lựa chọn nhân tài cho đất nước”.
Trước câu hỏi của một sinh viên khoa Luật về việc Thủ tướng đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và New Zealand sau khi Hiệp định CPTPP vừa được ký tại Chile, Thủ tướng cho biết, Hiệp định CPTPP là Hiệp định thế hệ mới có nhiều tiêu chuẩn. Việt Nam và New Zealand là các thành viên quan trọng. Hiệp định dự kiến có hiệu lực từ năm 2019 và sẽ mở ra những chương mới trong hợp tác giữa các nước trong thực thi hiệp định. Việt Nam và New Zealand sẽ đẩy mạnh hợp tác các lĩnh vực là thế mạnh của mình và sẽ có những hợp tác cụ thể sau khi Hiệp định có hiệu lực. “Nhưng chắc chắn rằng sau khi Hiệp định này có hiệu lực sẽ mở ra tương lai tốt cho hợp tác toàn diện hướng tới Đối tác chiến lược tốt hơn nữa của hai nước Việt Nam-New Zealand. Hiệp định này chiếm tới 13% GDP toàn cầu với trên 500 triệu dân, chắc chắn sẽ tạo ra một điều kiện mới của sự phát triển của 11 nước, đặc biệt với những nước có quan hệ truyền thống tốt đẹp như Việt Nam và New Zealand”, Thủ tướng nói.
Liên quan đến câu hỏi của sinh viên Nguyễn Thị Mai Anh, khoa thiết kế và công nghệ thông tin: Nhà nước có chính sách gì ưu tiên trong phát triển công nghệ thông tin và khai thác những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 áp dụng vào sản xuất và đời sống kinh tế những năm tới?, Thủ tướng trả lời, Việt Nam đã có chiến lược phát triển công nghệ thông tin trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có nhiều vấn đề đặt ra nhưng có hai ưu tiên quan trọng. Một là phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, và thứ hai là đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin. Việt Nam hiện nay đã phủ sóng 4G, và đang nghiên cứu những xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này để vận dụng vào Việt Nam. “Chính các bạn học ở những nước công nghệ phát triển như New Zealand sẽ có điều kiện để phát triển đất nước trong cuộc cách mạng 4.0 này”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Waikato với các đối tác Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cũng trong chuyến thăm Đại học Waikato, Thủ tướng đã chứng kiến Đại học Waikato ký kết thỏa thuận hợp tác với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Hà Nội.
Ngay sau khi thăm Đại học Waikato, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên máy bay rời TP. Auckland, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm New Zealand.
Theo VGP
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?