Quyết tâm của Thủ tướng đang đi vào cuộc sống

28/02/2018 03:13 PM


Hình ảnh về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ ngày càng đậm nét và quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, của Thủ tướng đang đi vào những việc cụ thể nhất.

Chính phủ đã yêu cầu trong năm nay, phải phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

Hôm qua, ngày 26/2, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị với các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan có liên quan về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là các cơ quan, đơn vị phải bắt tay ngay vào công việc, đặc biệt là những công việc tồn đọng do nghỉ Tết, những công việc và thủ tục trực tiếp liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhân dân. Và hội nghị này nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xử lý những công việc trực tiếp liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc toàn bộ các ý kiến, sẽ đưa ra giải pháp sớm nhất và chậm nhất trong tuần sau sẽ họp các bộ, cơ quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề. Bộ trưởng nhắc lại yêu cầu, quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, nói đi đôi với làm. “Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, minh bạch chứ không phải hứa để đó, mà nói là làm”, ông cho hay.

Nhìn rộng hơn, hội nghị mà Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức chỉ là một ví dụ cho thấy quyết tâm của Thủ tướng trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ đang đi vào cuộc sống. Trong đó, nổi bật là những quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng trong cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.  

Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành một Nghị định khiến cộng đồng doanh nghiệp “nức lòng”, sau một thời gian dài diễn ra nhiều cuộc đối thoại và cả tranh cãi giữa các doanh nghiệp với Bộ Y tế. Đó là Nghị định số 15 thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Theo các ước tính, việc thực thi Nghị định 15 sẽ giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp. Đặc biệt, để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, Nghị định này có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày ký, thay vì 45 ngày như thông lệ.

Hơn thế nữa, Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp đã đánh giá rất cao vai trò của Chính phủ, Bộ Y tế trong việc tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực đưa ra Nghị định mới này. Đồng thời, mong muốn các bộ, ngành lĩnh vực khác còn chần chừ hãy học tập cách làm của Bộ Y tế.

Một văn bản khác cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao đó là Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Được Thủ tướng ký ban hành ngày 15/1, Nghị định này đã cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong 8 lĩnh vực, tương đương 55% trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Công Thương quản lý. Điều này càng ý nghĩa khi Bộ Công Thương chính là Bộ có nhiều điều kiện kinh doanh nhất.

Trong ngày đầu tiên của năm mới 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01 thể hiện rõ tinh thần quyết liệt, hành động ngay từ ngày đầu, tháng đầu. Nghị quyết  đã nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn và 242 nhiệm vụ cụ thể; nêu rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian hoàn thành từng công việc.

Trong đó, Chính phủ đã yêu cầu trong năm nay, phải phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh, trong đó bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, đây là những con số hết sức ấn tượng và đòi hỏi nỗ lực lớn của các bộ, ngành, cơ quan.

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, ngày mai (28/2), Tổ công tác của Thủ tướng sẽ tiến hành kiểm tra 16 bộ, cơ quan về việc triển khai nhiệm vụ cắt giảm thủ tục nói trên. Dự kiến, tại đây, các Bộ sẽ phải nêu rõ các phương án cụ thể cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra, phương án đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ điều kiện kinh doanh…

Trong những ngày đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tới làm việc ở hàng loạt bộ, cơ quan nhằm đôn đốc, thúc đẩy, nhắc nhở các công việc. Thậm chí, đích thân Thủ tướng còn có những cuộc làm việc “vượt cấp” như buổi làm việc tại Tổng cục Thuế, Tổng cục Thống kê.

Ông liên tục nhấn mạnh tinh thần được nêu trong phương châm 10 chữ của Chính phủ: “Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả”, các bộ, cơ quan, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ, có khát vọng lớn và hành động cụ thể để tạo chuyển biến trong công việc, góp phần đưa đất nước phát triển.

“Quan trọng nhất là tổ chức thực hiện, là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai hiện nay, phải được tháo gỡ. Từ lời nói đến hành động, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa, để từ đó tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 01 ở địa phương mình”, Thủ tướng nêu rõ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ và sự hưởng ứng của các bộ ngành, địa phương, có thể tin rằng tình hình kinh tế-xã hội sẽ tiếp tục đạt được những kết quả khả quan, tạo tiền đề để đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Sắp tới, dự kiến, nhiều Hội nghị lớn sẽ được Chính phủ tổ chức nhằm bàn về về những giải pháp, quyết sách chỉ đạo tầm quốc gia.
Có thể kể đến các Hội nghị bàn các giải pháp: Thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng lao động; các giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển thị trường vốn, tài chính trong điều kiện cách mạng 4.0; đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; giải pháp tích tụ, tập trung đất đai đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn… 

Theo VGP