“Các giải pháp triển khai thực hiện Bộ Luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp”

11/10/2018 09:27 AM


Là tiêu đề Hội thảo khoa học vừa được BHXH Việt Nam khai mạc sáng 11/10, tại Tp.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu dự và chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh; đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục, Ban thuộc các Bộ, ngành liên quan (Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Tổng Cục Thuế, Cục Cảnh sát điều tra về kinh tế và tham nhũng,…); các nhà khoa học, nchuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tội phạm hình sự; đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của BHXH Việt Nam; đại diện lãnh đạo BHXH 11 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Bình Định)… 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, Luật BHXH và Luật BHYT được Quốc hội ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT. Trên cơ sở đó, đến nay, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đạt được những kết quả nhất định: Số đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT tăng dần qua các năm (tính đến tháng 6/2018, số người tham gia: BHXH là 14,08 triệu người, BH thất nghiệp là 11,8 triệu người và BHYT là 81,45 triệu người); hàng năm, công tác chi trả cho các đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT luôn được đảm bảo kịp thời, đúng pháp luật... 

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng nhận định, trong quá trình tổ chức thực hiện, giải quyết và chi trả các chế độ chính sách về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT cho thấy, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đã và đang diễn ra với nhiều hình thức, mức độ khác nhau, theo chiều hướng ngày càng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp. 

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trước tình hình đó, Quốc hội đã thông qua việc bổ sung một số tội danh về lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp, BHYT trong Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 như: Điều 214, Điều 215 quy định về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, BHYT và Điều 216 quy định về tội trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT cho NLĐ. Các điều luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và chính là minh chứng cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh cho người dân, NLĐ. Tuy nhiên đến nay, các quy định này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự. 

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, Hội thảo lần này được BHXH Việt Nam tổ chức nhằm bổ sung các cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc kiến nghị xây dựng và ban hành các quy định có liên quan trong việc tiến hành tố tụng thực hiện Bộ Luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Trong chương trình làm việc, Hội thảo sẽ tập trung chia sẻ và thảo luận về 5 nhóm vấn đề chính, gồm: Thứ nhất, các dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; phân biệt hành vi vi phạm hành chính với hành vi phạm tội trong lĩnh vực này. Thứ hai, vai trò pháp lý của cơ quan BHXH các cấp trong quá trình tố tụng, các hành vi phạm tội về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định của Bộ luật Hình sự. Thứ ba, yêu cầu hồ sơ, tài liệu ban đầu cơ quan BHXH phải cung cấp phục vụ công tác điều tra, tố tụng hình sự. Thứ tư, xây dựng quy trình thực hiện tố tụng hình sự trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp, BHYT (cơ quan có thẩm quyền ban hành để cơ quan BHXH phối hợp). Việc ban hành quy trình, quy định tạm thời để cơ quan BHXH tổ chức thực hiện./.