Tri ân sâu sắc người có công: Mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm của toàn xã hội

25/07/2025 11:26 AM


Sáng 24/7, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc gặp mặt 250 đại biểu người có công và nhân chứng lịch sử tiêu biểu. Đây là hoạt động ý nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, đồng thời là dịp để cả nước tưởng nhớ, tri ân sâu sắc những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chương trình có sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Đặc biệt, là sự hiện diện của 250 đại biểu đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công trên cả nước. Trong số đó có những cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học và đại diện đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng. Tổng Bí thư nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Góp phần vào những thắng lợi ấy của dân tộc là máu xương của hàng triệu chiến sĩ, đồng bào đã dâng hiến tuổi thanh xuân và cả cuộc đời cho Tổ quốc. Có người đã ngã xuống nơi chiến trường, có người để lại một phần thân thể, có người mang trong mình di chứng chiến tranh suốt đời. Máu đào của họ đã nhuộm thắm màu cờ Tổ quốc và hun đúc nên sức mạnh tinh thần, ý chí kiên cường và khát vọng vươn lên mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư xúc động nhắc đến gần 1,2 triệu liệt sĩ - những người đã dũng cảm ra trận, anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, từ biệt những ước mơ tuổi học trò, từ giã gia đình, người thân để lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Tổng Bí thư cũng chia sẻ sâu sắc với nỗi đau của những gia đình có thân nhân chưa tìm được hài cốt, chưa rõ nơi an nghỉ, của những người còn sống nhưng mang trong mình thương tật,...

Tổng Bí thư khẳng định, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” không chỉ là đạo lý ngàn đời mà còn là truyền thống quý báu của dân tộc ta, là trách nhiệm chính trị và mệnh lệnh từ trái tim của toàn xã hội. Trong 78 năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác đền ơn, đáp nghĩa, ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi người có công. Đến nay, hơn 9,2 triệu người có công đã và đang được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân được cải thiện, nâng cao.

Để tiếp tục phát huy truyền thống quý báu này, Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội không ngừng đẩy mạnh công tác chăm lo cho người có công. Các ngành, các cấp cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết Đại hội XIII, Chỉ thị số 14/CT-TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Việc chăm lo cho người có công cần được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, thể hiện sự tri ân và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư nhấn mạnh đến việc hoàn thiện chính sách; giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý các nguyện vọng chính đáng của người có công và thân nhân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đầu tư trang thiết bị, phương tiện vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác giám định gene ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Việc tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở; quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm;...  cũng cần được chú trọng, nhất là đối với các trường hợp khó khăn.

Tổng Bí thư cũng đặc biệt lưu ý đến việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng; đồng thời yêu cầu thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người có công để kịp thời tháo gỡ, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người có công.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, với nghĩa tình sâu nặng và trách nhiệm lớn lao, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo cho người có công với cách mạng. Sự phát triển phồn vinh, hùng cường của đất nước chính là lời tri ân sâu sắc và ý nghĩa nhất gửi tới những người đã hy sinh, cống hiến vì Tổ quốc - những con người luôn mang trong tim khát vọng cháy bỏng về một Việt Nam độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc.

Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, thể hiện sự trân trọng và biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn thể Nhân dân đối với những người có công với cách mạng, Tổng Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tặng quà tri ân đến các đại biểu./.

Thanh Hà (Theo VGP)