Chung tay vì mục tiêu không còn nạn đói

05/08/2024 03:09 PM


Biến đổi khí hậu, xung đột và suy thoái kinh tế vẫn là những nguyên nhân chính gây ra và làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng lương thực ở nhiều nơi trên thế giới. Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế huy động nguồn lực, chung tay hành động hướng tới mục tiêu không còn nạn đói.

Người dân Palestin nhận đồ ăn từ thiện (Ảnh: Reuters)

Báo cáo Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới do Liên hợp quốc công bố gần đây ước tính, năm 2023, khoảng 733 triệu người, tương đương khoảng 9% dân số thế giới, phải đối mặt nạn đói. Bị bủa vây bởi nhiều thách thức, châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi có tới 20,4% số dân rơi vào tình cảnh này.

Là một trong các cơ quan thực hiện báo cáo, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo, khoảng 582 triệu người trên thế giới, hơn một nửa trong số đó ở châu Phi, sẽ sống trong tình trạng suy dinh dưỡng vào năm 2030. Những con số “biết nói” này cho thấy, thế giới vẫn còn cách xa Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 2 là không còn nạn đói.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, khoảng 2,8 tỷ người không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh trong năm 2022. Việc tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh nằm ngoài tầm với của 71,5% số dân ở các quốc gia thu nhập thấp, trong khi con số này ở các nước thu nhập cao chỉ là 6,3%.

Sự tương phản cũng dễ nhận thấy trong việc huy động nguồn lực tài chính để ứng phó nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng. Gần hai phần ba số các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khó tiếp cận tài chính, trong khi chính những nước này lại dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế, xung đột và thời tiết khắc nghiệt.

Nhằm tìm giải pháp cho vấn đề hóc búa này, báo cáo của Liên hợp quốc năm nay đưa ra chủ đề “Tài trợ để chấm dứt nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức”. Theo đó, các khuyến nghị nhấn mạnh việc đầu tư vào hệ thống lương thực bền vững và đổi mới, đem lại nguồn lương thực với giá phải chăng và dễ tiếp cận hơn.

Liên hợp quốc cũng cho rằng cần bảo đảm các quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng có khả năng tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi trong ngắn hạn và dài hạn, cũng như được giảm nợ. Ngoài ra, các biện pháp cải cách hệ thống tài chính toàn cầu cần được thúc đẩy. Liên hợp quốc cho rằng, nỗ lực chấm dứt nạn đói là nghĩa vụ và cũng là khoản đầu tư cho tương lai.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm, FAO cam kết hỗ trợ các quốc gia xóa đói và bảo đảm an ninh lương thực.

FAO sẽ tăng cường hợp tác các đối tác, trong đó có Liên minh toàn cầu chống đói nghèo mới được thành lập theo đề xuất của Brazil, nước đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2024. FAO nhấn mạnh cần đẩy nhanh nỗ lực chung nhằm xây dựng các hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững hơn, có thể chống chọi những thách thức trong tương lai.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần tận dụng những thành quả đã đạt được làm động lực để giảm bớt nỗi đau mà hàng triệu người trên thế giới đang gánh chịu.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác các quốc gia nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân của nạn đói, đồng thời hỗ trợ phát triển bền vững.

Nhận định nỗ lực hướng tới mục tiêu không còn nạn đói đang chệch hướng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định rằng, điều này có thể đạt được với sự chung tay của cộng đồng quốc tế.

Theo ông Guterres, nguồn lực tài chính chỉ là một phần của bài toán hóc búa, song đây lại chính là “chìa khóa” để giúp các quốc gia xây dựng và nâng cấp hệ thống lương thực, thực phẩm mạnh mẽ, bền vững và kiên cường mà mọi người dân đều cần và xứng đáng được hưởng./.

Nhandan.vn