BHXH Việt Nam đề xuất người bệnh mạn tính được lấy thuốc 2 tháng/lần
18/04/2024 04:31 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BHXH Việt Nam vừa có đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị bệnh mạn tính từ 30 ngày lên 60 ngày/lần.
Mắc bệnh đái tháo đường và cao huyết áp hơn 10 năm nay, bà Hoa (76 tuổi, sống tại Hà Nội) hằng tháng phải đến Bệnh viện Đa khoa y học cổ truyền Hà Nội tái khám, lấy thuốc điều trị các bệnh mạn tính này. Mỗi lần tái khám, con cái phải đưa bà đi.
BHXH Việt Nam đề xuất người bệnh mạn tính được lấy thuốc 2 tháng/lần (Ảnh minh họa)
2 năm "một đơn thuốc" cho bệnh mạn tính
"Tôi đã điều trị ổn định nên mỗi lần đến khám, bác sĩ hỏi thêm có triệu chứng gì mới sẽ chỉ định thêm xét nghiệm, còn không sẽ hỏi bệnh rồi cho đơn thuốc. Mỗi lần khám cũng mất nửa ngày, hôm nào bệnh nhân đông phải chờ đến chiều mới lấy được thuốc", bà Hoa kể.
Bà Hoa cũng chia sẻ hầu hết đơn thuốc không thay đổi, khoảng 2 năm nay đơn thuốc của bà không thay đổi loại thuốc và liều dùng. Trong thời gian COVID-19, bà Hoa được nhận đơn thuốc dùng trong 2 tháng, bà nói như vậy sẽ tiện hơn cho người bệnh đã điều trị bệnh ổn định.
Một bác sĩ chuyên khoa nội tiết tại Hà Nội cho rằng với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã điều trị ổn định có thể linh động để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
"Thực tế nhiều bệnh nhân không cần phải tái khám, lấy thuốc 1 tháng/lần. Tùy vào từng tình trạng người bệnh, bác sĩ có thể đưa ra chỉ định cụ thể 1 tháng hay 2 tháng. Điều cần hướng tới là điều trị hiệu quả và thuận lợi cho người bệnh", bác sĩ này bày tỏ.
Đề xuất kê đơn 2 tháng/lần
Trao đổi với Báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Hòa, phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho hay đã hai lần ký văn bản đề xuất bộ trưởng Bộ Y tế, kiến nghị thời gian kê đơn thuốc điều trị ngoại trú đối với người bệnh mạn tính.
BHXH Việt Nam đề xuất Bộ Y tế ban hành quy định về kê đơn với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính đã ổn định (đái tháo đường, tăng huyết áp…), bệnh nhân đã điều trị thuốc kháng ARV từ 12 tháng trở lên ổn định thì số lượng được kê đơn đủ sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày. Theo quy định hiện nay, chỉ được kê đơn đủ sử dụng tối đa 30 ngày.
Với trường hợp bệnh nhân điều trị mạn tính tại tuyến cơ sở (trung tâm y tế, phòng khám), BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế cho phép cấp thuốc điều trị không quá 30 ngày.
Ông Hòa chia sẻ đề xuất này dựa trên ý kiến chuyên môn, với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính thường ổn định, việc thay đổi thuốc không cần thiết phải hằng tháng. Ông cũng dẫn chứng tại nhiều nước đã áp dụng kê đơn 60 ngày. Tại Thái Lan, từ năm 2010 đã cấp thuốc 2 tháng/lần đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính điều trị ổn định.
Ngoài ra, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai cấp thuốc 3 tháng cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính và không phát sinh biến chứng. Việc thay đổi thời gian cấp thuốc được BHXH Việt Nam đánh giá sẽ giúp bệnh nhân kéo dài thời gian tái khám, bệnh nhân không mất công đi lại, thời gian, chi phí... Bên cạnh đó giảm tải cho bệnh viện.
Ông Hòa cũng cho hay mong muốn Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất để áp dụng càng sớm càng tốt.
Trao đổi với Báo Tuổi Trẻ, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay đề xuất này sẽ có tác động tích cực như giảm gánh nặng lên hệ thống y tế, thuận lợi cho người dân.
Tuy nhiên, người bệnh mạn tính cần được theo dõi thường xuyên để nhận biết được chuyển biến bệnh. Nếu bệnh tiến triển, cần có phương pháp điều trị phù hợp. "Chúng tôi đang cân nhắc nghiên cứu và sẽ có phản hồi cụ thể về đề xuất này", vị này cho hay.
Phạm Chính (Theo tuoitre.vn)
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?