"Bảo đảm an ninh toàn diện vì Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm"
15/04/2024 10:30 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Diễn đàn Tương lai ASEAN tiếp tục Phiên toàn thể thứ hai với chủ đề "Bảo đảm an ninh toàn diện vì Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm".
Phiên toàn thể thứ hai của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024.
Phiên toàn thể thứ hai thảo luận về cách tiếp cận toàn diện của ASEAN trong bảo đảm an ninh khu vực, thông qua xem xét tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội, và môi trường, trao đổi, đề xuất những hướng đi giúp ASEAN đóng góp hiệu quả hơn vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu, khẳng định vai trò và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu do Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam chủ trì với các diễn giả chính là: Nghị sĩ Sue Lines, Chủ tịch Thượng viện Australia (thông điệp ghi hình), Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ TS Subrahmanyam Jaishankar (thông điệp ghi hình).
Các đại biểu tham gia tham luận là: Ông Kung Phoak, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia; Học giả George Yeo, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Singapore; Học giả Kavi Chongkittavorn, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế của Đại học Chulalongkorn; GS. Dương Khiết Miễn, Chủ tịch Hội đồng Học thuật Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (SIIS); Thông điệp ghi hình của nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair; TS. Damian Hickey, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Viện Tony Blair vì sự phát triển toàn cầu.
Tại Phiên này, các đại biểu trao đổi những nội dung trọng tâm: Phương cách thúc đẩy khuôn khổ an ninh khu vực toàn diện, nâng cao năng lực thích ứng trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đi đôi với tăng trưởng kinh tế; Các biện pháp xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số an toàn, đáng tin cậy và tăng cường khả năng ứng phó trước các mối đe dọa an ninh mới nổi.
Chiến lược của ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực trong giải quyết các thách thức xuyên quốc gia, đi đôi với tôn trọng chủ quyền và lợi ích đa dạng của các quốc gia; Khả năng tận dụng những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học và phân tích dữ liệu lớn để phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm đảm bảo an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi phát biểu tham luận
Phát biểu tham luận tại Phiên thảo luận, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi khẳng định an ninh luôn là vấn đề quan trọng với ASEAN. Với ASEAN, an ninh bao gồm rất nhiều lĩnh vực như chính trị, quốc phòng, kinh tế, xã hội, môi trường… Mỗi lĩnh vực đều quan trọng như nhau và việc bảo đảm an ninh đều phải toàn diện nhất có thể. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia chỉ ra cấu trúc an ninh khu vực và thế giới tiếp tục có những biến chuyển khó lường với xung đột, chiến tranh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, tội phạm xuyên quốc gia… đòi hỏi ASEAN phải có các biện pháp thích ứng và sáng tạo hiệu quả. Chia sẻ về những đường hướng mà ASEAN có thể sử dụng để vượt qua các thách thức, bà Retno Marsudi cho rằng ASEAN cần tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy những biến chuyển trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hợp tác trong khu vực. Điều cần thiết hiện nay là xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, hùng cường và tiếp tục duy trì vai trò trung tâm để ứng phó với các thách thức. Đồng thời, ASEAN cần đoàn kết hơn để khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục duy trì hòa bình, hợp tác, và phát triển, trong đó đối thoại đàm phán, đôi bên cùng thắng được thúc đẩy.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Retno Marsudi cũng đề cao sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện luật pháp quốc tế một cách nhất quán. Người đứng đầu ngành giao Indonesia nhấn mạnh, ASEAN cần lưu tâm tới quản trị số và nâng cao kỹ năng số cho người dân trong thời đại mới. Bà Retno Marsudi khẳng định: “Chúng ta cần tiếp tục lắng nghe tiếng nói của người dân, tiếp tục nỗ lực đảm bảo các tiến trình đều phải lấy người dân làm trung tâm. Tôi tin rằng rời khỏi Diễn đàn này, chúng ta có thể tự tin nói rằng chúng ta đã đóng góp vào các tiến trình của ASEAN lấy người dân làm trung tâm trong tương lai”.
Các đại biểu thảo luận tại Phiên toàn thể thứ hai Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024
Trong thông điệp ghi hình, Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines ghi nhận sáng kiến của Việt Nam trong việc tạo ra Diễn đàn mới này để tạo sân chơi thảo luận về các vấn đề quan trọng định hình tương lai của ASEAN. Theo bà Sue Lines, năm 2024 đánh dấu 50 năm kể từ khi Australia trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN. Ngày nay, mối quan hệ của Australia và ASEAN không chỉ dựa trên cơ sở địa lý gần gũi mà còn dựa trên 50 năm hợp tác, tôn trọng, đối tác và tin cậy và được củng cố bởi quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên. "Hơn 1 triệu người Australia sinh ra hoặc có tổ tiên ở Đông Nam Á. Người dân của chúng ta gắn bó với nhau và tương lai của chúng ta cũng như vậy", bà nói. Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia tháng 3/2024 tại TP. Melbourne, các nhà lãnh đạo hai bên đã cùng nhau nhìn lại 50 năm quan hệ đối tác và hướng tới tương lai. Tuyên bố Melbourne được thông qua tại Hội nghị đã tái khẳng định cam kết chung của hai bên đối với một khu vực cởi mở, toàn diện và minh bạch. Đây là một khu vực mà vai trò trung tâm của ASEAN hết sức quan trọng trong việc duy trì các nguyên tắc đã được thiết lập và hình thành các chuẩn mực khu vực, nơi mà các quốc gia có quyền tự do quyết định tương lai của chính mình. Đây cũng là khu vực có các thị trường mở, tạo điều kiện thuận lợi cho luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và ý tưởng. "Thành công của ASEAN ngày nay nằm ở việc tập trung thúc đẩy hợp tác ở mọi cấp độ trong xã hội cũng như giữa các chính phủ. Tầm nhìn ASEAN với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một ví dụ liên quan mật thiết đến điều này và được Australia ủng hộ mạnh mẽ", bà Sue Lines nhấn mạnh.
Là một trong những đối tác quan trọng của ASEAN, trong thông điệp ghi hình gửi tới Diễn đàn, Tiến sĩ S. Jaishankar, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ, quan hệ ASEAN - Ấn Độ đã được vun đắp trở thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện dựa trên những giá trị, quan điểm tương đồng. Tiến sĩ S. Jaishankar khẳng định, ASEAN giữ vị trí trung tâm trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ và là một trụ cột quan trọng trong tổng thể chính sách của New Delhi đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ ủng hộ một ASEAN đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đồng thời tin tưởng một ASEAN đoàn kết và vững mạnh sẽ đóng vai trò kiến tạo cho một cấu trúc khu vực mới đang nổi lên tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhấn mạnh quyết tâm với ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đề cao vai trò của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 cho các hoạt động trên các vùng biển và đại dương. Cùng với đó, Tiến sĩ S. Jaishankar cho rằng, Ấn Độ và ASEAN cần hướng đến một chuỗi cung ứng đa dạng, an toàn, minh bạch và tự cường trong tương lai. “Chúng tôi tin rằng các nước ở phía Nam bán cầu cần đảm nhiệm vai trò quốc tế lớn hơn…Vai trò của ASEAN và Ấn Độ đang ngày càng quan trọng để đương đầu với các biến số của một trật tự thế giới đang nổi lên, chúng ta cần hợp tác và phối hợp trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Ấn Độ”, Tiến sĩ S. Jaishankar bày tỏ tin tưởng./.
Theo TTXVN
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?