Cải cách bảo hiểm xã hội - Thay đổi có tính cách mạng
03/11/2023 08:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 02/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự thảo Luật lần này bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, là bước thay đổi căn bản, có tính chất cách mạng về chính sách bảo hiểm xã hội. Gợi ý một số vấn đề lớn cần quan tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cùng hiến kế để có thiết kế chính sách tối ưu, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII đã ban hành 2 Nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Trong đó, về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), Chủ tịch Quốc hội cho biết, có một số nội dung đã được thể chế hóa, như nội dung độ tuổi nghỉ hưu quy định trong Bộ Luật Lao động, còn một số nội dung, như cải cách tiền lương, thì thực hiện chậm hơn. Tuy nhiên, do độ trễ của cải cách chính sách tiền lương, nên lần này Quốc hội thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và kỳ sau sẽ xem xét, thông qua thì thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách xã hội gần như song hành với nhau.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu (Ảnh: Lâm Hiển)
Dứt khoát phải thiết kế rõ đây là Nhà nước đóng
Đối với cải cách chính sách BHXH, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Trung ương thống nhất cao ban hành Nghị quyết về nội dung này, đây là một bước thay đổi rất căn bản về chính sách BHXH theo hướng cải cách trước hết là để hình thành một chế độ BHXH đa tầng, cụ thể là gồm 3 tầng: Tầng thứ nhất là tiền lương hưu trí từ thuế; tầng thứ hai là BHXH bắt buộc và tầng thứ ba là BHXH tự nguyện kết hợp với bảo hiểm theo kiểu thương mại để hình thành một hệ thống đa tầng và tiến tới là bao phủ BHXH toàn dân.
Để hình thành hệ thống BHXH đa tầng như vậy thì ngay ở tầng thứ nhất, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 28 - NQ/TW.
“Trước hết, chúng ta cần nhận diện bản chất của tầng mới này là một loại trợ cấp hưu trí xã hội, giống như trợ cấp cho người cao tuổi hiện nay cũng là từ ngân sách nhà nước”. Lưu ý vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về mặt nguyên tắc, đối với tầng này, độ tuổi được hưởng sẽ ngày càng giảm xuống và giảm cho đến bao giờ chạm đến tuổi nghỉ hưu thì thôi. Nhưng đồng thời mức trợ cấp sẽ ngày càng tăng lên, tùy vào khả năng của ngân sách nhà nước. Do đó, quy định về nội dung này trong dự thảo Luật phải có cách thức linh động, chứ không phải đóng khung.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có thể quy định theo hướng điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp xuống, mức hưởng cụ thể như thế nào thì nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ vào khả năng của ngân sách nhà nước. Nên chăng chúng ta thiết kế vừa có quy định cụ thể, tức là mốc xác định hiện nay là 80 tuổi thì tiến tới có thể là 75 tuổi, còn sau này có thể nghiên cứu rút xuống nữa và tăng mức hưởng cụ thể là bao nhiêu.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, dự thảo Luật đang còn thiếu những quy định làm rõ trợ cấp bảo hiểm hưu trí với trợ cấp của người cao tuổi, dẫn đến có sự nhầm lẫn giữa đối tượng hưởng trợ cấp hưu trí xã hội với đối tượng hưởng trợ cấp thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi. Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, hai vấn đề quan trọng nhất là độ tuổi được hưởng và mức hưởng nên quy định linh hoạt để sau này không phải sửa Luật mà vẫn vận hành được. Chính phủ đề xuất, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, trong 4 điều, từ Điều 20 đến Điều 24 của dự thảo Luật về trợ cấp hưu trí xã hội, phải quy định rõ khoản này là do ngân sách nhà nước đóng, nếu không quy định thì sau này khó lắm. “Nếu Nhà nước không đóng vào đây mà lại cứ lấy Quỹ ra để chi trả thì không được, vi phạm nguyên tắc đóng - hưởng tổng thể. Chúng ta cần làm rõ, những đối tượng này có đóng, nhưng do Nhà nước đóng và phải từ ngân sách, giống như tiền trợ cấp của người cao tuổi hiện nay là từ ngân sách. Thực chất trợ cấp cho người cao tuổi trong Luật Người cao tuổi bây giờ chuyển sang dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), thì đấy là Nhà nước đóng từ thuế và thuế là do người dân đóng. Do đó, dứt khoát phải thiết kế rõ trong dự thảo Luật đây là Nhà nước đóng”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu. Khi chuyển đối tượng đang hưởng trợ cấp cho người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi hiện hành sang phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này thì phải có điều khoản sửa quy định trong Luật Người cao tuổi, tránh gây hiểu nhầm là đã hưởng trợ cấp theo Luật Người cao tuổi, và bây giờ được hưởng thêm lần nữa.
Thứ hai là, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này cũng sửa đổi quy định về điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm) nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, có một ý tương đối khó và có vẻ là mâu thuẫn như các đại biểu đã phân tích là, tiền lương hưu tăng lên mà thời gian đóng BHXH lại rút xuống. Tại sao Trung ương lại quyết định như vậy? - Là vì xu hướng thế giới là tiền lương ngày càng tăng lên, tức là tỷ lệ đóng trên “cái bánh” ngày càng to ra - số năm đóng thì ít nhưng số tiền đóng thì nhiều, vì thu nhập và tiền lương của người lao động sẽ ngày càng tăng lên, chứ không phải như hiện nay. Các nước phát triển đóng được 10 năm là vì tuổi hưu của họ dài, nhưng thu nhập cũng rất lớn nên người ta đóng với mức rất lớn và do đó mức hưởng cũng như vậy. Cho nên, tới đây chúng ta thực hiện cải cách chính sách tiền lương cũng phải cải cách cả khu vực công và khu vực tư.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, việc giảm điều kiện hưởng lương hưu cũng là một trong những cách thức để hạn chế bớt tình trạng rút và hưởng bảo hiểm xã hội một lần. “Do đó, cần nói rõ là Trung ương nêu lộ trình tiến tới giảm còn 10 năm, bởi nếu đóng 20 năm như hiện nay thì nhiều người thấy xa xôi quá, giảm xuống 15 năm sẽ thấy còn có tương lai, và tiến tới còn 10 năm thì càng có điều kiện, động lực để tham gia đóng bảo hiểm xã hội”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhiều thay đổi mang tính cách mạng
Thứ ba là, cách tính để đóng bảo hiểm xã hội cũng khác, trong đó có những thay đổi có tính chất cách mạng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Về điều kiện để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, qua tham vấn chuyên gia, Chủ tịch Quốc hội cho biết, cũng có ý kiến băn khoăn rằng, liệu quy định điều kiện là công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm..., thì đã đủ chưa? Nhiều người nói rằng, nên chăng phải đặt thêm điều kiện là không có thu nhập riêng và các khoản khác…, vì có những người là chủ doanh nghiệp tư nhân có cần thiết phải có thêm điều kiện đó không? Một số ý kiến cũng đề nghị cần đánh giá kỹ hơn quá trình thực hiện Luật Người cao tuổi như thế nào? Cũng có ý kiến nói rằng, đã là đối tượng người già thì phải được hưởng? Đây là những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ thêm, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Thảo luận tại Tổ 4, chiều 2/11 (Ảnh: Lâm Hiển)
Liên quan đến quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đây là vấn đề người lao động quan tâm nhất. Dự thảo Luật đề xuất 2 phương án, trong đó phương án 1, quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau; và phương án 2, quy định "sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH".
Hai phương án thiết kế tại dự thảo Luật cũng có những mặt ưu điểm và những mặt nhược điểm. Có ý kiến đề nghị, nên tích hợp hai phương án lại thành một phương án nhưng thiết kế nhiều cách thức để người lao động lựa chọn... “Rất mong đại biểu Quốc hội hiến kế xem là thiết kế thế nào để bảo đảm tính tối ưu nhất”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Đối với việc mở rộng đối tượng BHXH bắt buộc, Chủ tịch Quốc hội gợi mở: Kinh nghiệm thế giới là mở rộng dần nhưng đúng là phải có thời gian, và cần có một cơ chế hỗ trợ nào đó ban đầu để người ta thấy thiết thực và tham gia dần. Và, có nhiều gói khác nhau, tức là theo nguyên tắc đóng - hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, mức đóng cũng có thể lũy tiến lên để người ta lựa chọn. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ nhất định, khuyến khích hộ kinh doanh, khu vực phi chính thức tham gia để mở rộng mạng lưới. Nguyên lý là như vậy, nhưng thiết kế trong Luật như thế nào thì đây cũng là nội dung lớn đang rất cần sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?