BHXH tỉnh Quảng Nam kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng tại Hội nghị lần thứ 11 (khóa XXII) của Tỉnh ủy Quảng Nam

14/04/2023 08:58 AM


Vừa qua, Tỉnh ủy Quảng Nam vừa tổ chức Hội nghị lần thứ 11 (khóa XXII) để đánh giá, thảo luận, cho ý kiến đối với nhiều nội dung theo Chương trình công tác năm 2023. Hội nghị đã dành thời gian để đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành TW (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, BHXH tỉnh Quảng Nam đã có nhiều kiến nghị quan trọng liên quan đến thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn.

Sau khi ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo tổng quát thành quả và những hạn chế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành TW (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH. BHXH tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn.

Cụ thể, BHXH tỉnh Quảng Nam đề nghị Tỉnh ủy Quảng Nam qua Hội nghị lần này cần xem xét ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh để BHXH tỉnh cùng các Ngành, các cấp, các địa phương có cơ sở tham mưu thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp một cách đồng bộ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam: Chính sách BHXH hiện hành có 2 loại hình. Thứ nhất, loại hình BHXH bắt buộc, là loại hình được tổ chức thực hiện từ rất sớm, NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc khá rộng, ngoài lực lượng vũ trang, CCVC hưởng lương từ ngân sách nhà nước đến NLĐ làm công ăn lương ở các loại doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể có thuê mướn lao động…Tính đến 31/12/2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 194.067 người tham gia BHXH chiếm 25,77% lực lượng lao động trong độ tuổi toàn tỉnh. Số người tham gia BHXH bắt buộc với tỷ lệ này chưa đạt mục tiêu đề ra và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam báo cáo tại hội nghị.

Theo số liệu đối chiếu với cơ quan Thuế và khảo sát thực tế năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 10.003 đơn vị kinh doanh hoạt động với tổng số lao động hiện được sử dụng là 306.265 người. Trong đó, đã tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bắt buộc ở  4.967 đơn vị với 184.406 lao động. Trong số đơn vị đã tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bắt buộc thì có 2.787 đơn vị chưa đăng ký tham gia đầy đủ cho NLĐ với số người chưa tham gia là 49.536 lao động và số đơn vị chưa đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bắt buộc là 5.036 đơn vị với 72.323 lao động (tổng số lao động chưa tham gia là 121.859 người).

Cũng theo ông Danh qua khảo sát tại các đơn vị, DN có nhiều lý do dẫn đến đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia BHXH bắt buộc như: Đơn vị, doanh nghiệp cho rằng NLĐ chỉ hợp đồng ngắn hạn, thời vụ; NLĐ không muốn tham gia BHXH, có cam kết, không đồng ý tham gia vì trừ 10,5%; Công việc không thường xuyên; Nhân viên làm việc bán thời gian, làm việc theo ngày, làm việc theo giờ; Đơn vị không muốn tham gia; Đơn vị nêu gặp khó khăn; Thuê mướn NLĐ làm việc dưới 1 tháng; Thu nhập dưới 2 triệu; NLĐ chỉ hợp đồng cộng tác viên LĐ khoán việc theo luật dân sự, giao khoán sản phẩm; HĐLĐ không đủ 12 tháng trong năm; Trả tiền đóng BHXH vào lương; Đơn vị và NLĐ động thống nhất thỏa thuận không đóng…

Thứ hai, đối với loại hình BHXH tự nguyện được được thực hiện từ ngày 1/1/2008, đối tượng là người dân trên 15 tuổi không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tính đến 31/12/2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 21.574 người tham gia BHXH chiếm tỷ lệ 2,87%, vượt 1,87% chỉ tiêu kế hoạch đề ra (hiện là trên 20.000 người). Tuy số người tham gia BHXH tự nguyện vượt 1,87% chỉ tiêu kế hoạch đề ra nhưng  tỷ lệ này chưa phản ánh đúng thực tế hiện có. Nếu tính tất cả số người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện lần đầu thì con số này gần 34.000 người.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo ông Danh lý do giảm số người tham gia BHXH tự nguyện là do: Chính sách BHXH tự nguyện được đông đảo người dân hưởng ứng, tuy nhiên do dịch bệnh thu nhập của người đóng BHXH tự nguyện và người thân của họ bị giảm nên không thể duy trì được. Bên cạnh việc vận động tuyên truyền người tham gia BHXH bắt buộc và người tham gia BHXH tự nguyện thì công tác tuyên truyền vận động để giữ những người đang tham gia BHXH bị gián đoạn công việc tiếp tục ở lại trong hệ thống cũng rất khó khăn. Thực tế cho thấy số người rút chế độ BHXH một lần trong những năm qua rất lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu đạt tỷ lệ người sau độ tuổi hưởng lương hưu.

Thống kê sau 5 năm (từ năm 2018- 2022), BHXH tỉnh Quảng Nam đã giải quyết 70.020 người hưởng theo chế độ BHXH một lần, bình quân mỗi năm có 14.004 người; trong khi đó số người tham gia còn lại trong hệ thống qua 5 năm tăng chậm, cuối năm 2018 có 178.253 người, đến cuối năm 2022 có 194,067 người, chênh lệch tăng 15.814 người sau 5 năm. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH còn xảy ra, nhất là tình hình nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài với số lượng lớn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ; một số doanh nghiệp nợ đọng BHXH không có khả năng trả nợ, doanh nghiệp có chủ SDLĐ bỏ trốn, mất tích… song chưa có chế tài hoặc hướng dẫn cụ thể để giải quyết quyền lợi cho NLĐ, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Danh, trước những khó khăn, bất cập trên, thời gian tới, ngành BHXH tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHXH, BHYT nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền đối với từng nhóm đối tượng phù hợp với đặc thù ngành nghề; Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đóng, kiểm tra và xử lý các tổ chức, đơn vị chưa đóng hoặc chưa đóng đủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ tại đơn vị cũng như xử đơn vị luôn để nợ đọng, chây ỳ…; Tổ chức lại mô hình vận động người tham gia BHXH tự nguyện theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” gắn với dữ liệu hộ gia đình hiện có và của các tổ chức dịch vụ thu.

Thanh Dũng