Thủ tướng nêu 6 bài học kinh nghiệm từ ngoại giao vaccine
01/12/2022 08:53 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vaccine. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng dự hội nghị.
Báo cáo kết quả triển khai công tác ngoại giao vaccine, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết đến tháng 9/2022, Việt Nam đã nhận tổng số hơn 258 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50% số vaccine tiếp nhận được, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23.000 tỷ đồng).
Về thiết bị y tế, hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương 2.000 tỷ đồng). Về thuốc điều trị, chúng ta đã kịp thời tiếp cận, vận động, nhập khẩu các loại thuốc điều trị mới nhất để phục vụ nhu cầu điều trị trong nước.
Về hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, đã thúc đẩy Tập đoàn AstraZeneca đầu tư 90 triệu USD phát triển lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong 5 nước được Tổ chức Y tế thế giới công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vaccine. Ảnh: VGP
Thông tin về tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết tính đến ngày 29/11/2022, tổng số mũi tiêm tại Việt Nam là hơn 264 triệu mũi; tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đã đạt xấp xỉ 100%; tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đã đạt tương ứng 79,7% và 86,9%. Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 91,5%.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Việt Nam là một trong các nước có tỉ lệ tiêm vaccine cao trên thế giới với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dụng đa dạng các loại vaccine. Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau về trước trong tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Tuy nhiên, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, tiêm vaccine vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng. Tỉ lệ bao phủ vaccine trên cả nước cao, song tại một số địa phương, việc tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm….
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, nhờ kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn (về thu – chi, xuất – nhập khẩu, cân đối lương thực, thực phẩm, cân đối năng lượng, cung cầu lao động); giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy và mở rộng hội nhập và đối ngoại có hiệu quả...
Toàn cảnh Hội nghị.
Thủ tướng nêu rõ, việc kiểm soát được dịch bệnh có những nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng quan trọng nhất là chúng ta đã đề ra chiến lược vacicne phù hợp, đúng đắn, hiệu quả.
Thủ tướng nêu ra 6 bài học kinh nghiệm từ hoạt động ngoại giao vaccine. Một là, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của công đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới
Hai là, nắm chắc diễn biến tình hình, xuất phát từ tình hình thực tiễn để xác định nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Ba là, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm thì cảng phải bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định chủ trương, đường lối, phương pháp, cách làm mà mình thấy là đúng, tất cả vì mục tiêu bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân.
“Ở thời điểm đó, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc mua vaccine như xuất xứ vaccine, giá vaccine…, nhưng chúng ta vẫn xác định phải có được vaccine bằng mọi cách, mọi biện pháp, nếu chập chờn thì tình hình sẽ rất phức tạp”, Thủ tướng lấy ví dụ.
Bốn là, vận động cấp cao có ý nghĩa quyết định, nhưng công tác tham mưu, tư vấn, vận động, tạo điều kiện và sự đeo bám, thúc đẩy quan hệ của các cơ quan đại diện ngoại giao và tinh thần, trách nhiệm của các cấp dưới là hết sức quan trọng.
Năm là, sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp, bởi theo Thủ tướng "có vaccine mà không tiêm được thì cũng rất khó khăn".
Sáu là, ngoại giao vaccine cho chúng ta có thêm những kinh nghiệm quý trong vận động ngoại giao và thực hiện ngoại giao kinh tế.
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, Tổ chức Y tế thế giới dự báo, đại dịch chưa kết thúc và tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, virus có thể tiếp tục biến đổi và hiệu lực miễn dịch của vaccine suy giảm theo thời gian, khoảng một nửa dân số thế giới chưa được tiêm vaccine./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?