Coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng
31/10/2022 06:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cán bộ là gốc của mọi việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ những mục tiêu, yêu cầu về đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh vai trò trọng yếu của công tác tổ chức, cán bộ và khẳng định: Nếu xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác tổ chức, cán bộ của Đảng giữ vị trí then chốt của then chốt.
Hội thảo khoa học về xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng tại tỉnh Phú Thọ ngày 28/10/2022.
Cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng là một bộ phận cấu thành đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị, trực tiếp tham mưu cho cấp ủy những chủ trương, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; về tổ chức, bộ máy, cán bộ, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng.
Đội ngũ tham mưu của cấp ủy
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ trong các cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ luôn là vấn đề được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp đặc biệt chú trọng. Tổng kết công tác từ cấp ủy nhiều địa phương khẳng định, đây là nhiệm vụ rất quan trọng và không ít khó khăn, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt trong tổ chức thực hiện để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ngành tổ chức xây dựng Đảng muốn làm tròn trách nhiệm phải nghiên cứu, tham mưu có hiệu quả, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, từ đó đặt ra trọng trách, yêu cầu đối với đội ngũ và mỗi cán bộ của ngành.
Đảng bộ tỉnh Phú Thọ có 18 đảng bộ trực thuộc với 693 chi bộ, đảng bộ cơ sở và hơn 107 nghìn đảng viên. Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu trao đổi, những năm qua, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng, đạt hiệu quả. Đảng bộ triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế một cách vững chắc, đồng bộ, toàn diện; sớm hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và khu dân cư, đã giảm được 28 đầu mối tổ chức các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, 29 phòng, ban, chi cục và 155 đầu mối đơn vị...
Quá trình trên, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã có được bài học kinh nghiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ tổ chức xây dựng Đảng "vừa hồng", "vừa chuyên". Đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết, cấp bách, là công việc phải được đặt lên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các cấp ủy trong toàn Đảng bộ tỉnh đã chuẩn hóa được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã triển khai các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng. Với nguyên tắc "vì việc chọn người", các khâu chính được tỉnh tập trung từ tuyển chọn đầu vào đến bố trí công tác phù hợp chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo chức danh, vị trí việc làm. Gắn liền với đó, lãnh đạo tỉnh coi trọng siết chặt kỷ cương, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tạo môi trường rèn luyện để cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng phấn đấu trưởng thành.
Đội ngũ cán bộ ngành của Bắc Ninh, những năm gần đây đã có sự phát triển về số lượng và chất lượng, trình độ, năng lực được nâng lên. Toàn tỉnh hiện có gần 49% cán bộ ngành đạt trình độ thạc sĩ, hơn 58% có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Đội ngũ này có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, theo yêu cầu nhiệm vụ. Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung nhìn nhận, đây chính là đội ngũ tham mưu công tác củng cố, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh, lộ trình tỉnh phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa hiện đại, văn minh đạt hiệu quả.
Thực tế ghi nhận ở Yên Bái, từ yêu cầu nhiệm vụ cùng những hạn chế, bất cập trước đây trong lĩnh vực công tác này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái nhiều năm qua đã ban hành các giải pháp, lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành ở tỉnh. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Chu Đình Ngữ cho biết, đội ngũ cán bộ, công chức của ngành được cơ cấu sắp xếp lại với cơ cấu khoa học, hợp lý phục vụ công tác tham mưu, giúp việc hiệu quả. Quá trình này, tỉnh coi trọng đổi mới quy trình đánh giá cán bộ; quan tâm phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí những cán bộ có năng lực vào các chức danh lãnh đạo ở các cấp. Trong cơ chế vận hành, từng cấp ủy duy trì chế độ "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm" gắn với chức trách được giao.
Hiện, cán bộ toàn ngành của tỉnh có 100% đạt trình độ từ đại học trở lên, trong đó trình độ thạc sĩ chiếm 17%; cao cấp, cử nhân lý luận chính trị chiếm 38%; nữ chiếm 42%... Đội ngũ cán bộ ngành được đào tạo cơ bản, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín công tác, góp phần tạo hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy các cấp trong sắp xếp, xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh theo tinh thần đổi mới.
Tựu trung, từ các hội nghị, diễn đàn, tổng kết đánh giá tại các địa phương, đều thống nhất khẳng định, những năm qua đội ngũ của ngành đã làm tốt vai trò tham mưu về công tác tổ chức xây dựng Đảng và công tác cán bộ, góp phần rất quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.
Một số mục tiêu, giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển
Trong bối cảnh tình hình mới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu mới trong xây dựng, phát triển đất nước. Đảng ta xác định: Phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là cán bộ tham mưu cấp chiến lược, chuyên gia đầu ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới. Trong đó, chú trọng lựa chọn và bố trí đúng người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy các cấp...
Thực tế cũng cho thấy, trước yêu cầu nhiệm vụ, bối cảnh tình hình mới, đội ngũ cán bộ của ngành tổ chức xây dựng Đảng cùng với truyền thống, thế mạnh được khẳng định, thì còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đó là, năng lực của một bộ phận chưa đáp ứng được nhiệm vụ, thực tiễn đổi mới. Chất lượng cán bộ chưa đồng đều, một bộ phận còn hạn chế về lý luận và kinh nghiệm thực tiễn. Ở một số địa phương, đội ngũ này "đông nhưng không mạnh", thiếu tư duy đột phá, khoa học cũng như bản lĩnh trong thực thi chức trách, nhiệm vụ. Một bộ phận cán bộ, công chức trong ngành thiếu kinh nghiệm, nghiệp vụ trong ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động chuyên môn. Mặt khác, còn không ít cán bộ của ngành, có cả cán bộ lãnh đạo biến chất, sa sút về phẩm chất, đạo đức lối sống...
Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; đồng thời đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ ngành và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương trao đổi: Xác định tính cấp thiết của việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngành, Ban Tổ chức Trung ương đã triển khai Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Theo đó, nhiều hội nghị, tọa đàm, hội thảo chung quanh chủ đề trên đã được Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố tổ chức.
Mới đây là Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức.
Điểm thống nhất chung của lãnh đạo cấp ủy các cấp, từ các diễn đàn quanh chủ đề trên là việc xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành trong giai đoạn mới cần bám sát, vận dụng sáng tạo yêu cầu, nhiệm vụ về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng; tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ. Đồng thời, phải thường xuyên kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng, tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra vi phạm nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật trong cơ quan, đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Thực tế đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chức năng, nhiệm vụ của ngành tổ chức xây dựng Đảng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt trong tổ chức thực hiện, phải có kế hoạch và giải pháp căn cơ để xây dựng đội ngũ cán bộ ngành.
Trong đó, những nhiệm vụ, vấn đề cơ bản gồm: lựa chọn nhân sự của ngành; bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, phù hợp với trình độ chuyên môn nhằm phát huy năng lực, sở trường, kinh nghiệm của cán bộ; tiếp tục quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ; kiện toàn bộ máy ban tổ chức cấp ủy các cấp tinh gọn, chất lượng; gắn kết giữa đào tạo tại chỗ với chuyển giao nhân sự giữa các thế hệ nhằm bảo đảm tính kế thừa, liên tục, nhất là cán bộ cấp chiến lược phải đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Gắn liền với đó là nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, ban hành nhằm đồng bộ và cụ thể hóa những chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng với các tiêu chí "Đoàn kết, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp" đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao.
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Dương Trung Ý trao đổi ý kiến thể hiện sự thống nhất với lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố về các nội dung, giải pháp cụ thể, đó là: Xây dựng hoàn thiện vị trí việc làm và tiêu chuẩn cán bộ ngành; xác định số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ ngành ở mỗi cấp, mỗi ngành; coi trọng công tác tạo nguồn cán bộ cho ngành ở các cấp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp; đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá, bố trí, đề bạt sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ; đẩy mạnh luân chuyển cán bộ trong hệ thống chính trị, các lĩnh vực công tác gắn liền rèn luyện phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp của cán bộ ngành; triển khai có hiệu quả chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, lệch chuẩn...
Đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng đóng vai trò quan trọng; không chỉ yêu cầu cao về phẩm chất, năng lực, có uy tín mà còn phải nắm thật vững đường lối, chủ trương, quy định, quy chế của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao ý thức, phẩm chất, tác phong gương mẫu, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng trong tham mưu từng khâu của công tác cán bộ. Qua đó, không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; không để xảy ra vi phạm nguyên tắc của Đảng, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật trong cơ quan, đội ngũ cán bộ ngành. Tựu trung là phải bảo đảm làm sao đội ngũ cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung, ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững sự tin tưởng của Đảng và nhân dân đối với công tác tổ chức cán bộ.
Theo Báo Nhân dân
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?