Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá
20/09/2022 08:53 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 19/9/2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Giá sửa đổi. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chính phủ đề nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá do đây là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân.
Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi Luật Giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá: Sau 9 năm thi hành, Luật Giá đạt phát huy được nhiều kết quả tích cực. Đó là, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Công tác quản lý, điều tiết giá được thực thi hiệu quả gắn với việc đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo đã giúp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong cả giai đoạn vừa qua. Đặc biệt, trong giai đoạn giá cả có nhiều biến động lớn do chịu ảnh hưởng từ diễn biến dịch bệnh hoặc bất ổn địa chính trị thế giới.
Các biện pháp điều tiết giá đã phát huy tác dụng (bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá, kê khai giá, niêm yết giá), là công cụ pháp lý để xử lý những vấn đề phát sinh, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Danh mục các mặt hàng do Nhà nước quản lý như định giá, bình ổn giá, kê khai giá thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước trong việc quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, gắn với việc phân công, phân cấp để làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện.
Phát triển nghề thẩm định giá nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu của xã hội, góp phần quan trọng giúp các cơ quan Nhà nước ra các quyết định liên quan đến mua bán tài sản, bảo đảm sử dụng nguồn lực Nhà nước hiệu quả.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, quá trình thi hành Luật Giá cũng bộc lộ nhiếu bất cập, hạn chế cần sớm được tháo gỡ như đối với biện pháp định giá, bình ổn giá, các biện pháp điều tiết giá khác, dịch vụ thẩm định giá, chưa phát huy hết hiệu quả công tác tổng hợp, phân tích, dự báo khi chưa có quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động này…
Tại dự thảo Luật Giá sửa đổi, Chính phủ dự kiến bổ sung thêm 2 mặt hàng vào diện quản lý giá là sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng.
Thẩm tra vấn đề trên, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu. Giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa, không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm quyền lợi của người dân. Đồng thời, cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng đồng tình với việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá bởi sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân.
Riêng dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ có nghị quyết riêng trình Quốc hội ban hành thực hiện.
Như vậy, qua rà soát đối với 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ đã đưa ra khỏi danh mục 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ và bổ sung thêm 2 nhóm hàng hóa, dịch vụ vào danh mục. Danh mục cụ thể sẽ gồm 40 nhóm hàng hóa, dịch vụ định giá.
Về thẩm quyền và trách nhiệm định giá, cơ quan soạn thảo cho biết, đã bám sát định hướng chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý Nhà nước về giá nói chung cũng như định giá của Nhà nước nói riêng.
Theo đó, dự thảo Luật đã bỏ cấp định giá Chính phủ và quy định rõ nguyên tắc xác định thẩm quyền định giá của Thủ tướng Chính phủ, cấp bộ và cấp UBND tỉnh.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược, đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân.
Bộ Tài chính định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý, hàng hóa dịch vụ thuộc nhiều ngành, lĩnh vực quản lý và ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước.
Bộ, cơ quan ngang bộ định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi chuyên ngành, quản lý theo quy định của pháp luật.
HĐND, UBND cấp tỉnh định giá hàng hóa, dịch vụ có tính địa bàn theo phạm vi quản lý.
Đề cập đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến thường trực ủy ban này tán thành đề xuất của Chính phủ về duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi đây là công cụ điều tiết giá loại nhiên liệu này trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính.
Theo ông Cường, trong bối cảnh hiện nay, thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều hành của Nhà nước. Quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ quỹ hiện tại là chưa phù hợp.
Ngoài ra, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu. Quỹ này cũng giúp giảm biên độ biến động của giá, từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát.
Do đó, khi giá thế giới còn biến động khó lường, với điều kiện chống chịu hiện tại của Việt Nam, khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (10 ngày), thì trước mắt vẫn cần duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, trong dự thảo luật chỉ nên nêu trong điều khoản chuyển tiếp, không nhất thiết quy định thành điều khoản riêng, điều hành quỹ cần linh hoạt hơn, tăng trách nhiệm, công khai, minh bạch. Nên cần có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế.
Theo Chinhphu.vn
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?