BHXH các địa phương thuộc cụm số 4: Tăng cường công tác phối hợp tạo biến chuyển trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT
24/08/2022 08:53 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 23/8, tại Sơn La, Đoàn Công tác số 3 (BHXH Việt Nam) do Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Cụm 4, gồm BHXH 8 địa phương: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác thu; công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; công tác KCB BHYT.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu BHXH các tỉnh báo cáo những vấn đề còn vướng mắc trong công tác đôn đốc thu, phát triển đối tượng, công tác khám chữa bệnh BHYT ... trên địa bàn theo kế hoạch được giao trong 6 tháng đầu năm đồng thời nêu những phương hướng trong 6 tháng cuối năm. "Tất cả các địa phương đều phải dựa trên tình hình thực tế tại địa phương kiến nghị những nội dung cụ thể để qua đó các đơn vị nghiệp vụ BHXH Việt Nam sẽ có những tháo gỡ xác đáng" Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc BHXH tỉnh Điện Biên Trần Minh Tuấn cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, số người tham gia BHXH bắt buộc tại địa bàn đạt 37.284 người, đạt 95,1% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao 1.939 người; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 13.028 người, đạt 59,3% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao 8.944 người; số người tham gia BHYT đạt 597.083 người, đạt 99,3% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao 4.423 người.
Toàn cảnh Hội nghị
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BHXH tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của BHXH Việt Nam, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối kết hợp của các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh. Luật BHXH, BHYT và Luật BHXH sửa đổi, Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật BHYT là cơ sở pháp lý quan trọng trong quá trình tổ chức, triển khai, thực hiện các chính sách BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn. Các quy trình nghiệp vụ của Ngành luôn đổi mới phù hợp với yêu cầu triển khai đồng bộ, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHTN, BHYT.
Tuy nhiên, trong thời gian những tháng đầu năm Điện Biên vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng thời người lao động tại địa bàn có xu hướng dịch chuyển sang những địa phương khác. Mặc dù BHXH tỉnh Điện Biên đã có những tham mưu với UBNd tỉnh trong việc giữ chân người lao động nhưng do đặc thù Điện Biên không có doanh nghiệp lớn nên việc giữ chân và phát triển người tham gia hiện rất khó khăn.
Tháng 7/2022, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã phần nào ổn định so với các tháng đầu năm, nhưng đời sống nhân dân đặc biệt là người dân tộc thiểu số (chiếm 72% dân số tỉnh Điện Biên) còn nhiều khó khăn dẫn đến không có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện do mức đóng cao. Hiện nay, mức đóng thấp nhất của người tham gia BHXH tự nguyện thay đổi (từ đầu năm 2022) gắn với chuẩn nghèo theo khu vực nông thôn, tăng 2,15 lần so năm 2021 nên người dân miền núi khó lựa chọn mức đóng thấp nhất khi tham gia BHXH tự nguyện.
Về kết quả thực hiện dự toán chi KCB BHYT 7 tháng đầu năm 2022, BHXH tỉnh đã phối hợp tổ chức thẩm định, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT cho 348.219 lượt người, số tiền là: 223.950 triệu đồng, giảm 40.403 lượt người (10,4%), tiền tăng 10 triệu đồng với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ sử dụng dự toán năm là 49,07% so với dự toán giao cả năm.
Trong quý I năm 2022 trên địa bàn dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các cơ sở KCB tập chung cho công tác phòng chống dịch, nhiều cơ sở KCB chỉ tiếp nhận bệnh nhân nặng, nhiều đơn vị được chuyển thành cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, bệnh nhân tâm lý lo sợ khi vào các cơ sở KCB nên mua sử dụng thuốc tại các nhà thuốc hoặc phòng khám tư nhân, nên số bệnh nhân điều trị tại các cơ sở KCB BHYT 3 tháng đầu năm giảm, dẫn đến chi phí giảm. Sang quý II/2022 tình hình dịch bệnh tạm ổn định, bệnh nhân đi khám sau nhiễm Covid-19 tăng, đồng thời do khí hậu thay đổi, dịch cúm A xuất hiện, số lượng bệnh nhân đi khám tại tất cả các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đều tăng do vậy chi phí KCB quý II/2022 tăng so với quý I/2022 (tăng 28.635 lượt (22,31%), số tiền tăng 30.110 triệu đồng (39,72%)). Hiện tại số lượng bệnh nhân đi khám tại tất cả các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đều tăng nhiều do vậy chi phí KCB ước 6 tháng cuối năm tăng cao.
Giám đốc BHXH tỉnh Hà Giang Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu tại Hội nghị
Tại Hà Giang, Giám đốc BHXH tỉnh Hà Giang Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết Bảo hiểm xã hội tỉnh đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Hà Giang (Quyết định số 2055/QĐ-UBND, ngày 05/11/2020), do đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo. BHXH các huyện cũng tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp huyện; Tham mưu HĐND đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương về tỷ lệ bao phủ BHXH theo Nghị quyết số 69/NQ-CP của Chính phủ, chỉ tiêu bao phủ BHYT theo Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đến thời điểm báo cáo, BHXH tỉnh đã phối hợp cùng các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 về Bổ sung chỉ tiêu kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; theo Nghị quyết, phấn đấu đến năm 2025 “Tỷ lệ tham gia BHXH Bắt buộc đạt 19% tổng số LLLĐ của tỉnh; BHXH tự nguyện đạt 12% LLLĐ của tỉnh; BHTN đạt 19% tổng số LLLĐ trong độ tuổi có khả năng tham gia BHTN; Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 97,25%”.
Tính đến hết tháng 7/2022, số người tham gia BHXH bắt buộc là 44.494/47.260 người, đạt 94,15% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao 2.766 người; BHXH tự nguyện đạt 10.777/18.988 người, đạt 56,76% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao 8.211người; số người tham gia BHYT là 850.416/855.410 người, đạt 99,42% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao 4.994 người.
Hà Giang là một trong những tỉnh khó khăn của miền núi phía bắc, nguồn thu từ ngân sách thấp, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoạt động trên địa bàn phần lớn có quy mô nhỏ, người lao động chủ yếu đã hết tuổi lao động, một số doanh nghiệp xây dựng có sử dụng nhiều lao động lại rơi vào lao động theo thời vụ, khoán việc theo công trình, do vậy rất khó khăn cho việc khai thác phát triển người tham gia. Trong những năm gần đây số lao động tham gia BHXH bắt buộc có xu hướng giảm do người tham gia tại nhóm HCSN, xã phường thị trấn theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ, Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 19/6/2015 của Chính phủ, mỗi năm giảm khoảng 450 người. "Trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp không đủ nguồn lực thu hút nguồn lao động tại địa phương, người dân trong độ tuổi lao động thường đi lao động tại các khu công nghiệp ở địa phương khác có thu nhập cao hơn, chế độ đãi ngộ với người lao động tốt hơn." Bà Hương cho biết.
Về công tác KCB BHYT, trong 7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Hà Giang có tỷ lệ người bệnh vào điều trị nội trú là 18,7% so với toàn quốc (10%), so với cùng kỳ 2021 là 18,9% có giảm nhưng vẫn còn cao so với toàn quốc và trong khu vực.
Hằng năm, BHXH tỉnh đã chủ động cử cán bộ là bác sỹ, dược sỹ có trình độ, kinh nghiệm tham gia đấu thầu thuốc tại Sở Y tế tổ chức theo kế hoạch đã phê duyệt của UBND tỉnh. Trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giám định điện tử, liên thông dữ liệu trên Hệ thống thanh toán BHYT ở tất cả 22/22 cơ sở KCB BHYT. Hàng quý, thực hiện việc thống nhất với các cơ sở KCB trong việc chọn mẫu, giám định thanh toán BHYT với tỷ lệ 30% số hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT...
Tuy nhiên, BHXH tỉnh vẫn gặp phải những khó khăn về trình độ cán bộ giám định viên tuyến huyện chủ yếu là Y sỹ, chuyên ngành khác, do đó chất lượng công tác giám định còn hạn chế... Hằng năm, Sở Y tế tổ chức đấu thầu thuốc, VTYT tập trung cấp địa phương cho tất cả các cơ sở KCB trên địa bàn toàn tỉnh theo nhu cầu thực tế đề xuất của các CS KCB; việc cung ứng thuốc và VTYT luôn đảm bảo theo kế hoạch đấu thầu và hợp đồng cung ứng giữa các bên.
Còn tại Lào Cai, tính đến thời điểm tháng 7/2022, toàn tỉnh hiện có 59.430 người tham gia BHXH bắt buộc:, đạt 94,9% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao 3.209 người; số người tham gia BHXH tự nguyện là 8.629 người, đạt 52,28% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao 7.875 người; số người tham gia BHYT: 684.230 người, đạt 5,56% so với năm 2021, đạt 93,4% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao 48.472 người. Bảy tháng đầu năm 2022, BHXH tỉnh Lào Cai vận động mới được 2.064 người tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên số người không tiếp tục tham gia bị giảm đi là 2.356 người (chủ yếu do thay đổi mức đóng nên không đủ điểu kiện kinh tế tiếp tục tham gia).
Trong 7 tháng đầu năm 2022, chi phí KCB trong toàn tỉnh Lào Cai giảm 23.764 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021, do đầu năm 2022 dịch Covid tác động, người tham gia BHYT hạn chế đi KCB tại các cơ sở y tế, khi phải điều trị nội trú mới đến cơ sở KCB. Sau dịch Covid đã ổn định, số lượng người tham gia BHYT đi khám bệnh tăng nhanh, tuy nhiên các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn đã có sự điều chỉnh, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí KCB.
BHXH tỉnh và Sở Y tế phối hợp thanh tra, kiểm tra các cơ sở KCB BHYT thực hiện các quy định về công tác KCB BHYT, phối hợp kiểm soát tỷ lệ điều trị nội trú, tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng KCB BHYT theo đúng Chỉ thị của Bộ Y tế nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; đồng thời sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả, yêu cầu các đơn vị không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thực sự cần thiết.
Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La Thiều Quang Ngãi phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo Phó Tổng Giám đốc tại Hội nghị, Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La Thiều Quang Ngãi cho biết, 7 tháng đầu năm, BHXH tỉnh Sơn La phát triển đc 59.811/63.506 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 94,18% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao 3.695 người; 29.845/45.513 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 65% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao 15.668 người; số người tham gia BHYT đạt 1.147.273/1.195.029 người, đạt 96 % kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao 47.756 người.
"Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng hơn 3,3 nghìn người, tuy nhiên các doanh nghiệp trên địa bàn Sơn La không tăng, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; BHXH tự nguyện tăng trên 10.000 người, thực tế tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện tại tháng 12/2021 ở mức thu nhập dưới 1.500.000 đồng chiếm 71,4%, nên khi mức chuẩn nghèo năm 2022 tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng, người dân không có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện dẫn đến số người tham gia giảm mạnh; Số người tham gia BHYT tại các xã vùng II, III tiếp tục giảm do trong 7 tháng đầu năm 2022 có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới, người dân không được NSNN hỗ trợ mua thẻ BHYT giảm 15.600 người. Số lao động đi làm việc ngoài tỉnh đến tháng 7/2022 trên 81.000 người ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu BHXH." Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La cho biết.
Đặc thù người lao động trên địa bàn tỉnh Sơn La là người dân tộc thiểu số, đi làm công theo ngày; công việc chủ yếu mùa vụ không ổn định do đó không ký HĐLĐ nên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, số lượng CCCD chưa được đồng bộ với cơ sở dữ liệu BHXH trên địa bàn tỉnh còn nhiều, khó khăn cho người dân trong thực hiện các TTHC khi tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Đề nghị Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam chia sẻ dữ liệu chi tiết thẻ BHYT đã đồng bộ, chưa đồng bộ với dữ liệu CCCD theo mã đơn vị để tỉnh xây dựng kế hoạch rà soát, bổ sung CCCD...
Sau khi nghe ý kiến đánh giá về những khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo các vụ, ban nghiệp vụ đã đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT xuống mức thấp nhất; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, nhất là thực hiện Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025…
Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào phát biểu tại Hội nghị
Khẳng định tại Hội nghị, Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào nhấn mạnh về hiệu quả công tác thanh tra. Theo đó, tất cả các đơn vị sau thanh tra ban hành quyết định xử phạt hành chính thì tỷ lệ thu hồi nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt gần 80%. Vì vậy, Trưởng Ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ yêu cầu các địa phương cần phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác thanh tra. Bên cạnh đó, các địa phương phải chủ động ngay với cơ quan thuế địa phương để xin dữ liệu sớm nhất rà soát vận động người tham gia BHXH, BHYT.
Vụ phó Vụ Thanh tra- Kiểm tra yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Tiếp tục bổ sung hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành và kiểm tra của BHXH Việt Nam; tăng cường hoàn thiện các phương pháp thực hiện thanh tra, kiểm tra; xây dựng phần mềm hỗ trợ hoạt động thanh tra kiểm tra, rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp.
Về công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) Nguyễn Hoà Bình nhận định, các BHXH thuộc cụm số 4 đều là các tỉnh miền núi có số người dân tộc thiểu số cao, bị ảnh hưởng bởi quyết định 861 nên BHXH các địa phương cần tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT với nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số thông qua người uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản... "Đặc biệt chú trọng thực hiện tuyên truyền trực tiếp đối với nhóm này, đối với những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, có thể sử dụng những sản phẩm truyền thông sang phiên bản tiếng dân tộc để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác tuyên truyền với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số" Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) Tô Hồng Lương
Đánh giá cao công tác liên thông dữ liệu tại hai BHXH tỉnh Sơn La và Lai Châu, Phó Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) Tô Hồng Lương đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện công tác giám định BHYT theo đúng Quy trình giám định BHYT, đảm bảo thanh toán chi phí KCB BHYT theo đúng quy định; khai thác triệt để các thông tin trên phần mềm giám sát và CSDL tập trung để kịp thời kiểm tra, rà soát tại các cơ sở KCB có gia tăng chi phí đột biến, thay đổi bất thường, các cảnh báo trên Hệ thống thông tin Giám định BHYT; triển khai các chuyên đề của Trung tâm xây dựng, chủ động xây dựng các chuyên đề riêng theo đặc thù của tỉnh. Phối hợp với cơ sở KCB BHYT kiểm tra, rà soát để chuẩn hóa và cập nhật đầy đủ, chính xác lên Hệ thống thông tin Giám định BHYT các danh mục dùng chung, nhất là thông tin của cơ sở KCB, đảm bảo đầy đủ, chính xác theo đúng hướng dẫn tại mục 1 và 2 Công văn số 1731/BHXH-GĐĐT ngày 18/6/2021 về việc chuẩn hóa danh mục, dữ liệu điện tử và cập nhật, báo cáo kết quả giám định BHYT.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu kết luận tại Hội nghị
Kết luận tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đã biểu dương tinh thần nhìn nhận thẳng vấn đề của BHXH các địa phương thuộc cụm 4. Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu BHXH các địa phương thuộc cụm số 4 cần thường xuyên cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đơn vị, số lao động chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc để xây dựng kế hoạch khai thác, phát triển. Đồng thời, mở hội nghị tư vấn, đối thoại với đơn vị chưa đóng, chưa đóng đầy đủ BHXH, BHYT bắt buộc cho người lao động.
Các địa phương tiếp tục công tác thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Hằng tháng báo cáo BHXH Việt Nam, cấp uỷ, chính quyền địa phương về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động, kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý; tập trung đẩy mạnh thanh tra đột xuất đối với những đơn vị nợ thời gian dài, đặc biệt tại các đơn vị có số nợ lớn, kiên quyết phối hợp xử lý, chấn chỉnh các cá nhân, đơn vị vi phạm chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực thi công việc; hoàn thiện các quy trình như quy trình giám định, quy trình hạch toán quỹ; đánh giá toàn diện về việc sử dụng vật tư y tế;... Đồng thời, phối hợp cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Đặc biệt, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu BHXH các địa phương đẩy mạnh rà soát chi phí KCB BHYT đảm bảo đúng quy định, không để các cơ sở KCB thiếu kinh phí nhưng bên cạnh đó phải đảm bảo tốt công tác giám định chi phí, không để xảy ra tình trạng trục lợi quỹ KCB BHYT. Trong đó, phối hợp với các cơ sở KCB tiếp tục rà soát các chi phí KCB BHYT chưa được thanh toán trước năm 2021 để dứt điểm, không kéo dài. Thực hiện tạm ứng, quyết toán đúng quy định, đảm bảo tiến độ.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?