Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn: Nhận định và đánh giá chính xác tiềm năng để phát triển người tham gia một cách bền vững
17/08/2022 09:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 16/8/2022, tại Lâm Đồng, Đoàn Công tác số 4 do Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn trưởng đoàn đã có buổi làm việc nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT và công tác KCB BHYT cho BHXH các tỉnh thuộc Cụm số 7. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH 7 tỉnh, thành phố: Lâm Đồng, Tây Ninh, Kon Tum, Đắc Lắk, Gia Lai, Đắc Nông, Bình Phước.
Đến thời điểm hiện tại, BHXH các tỉnh thuộc Cụm số 7 (BHXH Việt Nam) đã hoàn tất chuyển giao mạng lưới nhân viên Đại lý thu cho các tổ chức dịch vụ thu theo Quyết định 1155. Về hình thức, việc chuyển giao diễn ra tốt đẹp, trừ việc 1 trong 3 đơn vị đã ký kết với BHXH Việt Nam là Viettel chưa tham gia hoạt động này tại hầu hết 7 địa phương (chỉ Bưu điện và PVI phối hợp thực hiện). Bù lại, BHXH một số địa phương đã mở rộng thêm tổ chức dịch vụ thu (Kontum 7 đơn vị, Đắk Lắk 21 đơn vị...) từ các đơn vị, DN có chức năng thu ủy quyền BHXH, BHYT theo quy định. Theo nhận định chung từ BHXH các tỉnh thuộc Cụm số 7, thời gian đầu, việc triển khai Quyết định 1155 còn hạn chế. Dẫn đến trong 7 tháng qua, số người tham gia BHXH tự nguyện và kết quả phát triển mới người tham gia BHYT hộ gia đình của Cụm giảm nhiều so cùng kỳ.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát triển người tham gia BHXH, BHYT là vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại hội nghị. Lãnh đạo BHXH các tỉnh thuộc Cụm số 7 dẫn số liệu thực tế 7 tháng qua về người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT để nêu bật khó khăn và những đề xuất liên quan. Hiện lao động tham gia BHXH bắt buộc và người tham gia BHXH tự nguyện, các địa phương đều còn khoản cách khá xa so với chỉ tiêu năm 2022. Tính ra, từ nay đến cuối năm, các địa phương chạy nước rút mới có thể hoàn thành nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc BHXH tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Huấn cho biết: BHXH tỉnh Tây Ninh đã bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai thanh lý Hợp đồng BHXH, BHYT đã ký theo quy định tại Quyết định số 1599/QĐ-BHXH và triển khai thực hiện Quyết định số 1155/QĐ-BHXH toàn bộ 09 huyện, thị xã, thành phố. Chủ động tham mưu, báo cáo các nội dung chuẩn bị triển khai và mời lãnh đạo UBND cấp huyện, UBND cấp xã tham dự Hội nghị. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã thực hiện rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động các Tổ chức dịch vụ trên địa bàn; xem xét, thẩm định những tổ chức dịch vụ có khả năng đảm bảo các điều kiện để tổ chức thu BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng. Triển khai thực hiện ký hợp đồng ủy quyền thu BHXH BHYT với các tổ chức dịch thu theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam. BHXH tỉnh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các BHXH huyện, thị xã triển khai Hợp đồng ủy quyền thu BHXH, BHYT qua hệ thống các Tổ chức dịch vụ thu do BHXH tỉnh ký kết. Đến ngày 31/07/2022, BHXH tỉnh Tây Ninh đã ký hợp đồng ủy quyền thu BHXH, BHYT trong phạm vi toàn tỉnh với 03 Tổ chức dịch vụ thu và 01 Tổ chức dịch vụ thu thuộc địa bàn huyện.
Giám đốc BHXH tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Huấn phát biểu tại Hội nghị
BHXH tỉnh Tây Ninh cũng chủ động xây dựng và triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT; thực hiện tốt công tác thu và giảm nợ đọng; giải quyết nhanh chóng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người dân trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia; thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường giải pháp để kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT; kiện toàn tổ chức bộ máy BHXH tỉnh, huyện; nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức,…
"Tuy nhiên, Dữ liệu Thuế rà soát các đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN đầy đủ cho người lao động chưa được cập nhật thường xuyên dẫn đến khó khăn trong công tác đối chiếu, rà soát dữ liệu. Đồng thời, nhóm người tham gia BHYT theo hộ gia đình nông lâm ngư và cận nghèo tại địa bàn giảm sâu so với năm 2021, do chính sách hỗ trợ của nhà nước chỉ có hiệu lực đến 31/12/2021 nên sau thời điểm này nhiều hộ gia đình vẫn chưa đủ điều kiện tự tham gia mà lại hết hỗ trợ nên đã "lọt lưới" an sinh. BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ cho 2 nhóm người tham gia này, nhưng đến nay chưa được thông qua... Bên cạnh đó, một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ về chính sách BHXH, BHYT nên chưa chủ động tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là chỉ tham gia BHYT khi khi phát sinh nhu cầu khám, chữa bệnh..." ông Huấn cho biết.
Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum Vũ Mạnh Chữ báo cáo tình hình phát triển người tham gia BHXH, BHYT tại địa phương
Báo cáo Phó Tổng Giám đốc về tình hình phát triển người tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương, Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum Vũ Mạnh Chữ cho biết, cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 12.720 người tham gia BHXH tự nguyện, vượt 9,5% chỉ tiêu được giao năm 2021. Đầu năm 2022, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng lên, đồng nghĩa với quyền lợi của người tham gia được nâng lên, tuy nhiên, do chưa hiểu rõ ý nghĩa của vấn đề này, nên người lao động còn e ngại, chần chừ, thậm chí dừng tham gia, mặc dù BHXH tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các Sở, ban ngành, UBND các cấp, các hội đoàn thể, các Đại lý thu tăng cường công tác tuyên truyền về sự thay đổi mức đóng này cũng như mức hỗ trợ của Nhà nước cũng tăng thêm nhưng số người tham gia vẫn sụt giảm đáng kể, cụ thể: Trong 07 tháng đầu năm đã thực hiện phát triển mới được 2.815 người, tuy nhiên đã có 2.698 người dừng đóng, trong đó có những người đã có thời gian tham gia BHXH tự nguyện trên 01 năm.
Số người tham gia chọn đóng BHXH tự nguyện ở mức chuẩn nghèo nông thôn 1.500.000 đồng/tháng khá lớn, chiếm 60% so với tổng số người đang tham gia trên địa bàn tỉnh, chủ yếu nằm ở các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn: Kon Plong 84,97%, Ia H’Drai 78,87%, Kon Rẫy 73,88%, Đăk Glei 72,18%... đã phần nào làm ảnh hưởng tới công tác duy trì người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn mới.
Về công tác phát triển người tham gia BHYT, ông Chữ cho biết, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến số người giảm thẻ BHYT tổng cộng của 25 xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 37.909 người, đồng thời từ ngày 1/1/2022 trên địa bàn tỉnh có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng người dân sinh sống trên địa bàn một số thôn của các xã này không thuộc thôn đặc biệt khó khăn bị giảm thẻ với số lượng 5.149 người. Tổng số người bị giảm thẻ 43.058 người. Với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp của BHXH tỉnh, tính đến 31/7/2022 còn khoảng 21.066 người (chiếm 48,9% tổng số giảm) chưa tham gia lại BHYT, nguyên nhân: Còn nhiều hộ gia đình rất khó khăn về kinh tế không có điều kiện để mua thẻ BHYT. Đồng thời, có một số lớn người dân ở các xã này, đi làm ăn xa, nhưng không làm thủ tục giảm người ở hộ khẩu của gia đình, nay không còn được hưởng chính sách, trở lại tham gia BHYT ở các tỉnh khác.
Tại Đắk Lắk, tính đến 31/7, toàn tỉnh có 103.727/109.048 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 95,12% so với kế hoạch giao, tăng 1.650 người so với cuối năm 2021, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao là 5.321 người; 17.888 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 60 % kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao 11.888 người; 1.592.940 người tham gia BHYT, đạt 94,93% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao 84.946 người.
Phó Vụ Trưởng Vụ Thanh tra- Kiểm tra Phạm Tuấn Cường phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo BHXH các tỉnh thuộc Cụm số 7 chia sẻ thông tin liên quan đến tiềm ẩn nguy cơ hụt thuốc BHYT. Theo đó, ngoài số ít địa phương hạn thầu trước còn đến giữa năm 2022, hầu hết hạn thầu đều rơi vào cuối năm 2022. Dù hiện chưa có địa phương nào trong nhóm này thiếu hụt thuốc BHYT, song Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đã đề nghị các BHXH tỉnh nhanh chóng tham mưu chính quyền tỉnh chuẩn bị hoạt động đấu thầu thuốc mới. Bởi hoạt động đấu thầu thuốc BHYT không kịp thời tổ chức sẽ tiềm ẩn rủi ro hụt thuốc BHYT sau năm 2022. Mặc dù phía BHXH không tham gia vào hoạt động đấu thầu VTYT, chỉ tham gia hoạt động đấu thầu thuốc BHYT, song đại diện Ban Thực hiện Chính sách Y tế cũng khuyến cáo lãnh đạo BHXH các địa phương tranh thủ tham mưu chính quyền tỉnh vấn đề này.
Báo cáo Phó Tổng Giám đốc Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk việc đấu thầu VTYT, hóa chất được thực hiện riêng lẻ tại các cơ sở KCB. Đa số các cơ sở đã cung ứng đầy đủ VTYT và hóa chất để đảm bảo công tác KCB cho người có thẻ BHYT. Vướng mắc chủ yếu ở Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên là bệnh viện hạng I, tuyến tỉnh nên nhu cầu sử dụng vật tư y tế rất lớn. Tình trạng thiếu các VTYT tiêu hao xảy ra ở BV tại một số thời điểm, bệnh nhân phải tự túc một số loại VTYT như găng tay, bông băng gạc, dây truyền máu, sonde dẫn lưu, … Một số hóa chất xét nghiệm không có nên bệnh viện phải chuyển mẫu đến cơ sở khác … BHXH tỉnh đã nhiều lần làm việc với bệnh viện (có ghi nhận trong Biên bản làm việc) và phản ánh với SYT trong các cuộc họp liên ngành tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Ủy ban nhân dân, Sở Y tế và bệnh viện đã có nhiều cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc tuy nhiên các giải pháp chỉ đạo cũng chỉ mang tính nhắc nhở, đôn đốc do vướng nhiều về hành lang pháp lý.
Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Đỗ Ngọc Thọ phát biểu tại Hội nghị
Tại Kon Tum, qua rà soát, các gói thầu mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương và các gói thầu mua sắm VTYT tại các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều còn hiệu lực đến hết năm 2022. Do đó, không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, VTYT phục vụ KCB BHYT tại các cơ sở KCB; quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được đảm bảo đầy đủ, đúng quy định. Ngay sau khi nhận được Công văn số 1576/BHXH-CSYT ngày 14/6/2022 của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn số 1002/BHXH-GĐBHYT ngày 16/6/2022 về việc phối hợp đảm bảo cung ứng thuốc, VTYT phục vụ KCB BHYT gửi Sở Y tế tỉnh Kon Tum để phối hợp chỉ đạo thực hiện. Ngày 21/6/2022, Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn số 2733/SYT-NVYD về việc bảo đảm cung ứng thuốc, VTYT phục vụ KCB BHYT.
BHXH tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định thành lập Tổ tham gia đấu thầu thuốc của BHXH tỉnh Kon Tum theo đúng quy định tại Quyết định số 3015/QĐ-BHXH ngày 15/12/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quy định về việc tham gia đấu thầu thuốc của cơ quan BHXH tại các cơ sở y tế và thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Thông tư số 15/2019/TT-BYT và các quy định hiện hành về đấu thầu thuốc. Tuy nhiên, đấu thầu thuốc cấp địa phương giai đoạn 2019-2020 và giai đoạn 2021-2022, BHXH tỉnh Kon Tum không tham gia công đoạn xây dựng KHLCNT vì không có đủ nhân lực chuyên môn Y, Dược để tham gia công đoạn này.
Công tác đấu thầu thuốc thường kéo dài trong khi nhân lực của BHXH tỉnh tham gia vào công tác đấu thầu còn hạn chế về số lượng, trình độ chuyên môn Y, Dược do đó gặp nhiều khó khăn, hạn chế khi tham gia các Hội đồng đấu thầu thuốc tại địa phương. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trên, BHXH tỉnh Kon Tum kiến nghị bãi bỏ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 77 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và khoản 5 Điều 50 Thông tư số 15/2019/TT-BYT để BHXH tỉnh tập trung nhân lực phân tích, giám định chuyên đề chung và giám định, thanh toán chi phí thuốc khi cơ sở thực hiện mua sắm, sử dụng và đề nghị quỹ BHYT thanh toán nhằm nâng cao hiệu quả quỹ BHYT trong thanh toán thuốc.
Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Nông Võ Thị Ái Liễu phát biểu tại Hội nghị
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Nông Võ Thị Ái Liễu, hiện tại tỉnh Đắk Nông vẫn đảm bảo cung ứng thuốc cho người bệnh tham gia BHYT theo đúng quy định, BHXH tỉnh Đắk Nông chưa nhận được đơn thư khiếu nại về tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y tế, trong thời gian giao thời giữa các gói thầu, SYT đã ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở mua sắm trong các trường hợp cấp bách như Công văn số 1198/SYT-NVYD ngày 25/5/2022 V/v hướng dẫn mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập trong trường hợp cấp bách, Công văn số 1336/SYT-NVYD ngày 13/06/2022 V/v mua, sử dụng Vị thuốc cổ truyền theo kết quả lựa chọn nhà thầu năm 2021 – 2022, Công văn số 1330/SYT-NVYD ngày 13/6/2022 V/v các đơn chủ động tìm nguồn thuốc thay thế cho các thuốc đã trúng thầu, thuốc tăng số lượng nhưng bị đứt nguồn cung ứng do dịch bệnh Covid-19, cũng như điều chuyển từ nơi thừa qua nơi thiếu (gói thầu mua thuốc giai đoạn 2022-2023 đang chuẩn bị chuẩn bị thẩm định gói tài chính dự kiến trong tháng 9 sẽ có kết quả). Khó khăn hiện nay là tình trạng thiếu vị thuốc y học cổ truyền do vướng Thông tư 38.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu tại Hội nghị
Đối với VTYT do tỉnh Đăk Nông kỹ thuật chưa phát triển nên việc thiếu VTYT cho các DVKT cao chi phí lớn như các tỉnh khác chưa xảy ra, mặt khác do tỉnh Đắk Nông đã phân cấp việc mua sắm VTYT giao cho các cơ sở tự xây dựng và mua sắm nên việc thiếu VTYT chỉ xây ra cục bộ tại một số đơn vị. Sau khi xây ra thiếu VTYT thì các cơ sở xin chủ trương SYT trình UBND tỉnh cho phép mua các gói thầu dưới 100 triệu để đáp ứng kịp thời việc thiếu VTYT tại đơn vị.
Chia sẻ khó khăn trong vấn đề phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN với BHXH các tỉnh thuộc Cụm số 7, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn yêu cầu BHXH các địa phương dự hội nghị khẩn trương tham mưu chính quyền tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT và giao chỉ tiêu đến cơ sở; nhận định tiềm năng phát triển BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHYT HSSV một cách bền vững. "Căn cứ tình hình địa phương, có các giải pháp cụ thể trong công tác thu nợ, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, thanh tra, kiểm tra đột xuất; điều chỉnh, lựa chọn hình thức thanh tra, kiểm tra phù hợp với từng đơn vị; linh hoạt các phương pháp triển khai, đảm bảo thu hồi được tối đa các khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN."- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?