Việt Nam sẽ bắt đầu thời kỳ dân số già từ năm 2036
26/07/2022 02:23 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về dân số-phát triển”.
Thông tin tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Mai- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong công tác dân số. Cụ thể: Tuổi thọ trung bình của người dân tăng đáng kể, trong giai đoạn 1989-2021 tăng từ 65,2 tuổi lên 73,7 tuổi; chất lượng dân số được cải thiện, khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII và tiếp tục duy trì đến nay. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh và chính thức bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007. Dân cư phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, tình trạng suy dinh dưỡng và tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh đã giảm...
Toàn cảnh hội thảo (nguồn: Internet)
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức, đòi hỏi phải có chính sách phù hợp như: Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và luôn ở mức cao. Tốc độ già hóa dân số rất nhanh, tăng từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019. Việc tận dụng thời kỳ cơ cấu dân số vàng chưa thực sự hiệu quả. Tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh còn thấp. Bộ máy làm công tác dân số tại địa phương thường xuyên có sự thay đổi, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này...
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Mai, Nghị quyết 21-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm "dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Theo đó, công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Nghị quyết cũng khẳng định sự cần thiết của việc “chuyển trọng tâm chính sách dân số từ dân số-kế hoạch hóa gia đình sang dân số-phát triển”; đề ra mục tiêu trọng tâm là: “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững".
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Cùng với đó, Pháp lệnh Dân số được ban hành năm 2003 và sửa đổi năm 2008 đã tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện công tác dân số. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới và góp phần phát triển đất nước, đòi hỏi hệ thống chính sách, pháp luật về dân số cần phải tiếp tục được hoàn thiện. "Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Đảng, Nhà nước và Quốc hội"- ông Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh.
Là một nước đang phát triển, già hóa dân số ở Việt Nam cũng đặt ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội, thu nhập, chăm sóc sức khỏe, việc làm cho người cao tuổi, xây dựng môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi. Tuy nhiên, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi vẫn chưa được đáp ứng. Cụ thể, người cao tuổi cần được chăm sóc (là những người rất khó khăn hoặc không thể thực hiện ít nhất một hoạt động sinh hoạt hàng ngày) đã nhận được chăm sóc từ người khác, nhưng sự chăm sóc đó lại không như mong muốn; người cao tuổi cần được chăm sóc, có nhu cầu chăm sóc nhưng lại không nhận được bất kỳ chăm sóc nào từ người khác.
Chia sẻ tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, Việt Nam cần hình thành và phát triển mạng lưới chăm sóc người cao tuổi, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đặc biệt, cần mở rộng việc cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng; từng bước mở rộng các cơ sở chăm sóc người cao tuổi tập trung. Ngoài ra, cần phát triển hệ thống chăm sóc lão khoa theo nguyên tắc kết hợp dự phòng, nâng cao sức khoẻ, điều trị, phục hồi chức năng; kết hợp xây dựng các mô hình tích hợp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà, tại cộng đồng và tại các cơ sở chăm sóc; đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân trong chăm sóc người cao tuổi thông qua hợp tác công-tư.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?