Hơn 2.400 lao động đầu tiên nhận hỗ trợ tiền thuê nhà
27/05/2022 08:26 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
55/61 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi của tỉnh để làm cơ sở triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Hai tỉnh đầu tiên đã phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 2.431 người với số tiền là 1,17 tỷ đồng là Vĩnh Phúc và Cà Mau.
Những lao động đầu tiên nhận hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg - Ảnh: VGP
Bộ LĐTB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, 2 nhóm đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là: Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp sẽ nhận được 500.000 đồng/người/tháng và người lao động quay trở lại thị trường lao động được nhận 1.000.000 đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng; phương thức chi trả hằng tháng.
Đây là chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhân lực để kịp thời phục hồi sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực tạo động lực để phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.
Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quyết định số 257/QĐ-LĐTBXH ngày 28/3 công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ LĐTB&XH về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 12/4 để triển khai Quyết định.
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, ngoài 2 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên) không có đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3, đã có 55/61 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi của tỉnh để làm cơ sở triển khai thực hiện (còn 6 địa phương chưa ban hành kế hoạch là Phú Thọ, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu).
Tính đến ngày 20/5/2022, mới có 2 tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 2.431 người với số tiền là 1,17 tỷ đồng là Vĩnh Phúc và Cà Mau. Bộ LĐTB&XH cho biết, lý do của việc chưa phê duyệt được nhiều đối tượng hỗ trợ vì các doanh nghiệp, người lao động đang trong thời gian tiến hành thủ tục lập danh sách, niêm yết công khai, xác nhận bảo hiểm xã hội trước khi nộp hồ sơ đề nghị.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 7 Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg thì doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ gộp 2 tháng hoặc 3 tháng. Do vậy, để thuận tiện doanh nghiệp, người lao động đợi đủ 3 tháng để làm hồ sơ gộp luôn 3 tháng (sớm nhất đến đầu tháng 5/2022, người lao động mới đủ điều kiện để làm hồ sơ hỗ trợ 3 tháng).
Về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, Bộ LĐTB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan đánh giá tổng thể chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động để đề xuất các chính sách tiếp theo.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến hết ngày 31/3/2022 (thời điểm kết thúc hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP), trên cả nước đã giải ngân được 4.788 tỷ đồng (đạt 64,2% tổng kinh phí dự kiến cho vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP) với 3.561 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho gần 1,22 triệu lượt người lao động.
Cụ thể, vay vốn để trả lương ngừng việc: Tổng số tiền giải ngân là 262 tỷ đồng với 1.267 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 73.460 lượt người lao động.
Vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh đối với người sử dụng lao động phải ngừng hoạt động theo Chỉ thị số 16/CT-TTg: Tổng số tiền giải ngân là 4.242 tỷ đồng với 1.912 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho 1.074.013 lượt người lao động.
Vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh của 5 lĩnh vực (vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, xuất khẩu lao động): Tổng số tiền giải ngân là 284 tỷ đồng với 382 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho 71.475 lượt người lao động.
Số vốn cho vay tập trung ở một số tỉnh, thành phố có nhiều doanh nghiệp, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch như Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh.
Tính đến ngày 20/5/2022, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 81.784 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ 728.416 lượt người sử dụng lao động và trên 49.696.702 lượt người lao động và các đối tượng khác, bao gồm: Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP (sửa đổi tại Nghị quyết số 126/NQ-CP) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (sửa đổi tại Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg), toàn quốc có 381.655 lượt người sử dụng lao động, trên 36,72 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 43.384 tỷ đồng; thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, đã hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 346.806 đơn vị sử dụng lao động và hỗ trợ tiền mặt cho 12,968 triệu lao động với tổng kinh phí trên 38.400 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo VGP
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?