Phó trưởng đoàn ĐBQH Lào Cai Giàng Thị Bình: Làm rõ nguyên nhân bội chi và có giải pháp tăng nguồn quỹ BHYT

01/11/2017 11:28 AM


Tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 chiều 31/10, bà Giàng Thị Bình - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật đã đồng tình với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và cho rằng trước tình trạng bội chi quỹ BHYT, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành làm rõ nguyên nhân và sớm có giải pháp để tăng nguồn quỹ BHYT.

Bà Giàng Thị Bình- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai. Ảnh nguồn Internet.

Theo bà Giàng Thị Bình, từ khi Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan, các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh BHYT, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, công tác khám, chữa bệnh BHYT trên cả nước thời gian qua đã gặp không ít khó khăn vướng mắc. Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHYT ngày 29/8/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cảnh báo. Thống kê nhanh đến tháng 8 năm 2017 số chi khám chữa bệnh BHYT trên 50.000 tỷ đồng, chiếm 70% quỹ sử dụng trong năm 2017, có 51 tỉnh đã bội chi lớn như Nghệ An trên 900 tỷ, Thanh Hóa 800 tỷ, Quảng Nam 300 tỷ. Đối với tỉnh Lào Cai năm 2016 vượt quỹ 132 tỷ, 9 tháng đầu năm 2017 vượt quỹ 150 tỷ. Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự kiến quỹ BHYT sẽ tăng rất nhanh nếu không có giải pháp căn cơ sẽ khó bảo đảm tiền chi trả cho khám chữa bệnh BHYT của các năm sau.

Theo bà Giàng Thị Bình, nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc khó khăn trong khám, chữa bệnh BHYT: Quy định giá các dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 37, thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định số 16 ngày 14/2/2015 của Chính phủ, Liên Bộ Y tế tài chính đã ban hành Thông tư số 37 ngày 219/10/2015 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Cơ cấu giá dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh bao gồm lương, các khoản phụ cấp theo lương, tiến tới thu đúng, thu đủ là cơ sở cho việc tự chủ tài chính tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thì giá dịch vụ tại Thông tư 37 tăng rất cao so với Thông tư liên tịch số 04, ngày 29/2/2012 của Liên Bộ Y tế, tài chính ban hành ở mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước. Tỉnh Lào Cai là một trong 16 tỉnh đầu tiên áp dụng bước 2 của Thông tư 37 bao gồm các chi phí trực tiếp lương và các khoản phụ cấp theo lương từ tháng 8/2016, tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT 98,6%, trong đó có hơn 80% đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng ở mức thấp liên quỹ BHYT rất hạn chế. Từ thực trạng trên dẫn đến vượt quỹ khám, chữa bệnh BHYT, trong thời gian qua ở hầu hết các địa phương, trong đó có cả tỉnh Lào Cai.

Tại điểm a khoản 4 Điều 7 Thông tư số 41 ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế, tài chính quy định tổng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã tối thiểu bằng 10% và tối đa không vượt quá 20% của quỹ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tính trên số thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã. Thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người cận nghèo được ngân sách nhà nước đóng BHYT chỉ là 4,5% mức lương cơ sở. Nếu tính theo mức lương tối thiểu từ 01/7/2017 là 1.300.000 đồng thì mỗi thẻ BHYT của các đối tượng này là 702.000 đồng, và quỹ khám chữa bệnh của BHYT tuyến xã chỉ là 63.180 đồng/1 thẻ BHYT.

Quỹ khám chữa bệnh tuyến xã được xác định tỷ lệ như trên là quá thấp, không đảm bảo chi phí khám chữa bệnh, kê đơn tại các trạm y tế xã. Trong khi giá dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư 37, giá thuốc, giá vật tư y tế tăng cao, nên việc khám, kê đơn điều trị ngoại trú tại tuyến xã thường xuyên vượt quỹ. Do đó, không khuyến khích được việc phát triển các dịch vụ y tế cơ sở, gây tình trạng chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, tăng chi phí phát sinh cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, là do công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đánh giá, tỷ lệ tham gia BHYT mới đạt 83% dân số. Nhiều người lợi dụng chính sách thông tuyến khám nhiều lần trong ngày, trong tháng tại các cơ sở y tế. Nhóm đối tượng là người lao động trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia BHYT còn thấp; chưa giải quyết dứt điểm tình trạng chủ doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHYT, tiền lương của người lao động. Qua giám sát thấy, nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi tham gia BHYT chưa đạt tỷ lệ 100%, còn tình trạng trẻ dưới 6 tuổi sinh ra trước tháng 3/2016 chưa được cấp thẻ BHYT, đặc biệt ở một số xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em sinh ra từ các cặp tảo hôn chưa được cấp giấy khai sinh, thẻ BHYT do bố mẹ các cháu chưa đủ tuổi kết hôn nên quyền lợi trẻ em chưa được bảo đảm.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, bà Bình kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Điểm d Khoản 2 Điều 32 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT về thời gian thẩm định quyết toán năm đối với quỹ BHYT và thanh toán số kinh phí chưa sử dụng hết (nếu có). Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng thời gian quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương làm rõ nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ KCB BHYT để sớm có giải pháp tăng nguồn quỹ BHYT, cân đối thu chi quỹ BHYT để chi trả cho KCB. Giải quyết dứt điểm tình trạng trốn, nợ đóng BHYT; cân đối nguồn kinh phí để nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho HSSV, người thuộc hộ gia đình làm nông lâm nghiệp có mức sống trung bình tối thiểu từ 30% lên tối thiểu 50%. Sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, trong đó không quy định mức chi tối đa trong KCB BHYT tại tuyến xã mà thực thanh, thực chi và thanh toán theo giá dịch vụ và bảo đảm mọi trẻ em sinh ra đều được khai sinh và KCB BHYT theo đúng quy định của pháp luật.

PV