100% đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT

21/09/2017 04:43 PM


Đây là một trong những thông tin được đại diện Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về công tác dân tộc giữa các quốc gia trong khu vực với chủ đề “Hài hòa văn hóa môi trường và phát triển kinh tế vùng miền núi và dân tộc thiểu số” vừa được Ủy Ban Dân tộc Việt Nam, Đại học Thái Nguyên, Chương trình UN-REDD tại Việt Nam và Tổ chức với Lao động quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tại hội thảo, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các dân tộc thiểu số (DTTS) tại Việt Nam cư trú chủ yếu ở nông thôn, miền núi, biên giới với quy mô dân số và trình độ phát triển kinh tế, xã hội không đồng đều, bị hạn chế về ngôn ngữ, khả năng tiếp cận thông tin, phong tục tập quán... Do đặc điểm địa lý nơi sinh sống, người DTTS thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt như bão lũ, sạt lở, hạn hán, nhiễm mặn... kèm theo sự hạn chế về kiến thức khi xảy ra các lọai dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi gây ảnh hưởng tới chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, và đời sống của đồng bào.

Các chương trình, dự án quy hoạch đô thị, phát triển KTXH, CSHT... cũng gây ảnh hưởng, xáo trộn lớn về sinh hoạt và đất ở, làm giảm nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sinh kế hoặc mất đi nguồn sinh kế của đồng bào DTTS. Nhiều hộ DTTS còn đang sống trong cảnh đói nghèo hoặc tiềm ẩn nguy cơ rơi vào nghèo (tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 của hộ DTTS là 23,1%; cao hơn 3,3 lần so với mức chung cả nước là 7,0%).

Trước thực trạng trên, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm và có những chính sách hỗ trợ lao động, việc làm đối với người DTTS như: Trợ cấp khó khăn, tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo; cấp đất sản xuất và hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp, dạy nghề miễn phí và miễn giảm học phí cho học sinh nghèo; hỗ trợ mua thẻ BHYT và miễn giảm chi phí khám chữa bệnh; cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nước sinh hoạt cho người dân...

Sau thời gian thực hiện chính sách an sinh xã hội, đã có 27,5% tỷ lệ hộ nghèo DTTS được hưởng vốn tín dụng ưu đãi; 334.000 hộ nghèo DTTS được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; 25,5% lao động DTTS trong số 886.000 lao động vùng DTTS được đào tạo nghề; hơn 10.000 lao động huyện nghèo đi xuất khẩu lao động (trong đó 80% là DTTS100% đồng bào DTTS được cấp thẻ BHYT; hỗ trợ nhà ở cho 224.000 hộ DTTS định canh định cư, ổn định cuộc sống. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi bình quân mỗi năm giảm 3-4%, thu nhập của hộ nghèo tăng thêm khoảng 20%.

Tuy nhiên, chính sách san sinh xã hội cho đồng bào DTTS còn tồn tại nhiều hạn chế, như: Chồng chéo về nội dung, cách quản lý, trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng nhưng mức hỗ trợ lại khác nhau; chưa có cơ chế khuyến khích DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững; nhiều chính sách chưa phù hợp với đặc điểm DTTS; công tác điều tra, rà soát, tổng hợp đối tượng thụ hưởng chính sách ở một số địa phương còn thiếu chính xác dẫn đến thực hiện chính sách không hiệu quả; mức hỗ trợ còn thấp nên tác động của chính sách chưa cao.

Để khắc phục tình trạng này, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cần phải tăng cường việc rà soát, phân công nghiệm vụ rõ ràng trong quá trình thực thi chính sách. Đặc biệt, phải quyết liệt trong việc chuyển đổi các chính sách hỗ trợ trực tiếp sang chính sách tạo cơ hội cho đồng bào DTTS tự vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống.

Các chính sách cần chú trọng hơn trong việc đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh vùng DTTS, miền núi như các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo mới chỉ tính đến việc hỗ trợ ngắn hạn mà chưa tính đến những hỗ trợ dài hạn để đảm bảo cuộc sống cho người dân. Các biện pháp hỗ trợ an sinh cho đồng bào DTTS cần tính toán rõ sự khác biệt giữa các nhóm DTTS, nhiều chính sách chưa phù hợp với đặc điểm của DTTS, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm phong tục, tập quán vùng miền DTTS đảm bảo hiệu quả và tính bền vững trong quá trình thực hiện.

Cần sớm thực hiện chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, trong đó đặc biệt ưu tiên đối với đồng bào DTTS. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, tạo điều kiện để đồng bào DTTS có thể dễ dàng được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách như: cấp phát thẻ BHYT, KCB BHYT, chi trả tiền TGXH...

Nâng cao năng lực thực hiện và cơ sở vật chất để thực hiện các chính sách ASXH đối với DTTS, đặc biệt tăng cường công tác điều tra, rà soát, tổng hợp đối tượng thụ hưởng chính sách ở một số địa phương đảm bảo chính xác tạo điều kiện thực hiện chính sách hiệu quả hơn. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, ASXH đối với DTTS và hệ thống cơ sở dữ liệu về DTTS.

Đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách phù hợp, tránh bố trí dàn trải, dẫn đến việc không đảm bảo cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt; các chính sách cần đảm bảo tính liên kết, liên thông tốt hơn như cơ sở hạ tầng kết hợp với phát triển kinh tế, chính sách tín dụng gắn với tạo việc làm, dạy nghề gắn với việc làm. Tăng cường thực hiện cơ chế xã hội hóa và sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp cho vùng đồng bào DTTS để huy động tối đa tất cả các nguồn lực cho giảm nghèo, an sinh xã hội cho đồng bào DTTS./.

PV