Hà Nội: Tích cực chuẩn bị thực hiện BHYT học sinh, sinh viên năm 2018

03/08/2017 01:47 PM


Vừa qua, BHXH TP. Hà Nội có Công văn 1820/BHXH-QLT chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã trực thuộc và hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên năm học 2017-2018.

Ảnh minh họa.

Công văn của BHXH TP. Hà Nội hướng dẫn cụ thể về đối tượng, mức đóng, phương thức đóng, thời hạn sử dụng thẻ, chăm sóc sức khỏe ban đầu và mức thù lao thu BHYT học sinh, sinh viên…

Theo đó, với mức lương cơ sở hiện hành, một thẻ BHYT HSSV có mức tiền đóng là 702.000 đồng, trong đó: HSSV đóng 70% (tương đương 491.400 đồng) và Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% (tương đương 210.600 đồng). Khi nhà nước thay đổi mức lương cơ sở, không thực hiện truy thu đối với các trường hợp đã tham gia và đóng tiền BHYT trước đó mà chỉ áp dụng đối với các trường hợp tham gia thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở trở đi.

Đối với HSSV đã có thẻ BHYT thuộc các nhóm đối tượng khác như: HSSV thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân quân nhân… đã được cấp thẻ BHYT bắt buộc, thì cơ sở giáo dục lập danh sách riêng để theo dõi và tính chung vào tỉ lệ tham gia BHYT của nhà trường để được cấp kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách HSSV, thu tiền đóng BHYT. Đối với HS vào lớp 1 và SV năm thứ nhất, thời hạn ghi trên thẻ là từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của lần cấp trước đến 31/12 năm sau. HS lớp 12 và SV năm cuối, thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 1/1 đến ngày cuối cùng của tháng kết thúc năm học đó.

BHXH TP. Hà Nội yêu cầu trong quá trình thực hiện phải linh hoạt về phương thức thu để giảm nhẹ tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học. Đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1, thực hiện thu phí BHYT những tháng còn lại của năm 2017, thời hạn sử dụng thẻ BHYT tương ứng với số tiền nộp vào Quỹ BHYT.

Đối với học sinh, sinh viên đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2017. Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 06 tháng hoặc 01 năm một lần vào Quỹ BHYT. Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Thời hạn ghi trên thẻ BHYT tương ứng với số tiền nộp vào Quỹ BHYT.

Cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, đẩy mạnh nhận thức của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên về chính sách, pháp luật BHYT. Xác định việc thu BHYT học sinh, sinh viên là trách nhiệm của mỗi nhà trường; bảo đảm 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Phối hợp với cơ quan BHXH quận, huyện, thị xã, lập danh sách và vận động tham gia BHYT với học sinh, sinh viên chưa tham gia hoặc thẻ đã hết hạn sử dụng. Thực hiện cấp thẻ BHYT học sinh, sinh viên qua hình thức giao dịch hồ sơ điện tử. Để bảo đảm phát hành thẻ BHYT cho học sinh, sinh viên đúng thời hạn, cơ sở giáo dục thực hiện lập danh sách và nộp tiền trước ngày 20/9/2017 để cấp thẻ có giá trị đến 31/12/2017; chuyển tiền và lập danh sách trước ngày 20/12/2017 để cấp thẻ có giá trị từ 01/01/2018 đến 31/12/2018.

BHXH các quận, huyện thị xã có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai thực hiện hướng dẫn BHYT học sinh, sinh viên theo đúng quy định của Luật. Tiếp nhận hồ sơ tham gia, thẩm định, xử lý dữ liệu.. in và cấp thẻ BHYT bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Kịp thời xét duyệt và trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu và thù lao BHYT học sinh, sinh viên cho các cơ sở giáo dục theo đúng quy định.

Theo BHXH Hà Nội, trong năm học 2016- 2017, thành phố đã đạt 90,77% HSSV tham gia BHYT. Trong đó, khối tiểu học đạt 91,13%; khối THCS đạt 91,18%; khối THPT đạt 91,02%; khối CĐ-ĐH đạt 90,1% và thấp nhất là khối TCCN, trung tâm GDTX thuộc Sở quản lý chỉ đạt 89,89%.

TV