Tăng cường vai trò giám sát, quản lý quỹ KCB BHYT tại các địa phương

12/06/2017 04:57 PM


Đây là một trong những chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh tại Hội nghị giao ban công tác tháng 6/2017, vừa được BHXH Việt Nam tổ chức sáng 12/6, tại Hà Nội. Tham dự hội nghị còn có các Phó Tổng Giám đốc: Nguyễn Minh Thảo, Nguyễn Đình Khương, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh; cùng Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Toàn cảnh hội nghị.

Báo cáo kết quả tình hình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT của BHXH Việt Nam đến hết tháng 5/2017 cho thấy, ước số người tham gia BHXH bắt buộc trên cả nước là 13,16 triệu người, tham gia BH thất nghiệp là 11,24 triệu người, tham gia BHXH tự nguyện là 240 nghìn người và tham gia BHYT là 76,39 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 82,14% dân số.

Theo đó, số thu của toàn Ngành ước khoảng 23.162 tỷ đồng, đạt 37,55% so với kế hoạch giao, tăng 19,27% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó: thu BHXH là 75.015 tỷ đồng, thu BH thất nhiệp là 5.000 tỷ đồng, thu BHYT là 26.361 tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2017, toàn Ngành ước giải quyết chế độ BHXH cho trên 3,54 triệu lượt người, tăng 0,28 triệu lượt người (8,5%) so với cùng kỳ năm 2016; giải quyết cho trên 299 nghìn lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016; thanh toán chi phí KCB BHYT cho 63,2 triệu lượt người, tăng 6,9 triệu lượt người (12,2%) so với cùng kỳ năm 2016.

Tính đến 31/5, số người được cấp sổ BHXH ước đạt 13,11 triệu người, đạt 99% số người tham gia BHXH; số thẻ BHYT đã cấp ước đạt 76,65 triệu thẻ. Và tính đến ngày 07/6, các tỉnh, thành phố đã bàn giao được 1.552.156 sổ BHXH, chiếm 12,3% tổng số sổ phải bàn giao.

Báo cáo cũng chỉ rõ, công tác chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn Ngành tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp tục được duy trì. Trong tháng, BHXH Việt Nam đã: Ban hành 01 quy chế, quy định và 89 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện động bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH; phối hợp triển khai công tác tuyên truyền năm 2017 với các cơ quan thông tấn báo chí; tổ chức tập huấn “Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho đối tượng là Trưởng đoàn thanh tra”; vận hành hệ thống Một cửa điện tử tập trung trên cơ sở phần mềm “Tiếp nhận và quản lý hồ sơ”; hoàn thiện phần mềm TST đảm bảo sẵn sàng thực hiện các quy định mới về thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT;…

Trong tháng qua, các địa phương đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố và phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; rà soát dữ liệu làm căn cứ kịp thời điều chỉnh mức đóng, mức hưởng BHXH, BHYT theo quy định về mức tiền lương cơ cở mới của Chính phủ sẽ có hiệu lức từ ngày 01/7 tới;…

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, báo cáo của BHXH Việt Nam cũng đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đặc biệt trong đó là vấn đề số nợ vẫn tiếp tục gia tăng, ước đến 31/5 là 17.515 tỷ đồng, chiếm 6,1% so với số phải thu, tăng 1.149 tỷ đồng so với tháng trước. Trong đó, nợ BHXH là 11.979 tỷ đồng, nợ BH thất nghiệp là 710 tỷ đồng, nợ BHYT là 4.825 tỷ đồng. Theo đó, số nợ BHYT tăng so với tháng trước là do một số địa phương chưa kịp thời chuyển nộp phần kinh phí ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng tham gia (nợ ngân sách Nhà nước đóng vào quỹ BHYT là 3.200 tỷ đồng, chiếm gần 66,3% số nợ BHYT)…

Trên thực tế, một trong những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng nợ đọng là việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT của Ngành BHXH. Chia sẻ về hiệu quả của công tác này, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra Trần Đức Long nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đang được tập trung triển khai và có những hiệu quả rất tích cực. “Hiện, bình quân tại mỗi địa phương, Đoàn Thanh tra chuyên ngành của BHXH sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra từ 8-10 DN. Đặc biệt, sau thanh tra, kiểm tra, hầu hết các DN đều tiến hành nộp hết số nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; chỉ có một số DN cá biệt, do còn khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì đều có văn bản cam kết hoàn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo lộ trình cụ thể”, ông Trần Đức Long cho biết.

Tại hội nghị, vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT là vấn đề “nóng” được các đại biểu quan tâm, chia sẻ trước những lo ngại về tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT đang ngày một gia tăng. Dẫn chứng thực tế về tình hình sử dụng quỹ KCB BHYT hiện nay, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc Dương Tuấn Đức cho biết: Tính đến hết tháng 5, từ thống kê trên Hệ thống thông tin giám định BHYT cho thấy, tổng chi KCB BHYT đã lên tới 32.700 tỷ đồng, trong đó có rất nhiều chi phí bất hợp lý. Đơn cử như việc, nhiều cơ sở y tế đã lợi dụng quy định của Bộ Y tế để chia nhỏ các dịch vụ y tế nhằm thanh toán trùng lắp nhiều quy trình kỹ thuật; chưa kể, một số dịch vụ y tế còn được xây dựng với mức giá cao hơn giá thực tế…

Cùng quan điểm về vấn đề “lách” quy định của một số cơ sở y tế, lạm dụng quỹ KCB BHYT, Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc cũng thông tin thêm về quan điểm của Bộ trưởng Bộ Y tế trong vấn đề này: mới đây, trong cuộc họp do Bộ Y tế tổ chức với một số Sở Y tế và cơ sở y tế về việc thực hiện chính sách BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương phải rà soát lại tất cả các chi phí KCB BHYT, trên tinh thần hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ BHYT.

Về phía đơn vị triển khai thực hiện chính sách BHYT, trước dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT ngày một gia tăng từ cả phía người tham gia BHYT lẫn các cơ sở KCB BHYT, cơ quan BHXH Việt Nam cũng đang đề nghị Bộ Y tế, phối hợp để thanh tra toàn diện các cơ sở y tế có chi phí KCB BHYT được cảnh báo là bất thường, nhằm có những điều chỉnh kịp thời.

Riêng về nội dung này, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, nếu tình trạng bội chi do xuất phát từ nhu cầu thực tế về KCB của người dân tăng thì cơ quan BHXH chắc chắn sẽ không hạn chế quyền lợi KCB BHYT chính đáng của người dân. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT cả từ phía cơ sở y tế và người sử dụng thẻ BHYT thì BHXH các địa phương cần phải tăng cường hơn nữa vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra và đặc biệt chủ động trong việc tham mưu, báo cáo HĐND, UBND tỉnh, thành phố cũng như các Đoàn đại biểu Quốc hội để vào cuộc, cùng giám sát và quản lý cân đối quỹ KCB BHYT hiệu quả, an toàn ngay tại địa bàn mình quản lý, tránh để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT loang rộng, khó kiểm soát.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh yêu cầu các đơn vị tiếp thu và triển khai ý kiến chỉ đạo của các Phó Tổng Giám đốc phụ trách; đồng thời tập trung triển khai ngay công tác giao kế hoạch với lĩnh vực đơn vị mình phụ trách nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả công tác.

Đặc biệt, Ban Thực hiện chính sách BHYT phải hết sức sát sao trong việc hướng dẫn BHXH các tỉnh báo cáo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh ủng hộ trong công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở sử dụng, quản lý quỹ BHYT tại địa phương. Đồng thời, BHXH các địa phương phải làm hết trách nhiệm của mình, kiểm soát chặt chẽ, tăng cường giám sát công tác KCB BHYT nhằm đảm bảo cân đối quỹ BHYT hiệu quả.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc cũng yêu cầu Trung tâm CNTT tập trung hoàn thiện các phần mềm, đảm bảo đến ngày 20/6 phải chạy thống nhất toàn quốc phần mềm TST đảm bảo đáp ứng quy trình quản lý mới của Ngành; và tiến tới cấp mã số định danh cho người tham gia BHXH, BHYT trong tháng 7, đảm bảo mỗi người chỉ có một mã số định danh duy nhất đúng; công tác tuyên truyền cần tiếp tục tăng cường theo hướng trọng tâm, trọng điểm; Viện Khoa học BHXH cần tập trung đẩy mạnh các mảng đề tài khoa học hỗ trợ hiệu quả cho việc triển khai quản lý thực hiện chính sách BHXH, BHYT./. 

Trọng Nguyễn