Quyền lợi bảo hiểm y tế cho người cao tuổi luôn được đảm bảo và mở rộng

28/11/2024 10:35 AM


Là nhóm đối tượng đã suy giảm nhiều về thể lực sau thời gian dài lao động và cống hiến, người cao tuổi có tần suất và chi phí khám, chữa bệnh bình quân cao hơn các nhóm đối tượng khác. Do đó, người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo sức khỏe, bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện để dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ người cao tuổi được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cả hợp lý, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đã được đảm bảo thông qua BHYT.

Hướng tới mục tiêu 100% người cao tuổi có bảo hiểm y tế. Nguồn: ITN

Chăm sóc sức khỏe là vấn đề trọng tâm để bảo đảm cuộc sống hạnh phúc đối với người cao tuổi. Quá trình già hóa làm thay đổi các đặc trưng về mặt sinh học, dẫn đến hạn chế các chức năng nghe, nhìn, vận động, làm gia tăng các loại bệnh tật và nguy cơ tử vong ở nhóm người cao tuổi. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tổn hại về mặt tinh thần, tính tự chủ và độc lập trong cuộc sống, “là một trong những nguyên nhân hàng đầu có thể dẫn tới nguy cơ bần cùng hóa cuộc sống của nhóm người cao tuổi cũng như gia đình của họ”.

Nhận thức chăm sóc sức khỏe là quan trọng, nhưng bảo đảm khả năng tài chính cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe luôn là thách thức lớn với nhiều người cao tuổi và gia đình họ, bởi chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thường cao hơn so với chi phí khám, chữa bệnh của nhóm người trẻ tuổi. “Chi phí điều trị cho người cao tuổi thường cao gấp tám đến mười lần so với người trẻ; mặc dù người cao tuổi chiếm hơn 10% số dân nhưng sử dụng tới hơn 50% chi phí điều trị mỗi năm”. Vì vậy, bảo đảm khả năng tài chính nhằm chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là chính sách quan trọng mà mọi quốc gia trên thế giới đều hướng đến.

Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ người cao tuổi được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cả hợp lý, nhiều quốc gia đã bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi thông qua bảo hiểm y tế. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế với người dân nói chung, với người cao tuổi nói riêng giúp các quốc gia thực hiện được ba mục tiêu cơ bản: “Bảo đảm công bằng (khám, chữa bệnh theo nhu cầu, chứ không theo khả năng chi trả); Bảo vệ tài chính (bảo đảm để việc khám, chữa bệnh không dẫn tới tình trạng bần cùng hóa); Tiếp cận hiệu quả, toàn diện các dịch vụ y tế có chất lượng (bảo đảm thầy thuốc chẩn đoán chính xác, kê đơn, điều trị phù hợp, hợp lý)”.

Ở Việt Nam, quá trình già hóa dân số đang tăng nhanh, đặt ra yêu cầu phải cải cách chính sách bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, giúp họ phòng ngừa được các bệnh mãn tính, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho y tế, tránh bần cùng hóa các gia đình có người cao tuổi, đồng thời giúp thực hiện mục tiêu “phát triển bao trùm - không ai bị bỏ lại phía sau”. Việc xây dựng và thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế phù hợp mang đến cơ hội bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho người cao tuổi, đồng thời đem lại nhiều cơ hội “phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình”, nhằm mục tiêu phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội bền vững.

Hiện nay, cả nước có gần 13 triệu người cao tuổi, chiếm 12% tổng dân số. Dự báo đến năm 2035, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già và tỷ lệ người cao tuổi chiếm 20% tổng dân số. Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đang đặt ra những thách thức lớn về chăm sóc y tế cho người cao tuổi.

Phát triển bảo hiểm y tế cho người cao tuổi là một chủ trương lớn của Việt Nam. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi. Cùng với mức độ bao phủ rộng là mức độ sử dụng bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh của người cao tuổi liên tục tăng. Trong thời gian qua, nhờ những cải tiến liên tục của chính sách bảo hiểm y tế nên quyền lợi trong chăm sóc sức khỏe của nhóm người cao tuổi ngày càng được mở rộng. 

Chăm sóc sức khỏe là vấn đề trọng tâm để bảo đảm cuộc sống hạnh phúc đối với người cao tuổi, chiều 11/12, tại Hà Nội, Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế phối hợp Ngân hàng Thế giới và Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi tại Việt Nam”.

Dự án “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi tại Việt Nam”, được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản thông qua Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và được tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế (HelpAge International tại Việt Nam) hợp tác với Hội Người cao tuổi 6 tỉnh, thành phố là Hòa Bình, Thanh Hóa, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Ninh Thuận triển khai, thực hiện.

Đến nay, Dự án đã thành lập được 186 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau với 35.587 thành viên và 92.314 người hưởng lợi gián tiếp. Hiện tại, Dự án đang triển khai những hoạt động cuối cùng để kết thúc vào 31/12/2024.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị tổng kết, Giám đốc quốc gia Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam Trần Bích Thủy cho biết: Lễ tổng kết nhằm đánh giá những kết quả Dự án đạt được; đồng thời đưa ra các bài học kinh nghiệm và đề xuất nhằm duy trì và nhân rộng mô hình Dự án, nhằm góp phần thực hiện chỉ tiêu của Chương trình Hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030: đến 2030 có ít nhất 80% xã/phường/thị trấn có mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau hoặc mô hình khác nhằm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Theo thống kê, tại Việt Nam hiện nay cứ 1 trong gần 7 người dân là người cao tuổi (trên 60 tuổi), dự báo đến 2036, 1 trong 5 người sẽ là người cao tuổi, và thậm chí có thể sớm hơn, khoảng năm 2031.

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng cao, từ 65,2 tuổi vào năm 1989 lên 73,8 tuổi năm 2021, tuy nhiên tuổi thọ khỏe mạnh trung bình còn thấp mới chỉ 65,4 tuổi.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, năm 2019 phần lớn (58,5%) người cao tuổi thuộc nhóm sơ lão (dưới 70 tuổi), và tỷ lệ này vẫn chiếm gần 57% vào năm 2029.

Theo bà Trần Bích Thủy, Việt Nam, thực tế đó đặt ra vấn đề là cần làm thế nào để phát huy vai trò và sự đóng góp của lực lượng đáng quý này, nhất là khi phần lớn người cao tuổi Việt Nam đang thuộc độ tuổi trẻ.

Bên cạnh đó, vấn đề già hóa dân số nhanh khi Việt Nam đang là một quốc gia có thu nhập thấp cũng sẽ mang lại những thách thức không nhỏ. Làm thế nào để chăm lo cho người cao tuổi, cả về chăm sóc y tế, chăm sóc xã hội, bảo đảm thu nhập, bảo vệ người cao tuổi dễ bị tổn thương..., khi phần lớn người cao tuổi có bệnh mạn tính, với tình trạng đa bệnh tật, có đến 35,73% người cao tuổi gặp khó khăn ở ít nhất một chức năng (nghe, nhìn, di chuyển, ghi nhớ, tự chăm sóc).

Người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo sức khỏe

Năm 2023 vẫn có gần 15% người cao tuổi thuộc hộ nghèo và cận nghèo, chỉ có 44% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội, và có đến 43% người cao tuổi vẫn đang làm việc có trả công, trong đó 81% làm trong khu vực phi chính thức.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người cao tuổi sống một mình hoặc sống chỉ với vợ/chồng hay gia đình khuyết thế hệ chỉ có ông/bà và cháu (dưới 15 tuổi) có xu hướng tăng cao, lên đến 35%...

Trong bối cảnh đó, với dự án này, nhằm thí điểm một phiên bản mới hơn của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau với đầu tư cao hơn vào kỹ thuật, hỗ trợ sâu và rộng hơn cho các hoạt động của câu lạc bộ, để giảm tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi, cũng như xây dựng rất nhiều hướng dẫn, tài liệu bao gồm cả video hướng dẫn các hoạt động của câu lạc bộ nhằm phục vụ việc nhân rộng mô hình sau dự án.

Có thể nói, người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo sức khỏe, bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện để dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ. Cùng với việc tiếp tục mở rộng độ bao phủ BHYT, nâng cao hiệu quả sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi, thì cần khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi; bảo đảm 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Lương Thảo