Tấm thẻ BHYT qua các thời kỳ và cải cách của ngành BHXH Việt Nam

04/07/2024 07:57 AM


Thập niên 80, chính sách BHYT ở Việt Nam có những bước đi đầu tiên. Qua thời gian, chính sách này ngày càng được hoàn thiện và ưu việt hơn. Những thay đổi đó được thể hiện khá rõ qua hình thức của tấm thẻ BHYT - nơi kết nối giữa người tham gia, cơ sở y tế và cơ quan đại diện quản lý quỹ.

Thẻ BHYT thời “tem phiếu”

Những năm 80, ở nước ta, tình hình chăm sóc y tế cho nhân dân nói chung và người lao động nói riêng tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) lâm vào tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, không đủ điều kiện để củng cố và phát triển. Trong khi đó, chi phí cho việc KCB ngày càng tăng do áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật y tế, sử dụng các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền trong chẩn đoán và điều trị. Mặc dù, đầu tư của Nhà nước cho y tế tăng nhanh nhưng ngân sách chỉ đáp ứng được từ 50 - 54% nhu cầu chi phí thực tế của ngành Y tế.

Một trong những mẫu thẻ chăm sóc sức khoẻ thí điểm thời kỳ đầu

Trong hoàn cảnh đó, một số địa phương đã mạnh dạn tháo gỡ khó khăn trong công tác KCB bằng cách vận động, quyên góp trong nhân dân dưới nhiều hình thức khác nhau, để có thêm nguồn tài chính phục vụ nhu cầu này.

Từ đó, chính sách BHYT sơ khai bắt đầu hình thành ở nước ta với nhiều hình thức thí điểm các loại quỹ mang tính BHYT khác nhau ở một số tỉnh, như: Quỹ Bảo hiểm sức khỏe ở Hải phòng, Quỹ KCB nhân đạo ở Vĩnh Phú, Quỹ BHYT tự nguyện ở Bến Tre, Quảng Trị hay Quỹ Khám chữa bệnh ngành đường sắt…

Những "tấm thẻ BHYT" thời kỳ này mang hình hài như những tờ tem phiếu thời đó, với loại giấy tối mầu, mực và công nghệ in thô sơ. Những tấm thẻ BHYT chỉ có giá trị ở một địa phương, một bệnh viện với cách thức tham gia và mức hưởng được tính toán, quản lý đơn giản.

Huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú (giờ thuộc tỉnh Phú Thọ) là một trong những địa phương đầu tiên phát hành loại phiếu KCB nhân đạo tự nguyện cho nhân dân. Loại phiếu này dành cho từng cá nhân tham gia với mức giá 1.200 đồng và 600 đồng. Mức bảo hiểm thanh toán tối đa là 20.000 đồng cho phiếu 1.200 đồng và 10.000 đồng cho phiếu 600 đồng.

Sau đó, huyện Sông Thao còn phát hành phiếu KCB hộ gia đình với 3 loại: Loại hộ gia đình độc thân với mức mua 2.000 đồng, được hưởng bảo hiểm gấp 10 lần; loại 2-4 khẩu có mức mua 4.000 đồng, được hưởng bảo hiểm gấp 10 lần và loại từ 5 khẩu trở lên với mức mua 5.000 đồng, được hưởng gấp 12 lần. Những phiếu này có giá trị trong 12 tháng kể từ ngày mua.

Tương tự, tại huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) cũng phát hành phiếu Bảo hiểm sức khoẻ cá nhân mệnh giá 3.000 đồng, nếu người từ thứ 2 trong một gia đình mua thì giảm cho 1/3 số tiền. Với thẻ này, người tham gia được nằm điều trị ở trạm y tế Xã Đông Sơn 5 - 7 ngày không mất tiền thuốc chữa bệnh và giường nằm và cũng được khám chữa bệnh nội trú ở bệnh viện huyện Thuỷ Nguyên nhưng thuốc chữa bệnh ngoại trú thì phải mua.

Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trên cả nước thành lập một quỹ với tên gọi “Quỹ BHYT” vào ngày 12/7/1990. Mỗi người một năm phải bỏ mức phí tương đương 10 kg thóc để tham gia quỹ này và được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế của Nhà nước. Tuy nhiên, số lần khám, điều trị không được quá 3 lần/năm và mức chi tối đa là 150.000 đồng…

Việc thí điểm BHYT được triển khai ở nhiều vùng, miền đã mở ra một hướng đi đúng, từng bước cải thiện thống KCB phù hợp với điều kiện, tình hình mới, theo hướng chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai có thể nhận thấy, hình thức BHYT thời kỳ này còn rất nhiều những hạn chế như: Mang tính tự phát, loại hình BHYT khống chế mức hưởng, giới hạn số lần KCB và thẻ BHYT chỉ có giá trị địa phương…

Thẻ BHYT thời triển khai toàn quốc

Đầu năm 1990, sau khi thực hiện một số mô hình thí điểm BHYT, Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) đã trình Dự thảo Pháp lệnh BHYT lên Hội đồng Nhà nước. Sau khi cân nhắc thực tế điều kiện kinh tế - xã hội, Hội đồng Nhà nước đã quyết định giao HĐBT thí điểm BHYT trên diện rộng. Từ cơ sở đó năm 1992, HĐBT đã ban hành Nghị định số 299-HĐBT ngày 15/8/1992 về việc ban hành điều lệ BHYT.

Sau 2 năm thực hiện Nghi định, hệ thống tổ chức BHYT từ Trung ương đến địa phương đã hình thành với sự quản lý của BHYT Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế. Năm 2002, Chính phủ ban hành Quyết định 20/2002/QĐ-TTg chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Kể từ đây 2 chính sách an sinh xã hội quan trọng là BHXH, BHYT thống nhất thực hiện từ Trung ương xuống địa phương, theo mô hình một quỹ quốc gia.

Mẫu thẻ BHYT hiện nay, được thay đổi đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất, hướng tới BHYT toàn dân, khám chữa bệnh trên cả nước

Sau 1 năm, diện bao phủ BHYT tăng nhanh từ 28% lên 36%. Điểm nổi bật của giai đoạn này là nhà nước chuyển nhanh từ việc cấp ngân sách cho bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, hộ cận nghèo…). Sau khi Luật BHYT được ban hành năm 2008, số người tham gia BHYT càng tăng nhanh: Tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 58,3% (năm 2009) lên 66,8% vào năm 2012 và đến hết năm 2023, toàn quốc đã có trên 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số. Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng. Hằng năm, bình quân có trên 150 triệu lượt người KCB BHYT với số tiền quỹ BHYT chi trả trên 100 nghìn tỷ đồng. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức tốt từ trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở KCB công lập và tư nhân đã tạo thuận lợi giúp người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ KCB BHYT.

Thẻ BHYT thời kỳ này đã được thay đổi đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất, hướng tới BHYT toàn dân, khám chữa bệnh trên cả nước. Mẫu thẻ được thiết kế nhỏ gọn, đầy đủ thông tin về danh tính, nhóm đối tượng, quyền lợi hưởng, giá trị sử dụng thẻ…; tích hợp nhận diện cá nhân và bước đầu có những nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.

So với thời kỳ trước, người có thẻ BHYT không còn bị giới hạn về không gian khám chữa bệnh ở một địa phương, có thể tiếp cận các dịch vụ y tế từ tuyến xã, huyện, tỉnh và trung ương với phạm vi và quyền lợi hưởng từng nhóm đối tượng từ 80 - 100% chi phí điều trị.

Từ năm 2016, người có thẻ BHYT có thể khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc vẫn được hưởng 100% quyền lợi theo nhóm đối tượng. Và từ năm 2021, áp dụng quy định này với tuyến tỉnh.

Người tham gia BHYT không còn bị giới hạn về số lần khám chữa bệnh và số tiền hưởng. Hiện với mức đóng 4,5% lương cơ sở, từ sự chia sẻ của cộng đồng qua chính sách BHYT, người tham gia được quỹ BHYT thanh toán số tiền KCB không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm.

Thẻ BHYT thời công nghệ số

Nhằm tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho người tham gia, nâng cao hiệu quả quản lý, từ năm 2017, BHXH Việt Nam thu thập thông tin hộ gia đình tham gia BHYT trên toàn quốc, sau đó cấp mã số định danh tham gia BHXH, BHYT cho từng người dân. Mã số này là duy nhất với từng đối tượng. Với việc cấp mã số BHXH giúp ngành BHXH loại bỏ được tình trạng trùng thẻ BHYT, phục vụ công tác KCB BHYT, tra cứu… của người tham gia ngày càng tốt hơn.

Từ cơ sở dữ liệu này và nền tảng ứng dụng CNTT của ngành BHXH, từ năm 2019, thẻ BHYT không còn ghi thời hạn sử dụng mà chỉ ghi ngày bắt đầu tham gia; người dân có thẻ sử dụng thẻ BHYT lâu dài và giá trị thẻ sẽ được cộng nối trên cơ sở dữ liệu, góp phần cải cách thủ tục hành, giảm chi phí in ấn, cấp đổi.

Ngoài ra, trên thẻ BHYT còn tích hợp mã vạch QR-Code phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện và tra cứu online của người tham gia qua các phần mềm tích hợp trên điện thoại thông minh.

Tháng 11/2020, BHXH Việt Nam ra mắt ứng dụng VssID - BHXH số trên nền tảng điện thoại thông minh. Và từ ngày 01/6/2021, người dùng ứng dụng VssID được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng khi đi KCB thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy, mang lại nhiều lợi ích, thuận tiện cho người tham gia và cơ sở y tế.

Thẻ BHYT được tích hợp trên các nền tảng số, ngày càng thuận tiện cho người sử dụng

Đặc biệt, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Bám sát các nội dung cốt lõi của Đề án và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an - cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều tiện ích phục vụ người dân, trong đó có công tác KCB BHYT. Theo đó, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL này được đưa vào vận hành chính thức. Tính đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn trên 96,8 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,9 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 97,8% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội). Việc đồng bộ, xác thực thông tin định danh của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN với CSDL quốc gia về dân cư giúp chuẩn hóa dữ liệu giữa 2 CSDL quốc gia (dân cư và bảo hiểm), nâng cao tính chính xác của thông tin, dữ liệu. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên nền CSDL quốc gia về dân cư, giúp nhiều TTHC được cắt giảm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người tham gia trong việc kê khai, hoàn thiện thủ tục.

Theo đó, hiện nay, người dân có thể sử dụng Căn cước công dân và ứng dụng định danh điện tử VneID trong KCB BHYT, góp phần xây dựng thói quen sử dụng phương tiện số trong các hoạt động của người dân trên không gian mạng. Đến nay, 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip. Với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD, người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT. Với những thay đổi đó, hiện nay, thẻ BHYT đã mang yếu tố điện tử, tích hợp vào giấy tờ tùy thân tạo thuận lợi rất lớn cho người dân trong quá trình sử dụng.

Có thể thấy, qua các thời kỳ phát triển của chính sách BHYT ở nước ta, tấm thẻ BHYT luôn được thay đổi, phản chiếu những cải cách, ứng dụng mới nhất để tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt nhất cho người tham gia. Những thay đổi đó cũng cho thấy những nỗ lực không ngừng của ngành BHXH Việt Nam trong cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để triển khai, thực hiện chính sách BHYT ngày càng tốt hơn./.

Phạm Chính