Chính sách BHYT được thực hiện ngày càng hiệu quả

09/02/2024 11:55 AM


Thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động KCB, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Vượt qua những khó khăn, thách thức, trong năm 2023, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan, trong đó có BHXH Việt Nam thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật BHYT, nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, đến hết tháng 12/2023, cả nước có 93,307 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ trên 93,35% dân số, vượt 0,15% so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP; đồng thời trong năm 2023, cả nước có hơn 174,8 triệu lượt KCB BHYT, tăng trên 23,4 triệu lượt KCB so với năm 2022, với số chi KCB BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng. 

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác phối hợp năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, bà Trần Thị Trang- Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết: Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động KCB, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Đáng chú ý, trong năm 2023, Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức hơn 20 cuộc họp giải quyết các vướng mắc trong KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT; triển khai ứng dụng CNTT phục vụ quản lý KCB, giám định và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi người bệnh. Đến nay, hầu hết các cơ sở KCB đã thực hiện quy trình KCB cho người bệnh BHYT bằng ứng dụng VNeID, VssID hoặc thẻ CCCD gắn chip. Trong đó, đã có hơn 55 triệu lượt người sử dụng CCCD thay thẻ BHYT để làm thủ tục KCB BHYT, góp phần rút ngắn thời gian, thủ tục KCB, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Tính đến hết năm 2023, cả nước có 93,307 triệu người tham gia BHYT

Theo bà Trần Thị Trang, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan cũng đã tích cực tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến công tác KCB BHYT. Đáng chú ý, phải kể đến việc Bộ Y tế trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở với nhiều chính sách định hướng về BHYT. Cùng với đó, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT; Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật KCB và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BHYT.

Đáng chú ý, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP có các quy định mang tính đột phá, gỡ được các "nút thắt", vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí KCB BHYT, để tạo thuận lợi cho công tác KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; bổ sung và hỗ trợ mức đóng BHYT, sửa đổi mức hưởng BHYT và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ sở KCB trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Để đảm bảo công tác phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam được thường xuyên, liên tục, trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam tiếp tục tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu, phối hợp xây dựng chính sách, pháp luật BHYT. Đồng thời, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động định kỳ hằng tuần, hằng tháng cung cấp thông tin kịp thời khi Hệ thống thông tin giám định BHYT phát hiện có gia tăng chi phí KCB BHYT cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở KCB cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa để kịp thời rà soát, kiểm tra, xác minh và thực hiện giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Hằng tháng, hằng quý thông báo cho Bộ Y tế các cơ sở y tế có gia tăng chi phí KCB BHYT cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở KCB cùng hạng, cùng tuyến để phối hợp thanh tra kiểm tra xử lý điều chỉnh theo quy định. Trong quá trình tổ chức triển khai thông báo kịp thời cho Bộ Y tế các văn bản quy phạm pháp luật có bất cập, chồng chéo để kịp thời sửa đổi, bổ sung, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Về phía Bộ Y tế, trong năm 2024, sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp xây dựng chính sách, pháp luật BHYT. Kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành các các văn bản quy phạm pháp luật có bất cập, chồng chéo để giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đảm bảo tính khả thi, phù hợp với Luật KCB, để Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 10/2024.

Theo bà Trần Thị Trang, trong năm 2024, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục triển khai xây dựng phương thức thanh toán theo trường hợp bệnh (DRG), phấn đấu triển khai thí điểm ở 5 BV tuyến tỉnh và BV trực thuộc Bộ năm 2024. Rà soát, hoàn thiện và tiếp tục triển khai phương thức thanh toán theo định suất. Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng KCB BHYT, cải cách TTHC trong KCB, cải tiến quy trình thanh toán chi phí KCB BHYT; cũng như triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT.

“Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và sử dụng quỹ BHYT để xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), đảm bảo việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT được hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHYT, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam giải quyết các vướng mắc trong KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT”- Vụ trưởng Vụ BHYT nhấn mạnh.

PV