Nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT và chất lượng y tế cơ sở
11/01/2024 02:35 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 11/1, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa có buổi làm việc với bà Katrine Riiisgaard Pedersen- Tham tán Y tế Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam về phương thức hợp tác của Chương trình hợp tác ngành chiến lược (SSC), các chủ đề về hỗ trợ và trao đổi kỹ thuật có liên quan tới BHXH Việt Nam trong giai đoạn 3-4 năm tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, những năm qua, các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam-Đan Mạch ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Bên cạnh tăng cường các cơ chế hợp tác truyền thống, hai nước cũng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực có tính chiến lược, nhiều tiềm năng như y tế, giáo dục...
Về y tế, Việt Nam và Đan Mạch đã tham gia hợp tác ngành chiến lược (SSC) từ năm 2016. Hợp tác tập trung vào tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhằm phòng ngừa, phát hiện và quản lý các bệnh không lây nhiễm, tập trung vào bệnh tiểu đường và tăng huyết áp. Đây là một lĩnh vực BHXH Việt Nam quan tâm và đánh giá rất cao sự hỗ trợ của phía Đan Mạch.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại buổi làm việc.
Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, trong bối cảnh quỹ BHYT cần được sử dụng một cách tối ưu và hiệu quả, thì việc nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở sẽ có ý nghĩa rất lớn. Tới đây, Luật BHYT được sửa đổi, trong đó có hướng mở thêm các danh mục thuốc xuống tuyến dưới để quản lý các bệnh không lây nhiễm. Vì vậy, BHXH Việt Nam đề nghị phía Đan Mạch chia sẻ thêm về danh mục các thuốc ở tuyến cơ sở.
Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ BHXH Việt Nam tổ chức các hội nghị, hội thảo về bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, trong đó có việc tham gia các hội thảo quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các nước như Đan Mạch và các nước đang có mức sống trung bình. “Đích đến của chương trình hợp tác vẫn là làm sao để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, nâng cao chất lượng y tế cơ sở và bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế”- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Katrine Riiisgaard Pedersen- Tham tán Y tế Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, hiện Đan Mạch đang hợp tác về y tế với 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam, để hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho mọi người dân ở mọi lứa tuổi khác nhau. “Mục đích của chương trình tập trung vào sự công bằng và quyền con người nhiều hơn, tập trung đến việc mà người dân nào cũng được tiếp cận y tế một cách bình đẳng”- bà Katrine Riiisgaard Pedersen nói.
Bà Katrine Riiisgaard Pedersen chia sẻ tại buổi làm việc
Theo bà Katrine Riiisgaard Pedersen, thời gian qua, chương trình SSC thí điểm tại tỉnh Thái Bình đã được triển khai hiệu quả. Trong giai đoạn I, Đan Mạch đã tập trung xây dựng và phát triển năng lực cho nhân viên y tế tại 30 trạm y tế và 4 BV huyện. Đã có khoảng 300 nhân viên y tế được đào tạo để phát hiện sớm và xử lý bệnh đái tháo đường và huyết áp cao. Đến giai đoạn II, việc phát triển tài liệu và triển khai các gói sức khỏe toàn diện về bệnh không lây nhiễm tiếp tục được đẩy mạnh, tuy nhiên còn gặp khó khăn về khâu tổ chức.
“Chúng tôi muốn triển khai ở cấp toàn quốc, chứ ko phải chỉ thí điểm tại các địa phương. Ở giai đoạn II, mọi người thấy dự án thí điểm chỉ tập trung vào địa phương, thì giai đoạn III sẽ tập trung vào cấp Trung ương nhiều hơn. Thay vì tập trung đào tạo cá nhân từng nhân viên y tế, mà sẽ nâng cao năng lực của cả hệ thống. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng, nếu thành công sẽ thay đổi được nhận thức của người dân về các bệnh không lây nhiễm, cũng như hành động của các cấp trong việc phòng chống các bệnh này”- bà Katrine Riiisgaard Pedersen chia sẻ.
Nhất trí với đề xuất về tổ chức hội thảo quốc tế theo dạng bàn tròn để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, bà Katrine Riiisgaard Pedersen cho biết, sẽ kiến nghị với Chính phủ Đan Mạch để 5 nước đang hợp tác SSC cùng nhau thảo luận, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Thời gian tới, phía Đan Mạch cũng sẽ cử chuyên gia tham gia hội thảo trực tuyến hoặc trực tiếp. Đồng thời, nghiên cứu đưa ra đề xuất để sửa luật và phát triển hệ thống BHYT tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, Đan Mạch đã triển khai thực hiện các hoạt động của dự án SSC với Việt Nam ở 4 lĩnh vực: Y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, giáo dục và thống kê. Đây là chương trình hỗ trợ phát triển của Đan Mạch cho các bộ, ngành, địa phương của các nước có thu nhập trung bình, nhằm thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện chính sách hiệu quả, bền vững.
Dự án này cung cấp hỗ trợ thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo, tham quan học tập, hỗ trợ kỹ thuật, hội nghị, hội thảo, kết nối, liên hệ chuyên gia trong các lĩnh vực hợp tác. Tại Việt Nam, SSC đã triển khai các hoạt động trong hai giai đoạn (giai đoạn 2017-2019 và giai đoạn 2020-2023). Trong thời gian tới, Đan Mạch sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn III của dự án (2024-2026).
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?