Chung tay thực hiện chính sách BHYT HSSV: Động lực phát triển BHYT toàn dân bền vững

21/07/2023 02:28 PM


Trong những năm qua, việc triển khai công tác Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên (BHYT HSSV) đã có nhiều kết quả tích cực. HSSV tham gia BHYT không chỉ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn khi không may ốm đau, bệnh tật, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh (KCB), mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các em và gia đình trong việc chia sẻ rủi ro với cộng đồng. Chính vì những lợi ích và giá trị nhân văn này, chính sách BHYT HSSV đã thực sự đi vào cuộc sống với sự chủ động, tích cực tham gia từ phía HSSV và phụ huynh.

Nhiều giá trị, quyền lợi từ tấm thẻ BHYT HSSV

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, diện bao phủ BHYT HSSV qua các năm đều phát triển ổn định với xu hướng tăng dần. Nhiều trường học, địa phương đã đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thế hệ trẻ ngày càng được chăm sóc sức khoẻ đầy đủ và toàn diện hơn, trong đó nếu không may ốm đau, bệnh tật các em sẽ được quỹ BHYT thanh toán số tiền KCB không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Khi tham gia BHYT, nếu HSSV đi KCB đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí KCB trong phạm vi, quyền lợi được hưởng. Trường hợp KCB trái tuyến, các em sẽ được hưởng theo phạm vi, mức hưởng BHYT như sau: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện (BV) tuyến Trung ương; 100% chi phí điều trị nội trú tại BV tuyến tỉnh; 100% chi phí tại BV tuyến huyện.

Trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, HSSV tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT. Trên tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Nhà nước và Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 546/QĐ-TTg về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2022-2025. Đối với nhóm đối tượng HSSV, Thủ tướng Chính phủ đã giao BHXH Việt Nam, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện BHYT HSSV, chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của HSSV.

Tấm thẻ BHYT là lợi ích, quyền lợi thiết thực của mỗi HSSV.

Hiện nay, việc thực hiện chính sách BHYT cho mọi người dân nói chung, trong đó có một bộ phận không nhỏ là HSSV đã được luật hóa một cách thống nhất, mang tính bắt buộc và tạo ra nền tảng quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta. Đảng, Nhà nước luôn xác định, việc chăm lo sức khỏe nhân dân là trách nhiệm, vì vậy, bên cạnh việc quy định BHYT là hình thức bắt buộc, Luật BHYT cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai thực hiện.

Đặc biệt, Luật BHYT quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách HSSV tham gia BHYT, đồng thời quy định cơ sở giáo dục thu tiền đóng của HSSV để nộp vào quỹ BHYT và các nhà trường có trách nhiệm đảm bảo sử dụng đúng quy định phần kinh phí được trích lại cho công tác y tế trường học.

Quỹ BHYT cũng góp phần giảm thiểu tối đa gánh nặng kinh tế cho gia đình HSSV trong việc chi trả chi phí khám chữa bệnh. Theo thống kê, đến nay đã có hàng chục triệu lượt HSSV được quỹ BHYT chi trả kinh phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, trong đó có nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y, bệnh mạn tính đã được thanh toán hàng tỷ đồng. Qua việc tham gia BHYT, mỗi năm đã có gần 1.000 tỷ đồng được trích lại các cơ sở giáo dục để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV, kịp thời hỗ trợ cho các em khi xảy ra tai nạn hoặc ốm đau.

Đó là kết quả từ sự nỗ lực, cố gắng và phối hợp hiệu quả của các ngành: BHXH, GD-ĐT, LĐ-TB&XH, Y tế. Đặc biệt là sự vào cuộc trực tiếp, tích cực, hiệu quả của Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế trong các trường học trên cả nước. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về thực hiện BHYT HSSV cũng như hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học.

Hằng năm, theo sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH cấp tỉnh, cấp huyện đều chủ động ký kết chương trình phối hợp với ngành GD-ĐT cùng cấp, ban hành kế hoạch phối hợp, thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành công văn liên ngành hướng dẫn tổ chức thực hiện, xây dựng và giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đến các trường học trên địa bàn và tổ chức sơ kết, đánh giá, đề ra những giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục cũng góp phần nâng cao tầm hiểu biết, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình vận động tham gia BHYT HSSV, tạo hiệu ứng tâm lý xã hội tích cực, thay đổi nhận thức của toàn xã hội đối với chính sách BHYT, thu hút ngày càng nhiều người dân quan tấm đến quyền lợi của việc được tham gia BHYT để bảo vệ bản thân và chia sẻ cộng đồng. Mặt khác, tại các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên cũng đã có sự thay đổi quan điểm về trách nhiệm phát triển BHYT HSSV, trở thành ý thức trách nhiệm của các thầy cô giáo, HSSV và sự đồng tình của phụ huynh học sinh.

Số HSSV tham gia BHYT không ngừng tăng qua các năm cho thấy, nhận thức của các bậc phụ huynh và HSSV về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT… đã được nâng cao. Đơn cử nếu như trước đây, một số phụ huynh có quan niệm chỉ khi con mắc bệnh nan y, mãn tính, cần điều trị với chi phí KCB lớn mới tham gia BHYT thì hiện nay, phần lớn phụ huynh đã chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi các con đang khỏe mạnh. Từ quan niệm bị động trong tham gia BHYT, phụ huynh HSSV đã chuyển sang tâm thế chủ động, tham gia BHYT để chăm sóc sức khỏe cho con em khi cần, hoặc xác định rõ trường hợp không cần dùng đến thẻ BHYT thì chi phí tham gia BHYT của các con (chỉ với hơn 560 nghìn đồng một năm) coi như đóng góp vào quỹ BHYT để cùng thực hiện nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, trong xu thế quyền lợi KCB về BHYT cho người tham gia ngày càng được mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được nâng cao, HSSV cũng được thụ hưởng nhiều lợi ích hơn nữa từ quỹ BHYT. Nhìn vào kết quả thực hiện công tác KCB BHYT cho HSSV thời gian qua cho thấy, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như: suy thận, ung thư, tim mạch,… với chi phí điều trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ HSSV chưa nhận thức được đầy đủ về quyền lợi, tính nhân văn của chính sách BHYT HSSV nên chưa tham gia BHYT (chủ yếu là nhóm HSSV từ năm thứ 2 trở lên của các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề), điều này khiến các em bị thiệt thòi khi không được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe từ chính sách BHYT. Mặt khác, nếu không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao, không có thẻ BHYT, gia đình của các em sẽ đối mặt với những khoản chi phí KCB lớn, ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình cũng như quá trình KCB của các em.

Thể hiện lòng nhân ái, trách nhiệm với cộng đồng

Thời gian qua, với trách nhiệm tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện tốt việc bảo đảm quyền lợi BHYT cho HSSV; tăng cường cải cách thủ tục tham gia BHYT, sử dụng thẻ BHYT khi đi KCB theo hướng đơn giản, thuận tiện cho HSSV. Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến nay, người tham gia BHYT trong đó có khoảng 20 triệu HSSV được thụ hưởng nhiều chính sách mới, theo đó quyền lợi KCB BHYT được đảm bảo ngày càng tốt hơn. Cùng với quyền lợi BHYT được mở rộng, thủ tục KCB BHYT cũng đã có sự cải tiến, mang lại lợi ích cho người tham gia BHYT nói chung, HSSV nói riêng khi có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”, thay cho thẻ BHYT bằng giấy khi đi thủ tục KCB, giúp người tham gia BHYT tiết kiệm thời gian khi đi KCB, đặc biệt không lo mất, hay hỏng thẻ BHYT giấy.

Đặc biệt, ngoài việc được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT HSSV, để đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2022-2023, một số tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV từ ngân sách địa phương, do đó số tiền thực đóng BHYT của mỗi HSSV tiếp tục được giảm.

Cần sự chung tay của toàn xã hội, góp phần đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT.

Từ thực tiễn công tác đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho HSSV, có thể thấy, thẻ BHYT đã ngày một minh chứng rõ nét về vai trò đảm bảo chăm sóc sức khỏe và các quyền lợi KCB chính đáng của HSSV, tiếp thêm niềm tin, sự an tâm và động lực để các gia đình yên tâm điều trị cho con em mình, giúp các em HSSV không may ốm đau, bệnh tật có cơ hội được KCB, được khỏe mạnh và sớm quay trở lại trường học.

Hiện cả nước vẫn còn gần 4% HSSV chưa tham gia BHYT, tập trung ở nhóm SV các trường đại học và HS các trường cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề. Trong số này, một số HSSV và phụ huynh vẫn còn hiểu chưa thấu đáo về chính sách BHYT, cho rằng chỉ cần tham gia BHYT những lúc ốm đau. Chúng ta cần phải hiểu và nhận thức rõ ràng, BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn và tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp,… nhằm hướng tới việc bao phủ BHYT toàn dân, đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân, không phân biết giàu nghèo và các tầng lớp xã hội.

Có thể khẳng định, chính sách BHYT không chỉ tạo nguồn lực quan trọng trong chăm sóc sức khỏe HSSV mà còn góp phần giáo dục nhân cách cho các em ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, để đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT vì một nền giáo dục toàn diện, để mọi HSSV đều được chăm sóc sức khỏe ngay từ trường học, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa BHXH Việt Nam và Bộ Giáo dục & Đào tạo, rất cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, mà quan trọng hơn cả chính là ý thức tự giác, chủ động tham gia BHYT của mỗi HSSV và phụ huynh./.

PV