Cải cách tiền lương là mấu chốt vấn đề để giữ chân nhân tài

24/10/2022 02:54 PM


Các ĐBQH bày tỏ sự nhất trí cao và cho rằng, việc tăng lương nên được thực hiện theo lộ trình, nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống cho NLĐ và giữ chân được người giỏi yên tâm làm việc hơn.

Tại Kỳ họp thứ 4 này, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương ứng với tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho CBCCVC. Bên cạnh đó, việc đề xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp BHXH cũng được đưa ra để áp dụng cho đối tượng do NSNN chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho NCC và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Đặc biệt, việc điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2023; riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 1/1/2023.

Thảo luận tại tổ về đề xuất tăng lương của Chính phủ

Theo nhận định của Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước đối với Kỳ họp thứ 4 là việc Quốc hội quyết định xem xét tăng lương cho CBCCVC. Theo ông Công, chúng ta vừa trải qua những đợt phòng chống dịch bệnh Covid-19, nên thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế. Do đó, việc đưa ra chủ trương tăng lương cho CBCCVC vào thời điểm này là rất đúng đắn và phù hợp.

Cũng theo ông Hoàng Anh Công, trong thời gian qua, một lượng CBCCVC, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ trong ngành Y tế chuyển ra bên ngoài làm việc rất nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do áp lực công việc cũng như mức lương, phụ cấp hiện nay chưa đáp ứng được cuộc sống của nhiều người. Chính vì vậy, việc tăng lương có ý nghĩa rất quan trọng trong việc củng cố thêm lòng tin của người dân, bù đắp sức công sức cho NLĐ để họ có thêm nguồn kinh phí trang trải cuộc sống. Việc tăng lương lần này cũng là nối tiếp chương trình cải cách tiền lương chúng ta sẽ phải thực hiện.

“Mức tăng lương như trên đạt tỷ lệ chưa cao; chưa đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu của cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách của nước ta hiện nay còn khó khăn, nên việc tăng lương ở mức độ đó cũng là sự cố gắng để góp phần đáp ứng được những yêu cầu của người dân. Để mức lương có thể thu hút được người giỏi vào làm việc ở các cơ quan nhà nước, cũng như CBCCVC yên tâm công tác, trong thời gian tới, Chính phủ cần tăng lương theo lộ trình để đảm bảo những mức lương cơ bản sẽ đáp ứng được cuộc sống của NLĐ nói chung, nhất là trong khối hành chính sự nghiệp”- ông Công nhấn mạnh.

Quan tâm đến việc tăng lương cơ sở trong thời điểm hiện nay, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, việc đề xuất tăng lương cơ sở vào năm 2023 là hợp lý. Bởi, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19, nền kinh tế sau đại dịch đang dần phục hồi. Bên cạnh đó, cũng có những chương trình rất ý nghĩa để phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch. Ngoài ra, sau đại dịch Covid-19, cuộc sống của đại đa số nhân dân chịu ảnh hưởng rất nhiều theo hướng tiêu cực. Đối với tầng lớp CBCCVC cũng bị ảnh hưởng, tuy không rõ rệt như các DN hay người dân khác, nhưng cuộc sống cũng bị ảnh hưởng. Có nhiều CBVCCVC khi đại dịch xảy ra đã chịu ảnh hưởng rất nhiều về kinh tế và áp lực công việc.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga

Về mức tăng tiền lương theo đề xuất của Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc cải cách tiền lương trong thời điểm này là vô cùng ý nghĩa, tuy nhiên mức tăng 20,8% chỉ mang tính chất động viên tinh thần là chính. Đối với những CBCCVC, khi tính theo thang bảng lương hiện hành cộng với 20,8% tăng thêm thì số tiền được tăng thêm với mỗi người trong một tháng vẫn rất thấp so với nhu cầu đời sống hiện tại. Tuy nhiên, hy vọng sẽ có cải cách dần dần bởi còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách quốc gia.

Khi thực hiện chi trả tiền lương theo cách tính lương mới, chế độ tiền lương sẽ được cải cách hơn rất nhiều. Đây cũng là sự mong mỏi của đội ngũ CBCCVC hưởng lương NSNN. “Để CBCCVC có thể yên tâm sống bằng lương từ NSNN, để cải cách tiền lương phải có nguồn lực đủ mạnh, muốn có nguồn lực đủ mạnh phải song hành với rất nhiều giải pháp phát triển kinh tế. Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực cải cách tiền lương đi đôi với việc sắp xếp lại các đơn vị và tinh giản biên chế, bởi phần tiền lương bỏ ra để duy trì một bô máy cồng kềnh cũng rất tốn kém”- ĐB Nga phân tích.

Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga, hiện nay, có hiện tượng rất đáng buồn đang xảy ra, đó là “chảy máu chất xám” ở các cơ quan nhà nước. Theo đó, có hiện tượng người có năng lực di chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, nguyên nhân là do tiền lương họ nhận được từ khu vực công quá ít so với khu vực tư. Bên cạnh đó, có hiện tượng bỏ luôn nghề để làm những nghề khác kiếm được thu nhập cao hơn và đỡ vất vả hơn. Vì vậy, hai hiện tượng này cần suy nghĩ thận trọng, bởi đều liên quan đến tiền lương, tiền công NLĐ được nhận. Với điều kiện tiền lương thấp, đội ngũ CBCCVC không đủ điều kiện nuôi gia đình. Do đó, việc cải cách tiền lương là mấu chốt để giữ chân nhân tài, không bị chảy máu chất xám trong khu vực công.

Phát biểu thảo luận tại tổ sáng 22/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương, từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên Bộ Chính trị, BCH Trung ương đã xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định. Khi chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, song 3 năm vừa qua (2019-2021), đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lên nền kinh tế, nên chưa thực hiện được tăng lương cơ sở.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết thêm, mức điều chỉnh khoảng 20,8% đang tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương, bởi khung cải cách tiền lương dự kiến thấp nhấp so với mức lương đang hiện hành tăng khoảng 29%, mức cao nhất khoảng trên 40%. “Đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng là rất hợp lý, tạo ra được động lực mới, giảm hiện trạng CBCCVC xin thôi việc. Nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế-xã hội tốt và năm 2024 nếu tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi cách yếu tố khách quan như năm 2020-2022, thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương”- Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

 

PV