Giao lưu trực tuyến “Phát triển bền vững BHYT toàn dân”

21/12/2019 10:41 AM


Chiều ngày 20/12, tại trụ sở Báo Nhân Dân, Báo Nhân dân phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phát triển bền vững BHYT toàn dân”.

Tham gia chương trình giao lưu có ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng, Vụ BHYT, Bộ Y tế và ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam.

Quang cảnh buổi giao lưu

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, ông Phạm Song Hà, Trưởng Ban Chính trị - Xã hội, Báo Nhân Dân nhấn mạnh, Luật BHYT ra đời năm 2008 và đến năm 2013, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Đây là những bước quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua BHYT toàn dân, thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Khái quát những thành quả nổi bật, ông Phạm Song Hà cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật BHYT, số người tham gia BHYT ở nước ta đã không ngừng tăng lên nhanh chóng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt 90% dân số. Tính riêng từ năm 2015 đến năm 2019, toàn quốc tăng khoảng 15 triệu người tham gia BHYT. Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng được cải thiện, nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại khi đưa vào Việt Nam đều nhanh chóng được quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Thống kê đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 37%, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

Tặng hoa cho các khách mời tham gia giao lưu

“Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt gần 90%, nhưng để 10% dân số còn lại vận động tham gia BHYT là cực kỳ khó khăn” – ông Phạm Song Hà nói.

Ông Phạm Song Hà chỉ rõ, thực tiễn quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và tổ chức thực hiện Luật. Đó là, các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, cũng như tổ chức thực thi pháp luật. Một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT cũng cần được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp hơn với thực tiễn như: phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức khám chữa bệnh BHYT; phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; công tác giám định; quản lý và sử dụng quỹ BHYT…

Thay mặt Ban Biên tập Báo Nhân Dân, ông Phạm Song Hà mong muốn các đại biểu thảo luận thẳng thắn về những bất cập trong chính sách và thực hiện chính sách BHYT hiện hành, đồng thời gợi mở, đề xuất được những thay đổi để góp thêm ý kiến cho các nhà hoạch định chính sách trong lần sửa đổi, bổ sung Luật BHYT tới đây, và cũng để hướng tới mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững BHYT toàn dân.

Trao đổi về kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ông Phan Văn Toàn cho biết Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội đã giao chỉ tiêu cho Chính phủ: "Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT".

Qua đó, kết quả cụ thể như sau: Năm 2018, toàn quốc có hơn 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 88,5% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg là 3,3% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 giao, đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT), trong đó đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 15,7 triệu người, tăng gần một triệu người so với năm 2017 (tương đương tăng 6,3%).

Năm 2019, toàn quốc ước có khoảng 85,2 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 89,8% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg là 1,7% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 giao, đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT).

Dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội, qua thực tế giám sát ở các địa phương, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định Nghị quyết 68 của Quốc hội đáp ứng được yêu cầu hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội của chúng ta, trong đó BHYT được coi là một trụ cột quan trọng. Hiện nay, chưa có lúc nào tỷ lệ bao phủ toàn dân tới 90% tham gia BHYT, đó là một tỷ lệ thành công lớn, là mục tiêu mà chúng ta phấn đấu để đạt được, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Phát triển BHYT bền vững phải thỏa mãn được hai yêu cầu rất cơ bản. Một là, phải bao phủ đến mọi người, hay còn gọi là BHYT toàn dân, để không ai phải đi khám, chữa bệnh mà không có BHYT. Thứ hai là, phải bảo đảm bền vững về tài chính. Hai yếu tố này đều phải đặc biệt quan tâm.

“Cách đây khoảng 5-10 năm, tỷ lệ tham gia BHYT rất khác nhau giữa các địa phương, ngay cả ở những địa phương gần sát Hà Nội, như Nam Định năm 2012 mới đạt được khoảng hơn 40%, chưa được 50%. Nhưng đến nay rất mừng tỷ lệ này bao phủ đồng đều trên toàn quốc, tức là diện bao phủ rất lớn” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Ông Bùi Sỹ Lợi trao đổi trong chương trình giao lưu

Qua công tác giám sát, ông Bùi Sỹ Lợi cũng lưu ý việc phát triển chính sách BHYT và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng chưa đồng đều giữa các vùng miền. Một số vùng miền điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa thì việc chăm sóc sức khỏe vẫn chưa đạt yêu cầu. Người dân được tham gia nhưng dịch vụ y tế cho đến vùng sâu vùng xa vẫn chưa đạt yêu cầu, dẫn đến có sự chênh lệch về hưởng lợi của dịch vụ BHYT đối với người dân ở các vùng miền. Mặc dù BHYT đạt 90% nhưng chúng ta vẫn có tới 10% chưa tham gia BHYT. 10% này mới là điều đáng lưu ý. Một bộ phận người có thu nhập cao, người hoàn toàn có khả năng tham gia BHYT để làm tỷ lệ bao phủ BHYT tăng lên nhưng chưa tham gia….  Theo ông Bùi Sỹ Lợi, cần tập trung vận động, tuyên truyền, làm sao để đối tượng này có thể tham gia vào hệ thống BHYT của cả nước.

Trao đổi về công tác giám định BHYT, ông Nguyễn Tất Thao cho biết, công tác này ngày càng được BHXH Việt Nam hiện đại hóa. Trên cơ sở dữ liệu KCB BHYT của người tham gia BHYT của các cơ sở KCB gửi lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin Giám định BHYT, kết nối với các phần mềm giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, BHXH Việt Nam đã xây dựng được kho dữ liệu để triển khai thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực BHYT như chỉ đạo của Chính phủ. Hệ thống Thông tin giám định BHYT được vận hành đồng bộ đã mang lại ích lợi không nhỏ cho cả ba bên là người dân, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH. Theo đó, người dân khám chữa bệnh BHYT được giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khi đi khám chữa bệnh, chi phí KCB được minh bạch hóa. Người tham gia BHYT có thể được thông báo lịch sử đi KCB và chi phí mỗi lần KCB của mình.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) không chỉ của người tham gia BHYT mà còn của người tham gia BHXH, BH thất nghiệp. Những CSDL này đã giúp ngành BHXH cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời xây dựng và hoàn thiện nguồn CSDL quốc gia về bảo hiểm, tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử.

Các khách mời đã cùng trao đổi với độc giả về các nội dung như: Hệ thống pháp luật về BHYT; việc phát triển BHYT ở vùng sâu, vùng xa; đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; mô hình bác sỹ gia đình./.

PV