Thẻ BHYT - “Bùa hộ mệnh” cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo

23/09/2019 09:57 AM


Đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Lan (43 tuổi, ngụ thôn Ngọc Khám, Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh) khi được quỹ BHYT chi trả mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng cho căn bệnh bạch cầu của mình.

Theo chị Lan, thẻ BHYT không chỉ giúp chị mà còn giúp chồng chị không tốn tiền khi điều trị căn bệnh tiểu đường. “Nếu không có thẻ BHYT mà đi chữa bệnh cho hai vợ chồng chắc phải bán nhà ra đường ở …” - chị Lan khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Mầu là một trong hàng trăm trường hợp thoát nghèo nhờ thẻ BHYT

Chị Lan kể, sau một thời gian làm việc cho một cơ quan nhà nước, chị xin nghỉ việc để mở một spa làm đẹp. Khách đông, chị bị cuốn vào công việc mà quên tham gia BHYT. Tình cờ, chị biết được những cảnh đời thoát nghèo nhờ BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị mới sực nhớ và nhanh chóng đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Vừa nhận thẻ BHYT, chị đi khám và phát hiện ra căn bệnh bạch cầu, chi phí khám, chữa bệnh lên đến vài trăm triệu và phải điều trị dài ngày. Với tấm thẻ BHYT mà theo chị là “bùa hộ mệnh” trong tay, một tháng/lần chị đến Bệnh viện Huyết học và truyền máu Trung ương chữa trị. Năm 2018, chi phí khám, chữa bệnh của chị lên đến gần 140 triệu đồng nhưng chị chỉ phải chi trả 20% trong khoản này. Thẻ BHYT không chỉ giúp chị mà còn giúp chồng chị không tốn tiền khi điều trị căn bệnh tiểu đường. “Vì vậy tôi cho rằng chính sách BHYT là hữu ích nhất là đối với người dân mắc bệnh hiểm nghèo” - chị Lan nhấn mạnh.

Gia đình chị Lan chỉ là một trong hàng trăm trường hợp khác thoát nghèo nhờ thẻ BHYT trên địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 2018, bà Nguyễn Thị Mầu (65 tuổi ở xã Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc Ninh) phát hiện mình mắc bệnh tim cần phải phẫu thuật. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên khi nghe về số tiền phẫu thuật bà Mầu từ chối. Nhưng khi biết được thẻ BHYT do nhà nước cấp sẽ chi trả gần như toàn bộ số tiền trên, bà mới chấp nhận chữa bệnh. Ca phẫu thuật thay van tim hai lá tại bệnh viện Bạch Mai của bà Mầu lên đến 115 triệu đồng, nhưng BHYT đã chi trả 95% tổng chi phí khám, chữa bệnh. Không những thế, mỗi tháng bà Mầu còn được nhà nước cho 30.000 đồng. Biết ơn Đảng, Nhà nước bà Mầu chia sẻ “Thẻ BHYT là bùa hộ mệnh cho những gia đình nghèo như tôi. Nếu không chúng tôi phải đứng trước cảnh còn mạng sống thì sạch tài sản và còn tài sản thì tôi sớm về với đất”.

Hiện nay, với giá dịch vụ y tế ngày càng tăng cao, trong khi bệnh tật không chừa ai thì mua thẻ BHYT là tích lũy “bảo hiểm” cho sức khỏe của mình. Thực tế đã chứng minh vừa mua thẻ xong thì phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo hoặc nhờ có tấm thẻ BHYT mà quyết tâm chữa bệnh, qua đó, tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng.

***Theo thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, bình quân một người được quỹ BHYT chi trả hơn 1,1 triệu đồng/năm. Riêng về danh mục thuốc BHYT, Việt Nam đang nằm trong nhóm các nước có danh mục thuốc cao của thế giới, với khoảng 1.000 loại thuốc (thế giới chỉ khoảng 700 loại, với mệnh giá BHYT cao)./.

PV